Xứng đáng với danh hiệu doanh nhân tiêu biểu

07:10, 12/10/2013

Trong số gần 4.000 doanh nhân ở nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau đã và đang đóng góp trí tuệ, sức lực trên mặt trận phát triển kinh tế của tỉnh, doanh nhân Nguyễn Thế Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty CP Dệt may Sơn Nam (TP Nam Định) là một trong những gương mặt tiêu biểu. Từ một đơn vị đứng trên bờ vực phá sản vào thời điểm chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế đến nay Cty đã vượt khó, vươn lên trở thành doanh nghiệp nổi tiếng của ngành dệt may Việt Nam và không ngừng tạo dựng, phát triển vị thế mới trên trường quốc tế. Cty đã 2 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động, hàng chục Cờ thi đua xuất sắc và nhiều phần thưởng danh giá khác như: Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín Việt Nam trong năm 2012-2013 của Bộ Công thương; nằm trong Top 1.000 doanh nghiệp đóng thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam theo Bảng xếp hạng V1000 năm 2012; nằm trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR 500) năm 2013… Để đạt được những thành công trên, doanh nhân Nguyễn Thế Minh đã cùng với đội ngũ lãnh đạo Cty đề ra nhiều giải pháp để giải quyết những nút thắt trong khâu thị trường tiêu thụ sản phẩm và yêu cầu bảo đảm năng lực ổn định vững chắc với khối lượng hàng lớn, đạt chuẩn chất lượng. Ngay sau khi cổ phần hoá, Cty đã chuyển từ phương thức làm hợp đồng gia công sang xuất khẩu trực tiếp, lấy xuất khẩu làm định hướng phát triển. Cty đã đẩy mạnh liên kết với các cơ sở sản xuất của các làng nghề dệt trên địa bàn tỉnh theo hướng hỗ trợ trực tiếp cho người sản xuất, tăng giá sản phẩm gia công, tổ chức dạy nghề, hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy dệt khăn. Đến năm 2005, đã có nhiều làng nghề dệt truyền thống ở các xã Nam Hồng, Nam Thanh (Nam Trực) và một số xã của huyện Trực Ninh được khôi phục và phát triển với số lượng trên 1.000 máy dệt khăn khổ rộng và hàng chục tổ hợp, HTX, doanh nghiệp. Phương châm phát triển cùng làng nghề đã không chỉ đem lại lợi ích thiết thực cho Cty mà còn giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 2.000 lao động tại các địa phương. Khi giải quyết song hành vấn đề của doanh nghiệp và xã hội một cách hiệu quả, cũng chính là lúc công việc kinh doanh của Cty được các đối tác nước ngoài đánh giá đạt tính xã hội, nhân văn cao. Nhờ đó, Cty không chỉ ký kết được nhiều hợp đồng dài hạn mà còn được đối tác cam kết làm bạn hàng lâu dài. Tạo dựng được lợi thế về thị trường, doanh nhân Nguyễn Thế Minh và Cty đã mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng để cải tạo, mở rộng, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng, từng bước khép kín quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Cty sắp xếp lại bộ máy quản lý, nâng cao trình độ quản lý của cán bộ lãnh đạo và trình độ tay nghề cho người lao động. Hằng năm Cty sản xuất khoảng 8.000 tấn sợi, 3.000 tấn khăn các loại… 70% khối lượng sản phẩm được xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc… Mục tiêu của Cty trong thời gian tới là tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, tiết kiệm nguyên liệu, tăng tỷ lệ sản phẩm loại A, nâng cao giá trị sản phẩm, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm; phấn đấu tăng doanh thu xuất khẩu, lợi tức, tài sản, thu nhập người lao động gấp 2 lần.

Anh Đoàn Văn Sáu, Giám đốc Cty TNHH Cường Tân kiểm tra chất lượng lúa giống trên cánh đồng xã Trực Hùng (Trực Ninh).
Anh Đoàn Văn Sáu, Giám đốc Cty TNHH Cường Tân kiểm tra chất lượng lúa giống trên cánh đồng xã Trực Hùng (Trực Ninh).

Cty TNHH Tân Thiên Phú, xã Xuân Tiến (Xuân Trường) được thành lập năm 2009 với ngành nghề chuyên sản xuất máy móc phục vụ ngành chăn nuôi như các loại máy nghiền, máy ép viên, máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, máy sấy, máy ấp trứng tự động… Cuối năm 2010, khi nhận thấy nhu cầu xử lý rác thải tại các vùng nông thôn rất cao, anh Trần Văn Kiều, Giám đốc Cty cùng một số đồng nghiệp đã dành thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu, chế tạo máy nghiền rác thải. Sau hơn 2 năm miệt mài đầu tư nghiên cứu, anh đã chế tạo thành công máy phân loại, nghiền rác thải tự động. Máy được thiết kế gọn, thuận tiện di chuyển trong khu dân cư; chi phí đầu tư chỉ khoảng 300 triệu đồng/máy. Hiệu quả vượt trội của máy là giúp giải quyết được một khối lượng lớn công việc của công nhân thu gom rác. Các loại rác thải sinh hoạt qua xử lý của máy có thể làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Năm 2012, máy xử lý rác thải do anh Kiều chế tạo được Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ KH và CN) kiểm định và cấp phép quyền sử dụng. Tháng 5-2013 máy đã chính thức được lắp đặt và đưa vào vận hành thử nghiệm tại khu xử lý rác thải tập trung của xã Xuân Kiên (Xuân Trường) và bắt đầu được một số xã lân cận đặt mua. Không dừng lại ở đó, hiện nay anh Kiều đang tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện sớm đưa ra thị trường sản phẩm lò đốt rác thải cung cấp cho các đơn vị có nhu cầu xử lý triệt để rác thải. Anh Kiều khẳng định: Cty sẽ cung cấp lò đốt rác thải ra thị trường với mức giá hợp lý nhất phù hợp với sức mua của các địa phương, mở ra một cơ hội xử lý triệt để rác thải sinh hoạt vùng nông thôn và tạo điều kiện về việc làm ổn định cho các lao động địa phương.

Vào những năm 2003-2007, trong bối cảnh chương trình khôi phục, mở rộng diện tích sản xuất hạt giống lúa lai F1 của tỉnh gặp khó khăn, anh Đoàn Văn Sáu, Giám đốc Cty TNHH Cường Tân, xã Trực Hùng (Trực Ninh) đã ký hợp đồng mua lại bản quyền sản xuất giống lúa lai 2 dòng TH3-3 từ Viện Sinh học Nông nghiệp, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội với giá 10 tỷ đồng. Sự mạnh dạn dành quyền chuyển nhượng sản xuất giống lúa lai của anh không chỉ đánh dấu một bước ngoặt lớn trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh mà còn mở ra cho anh một con đường mới nhiều trọng trách, phải cống hiến, sẻ chia cùng bà con nông dân cũng như sự nghiệp phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Ban đầu anh tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết với các HTXNN và ký hợp đồng bao tiêu 100% sản phẩm; tuy vậy mô hình không bảo đảm được ổn định lâu dài về quy hoạch vùng sản xuất, kéo theo những hạn chế cho đầu tư tại vùng sản xuất. Để khắc phục những bất cập này, anh đã đi vận động thuê lại ruộng của nông dân một số huyện Trực Ninh, Xuân Trường, Nghĩa Hưng và đã thuê được xấp xỉ 300ha ruộng trong thời hạn từ 5-10 năm. Để phát triển bền vững, trong chỉ đạo sản xuất, anh yêu cầu người nông dân phải có tư duy mới, phải được đào tạo để đáp ứng quy mô sản xuất hàng hóa. Hiện nay 100% diện tích đất nông nghiệp do Cty quản lý đều được tập trung đầu tư quy hoạch và được tu bổ, sửa chữa hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng, bờ vùng, bờ thửa, cải tạo mặt bằng, xây dựng cầu cống, đường điện..., đảm bảo đáp ứng cơ bản các yêu cầu của sản xuất lúa giống. Các hộ nông dân được tổ chức theo nhóm với phương thức quản lý, điều hành và tác phong công nghiệp, hiện đại. Mỗi chủ nhóm quản lý trung bình 10 mẫu ruộng; được ứng giống, vật tư, phân bón, thuốc BVTV... Sản phẩm làm ra được Cty tiêu thụ hết với giá thỏa thuận và được cam kết bù lỗ nếu năng suất dưới 55 kg/sào. Hằng năm, sản lượng giống lúa lai F1 do Cty sản xuất đạt trên 1.000 tấn. Tất cả các tổ hợp giống lúa lai F1 do Cty sản xuất và cung cấp ra thị trường đều đạt năng suất, chất lượng cao và khả năng tiêu thụ tốt. Hiện anh đang đầu tư để tăng số lượng các cánh đồng mẫu lớn ở khắp các vùng trong nước, mở rộng từ sản xuất lúa giống sang sản xuất lúa thương phẩm. Mục tiêu trong vài năm tới của anh là sẽ phát triển số lượng lao động trực tiếp sản xuất trên các cánh đồng mẫu lớn lên hàng nghìn người.

Năng động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, gắn hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội để tạo sự phát triển bền vững, chủ nhân của các doanh nghiệp kể trên thật sự là những doanh nhân tiêu biểu, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Họ xứng đáng được xã hội tôn vinh nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com