VietGAP là quy trình sản xuất tốt theo tiêu chuẩn Việt Nam, gồm những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế nông sản an toàn, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. Trong những năm qua, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP đã được Sở NN và PTNT tổ chức áp dụng thành công tại các địa phương. Điển hình như các mô hình: xây dựng CĐML sản xuất lúa theo quy trình VietGAP ở Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng); trồng rau an toàn theo hướng VietGAP tại các xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), Thành Lợi (Vụ Bản), Xuân Ninh (Xuân Trường), Yên Dương (Ý Yên)…; mô hình chăn nuôi theo hướng VietGAP ở các huyện Ý Yên, Vụ Bản; nuôi cá rô phi đơn tính theo hướng VietGAP ở các xã Xuân Vinh, Xuân Ngọc (Xuân Trường); nuôi tôm theo quy phạm thực hành nuôi tốt VietGAP ở những xã có vùng nuôi tôm thâm canh tại các huyện Giao Thủy và Hải Hậu… Sản phẩm của các mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP đều đạt chất lượng cao, bảo đảm ATVSTP nên dễ tiêu thụ với mức giá ổn định. Không chỉ đạt hiệu quả kinh tế cao, sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP còn giúp nông dân các địa phương nâng cao nhận thức của vấn đề chất lượng sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh, là điều kiện tiên quyết và sống còn để duy trì, phát triển sản xuất. Không những thế, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP còn thúc đẩy sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, từ đó mang lại lợi ích, thu nhập cao hơn cho người sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu cho ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Việc sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP luôn đòi hỏi phải quản lý chặt chẽ, chi tiết từ khâu xử lý đất, nguồn nước tưới, quá trình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thời gian cách ly với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch đến khâu thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Tại vùng chuyên canh rau theo quy trình VietGAP ở xóm Đồng Nguyên, xã Thành Lợi (Vụ Bản) được quy hoạch với tổng diện tích 2ha, thu hút sự tham gia của 31 hộ dân trong xóm. Khi tham gia mô hình, các hộ được tập huấn kiến thức về phòng trừ sâu bệnh theo phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và được hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc trừ sâu, có nguồn nước tưới thuận lợi. Ông Vũ Tiến Oanh, trồng 3 sào cải bắp theo quy trình VietGAP cho biết: “Sản xuất theo quy trình VietGAP, các công đoạn phức tạp hơn, nhưng cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, sâu bệnh gần như không xuất hiện. Mỗi sào cải bắp nhà tôi cho thu lãi trên 5 triệu đồng”. Xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) là vùng đất chuyên màu. Hiện xã có 5ha trồng rau theo quy trình VietGAP, nhờ chất lượng sản phẩm rau tốt nên việc tiêu thụ rất dễ dàng. Không ít chủ nhà hàng đã tìm về đây nhận bao tiêu trọn gói các loại rau, củ, quả, nên bình quân mỗi ha trồng rau theo quy trình VietGAP mỗi năm cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Sinh, một hộ tham gia sản xuất rau an toàn trong xã phấn khởi cho biết: “Canh tác theo quy trình sản xuất mới, nông dân chúng tôi được hưởng nhiều lợi ích. Ngoài việc giảm lượng thuốc trừ sâu, sức khỏe ít bị ảnh hưởng thì giá trị kinh tế mang lại cũng cao hơn trước nhờ năng suất tăng lên, chi phí sản xuất giảm”. Từ hiệu quả của các mô hình thí điểm, vụ đông 2013 tỉnh tiếp tục lựa chọn, quy hoạch 10 vùng đủ điều kiện để mở rộng diện tích sản xuất rau, quả an toàn theo quy trình VietGAP tại 10 huyện, thành phố.
Vùng chuyên canh rau màu của xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng) phấn đấu mục tiêu phát triển sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. |
Tuy các mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng quy trình VietGAP đã đạt kết quả khả quan, thể hiện ưu thế so với phương pháp sản xuất truyền thống, song việc nhân rộng các mô hình gặp nhiều khó khăn. Trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện nay, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 2 trang trại chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận mô hình chăn nuôi VietGAP, gồm trang trại chăn nuôi lợn thịt của ông Nguyễn Văn Toán, xã Xuân Thượng (Xuân Trường) với quy mô 2.000 con lợn thịt/năm và trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm của ông Trần Hồng Kỳ, xã Minh Tân (Vụ Bản) với quy mô 25.000 con. Nguyên nhân không chỉ do người dân chưa tích cực thay đổi mà còn do nguồn gốc giống vật nuôi chưa rõ ràng. Trong khi, quy trình VietGAP đòi hỏi phải nắm rõ xuất xứ sản phẩm khiến người sản xuất khó thực hiện đầy đủ các chỉ tiêu để đạt tiêu chuẩn đăng ký chứng nhận VietGAP. Tại các mô hình trình diễn trên rau màu ngành chức năng hướng đến mục đích sau khi tiếp cận, người dân sẽ nhận thức được lợi ích của sản xuất theo quy trình VietGAP, từ đó nhân rộng ra đại trà, nhưng khi không còn sự hỗ trợ của Nhà nước thì tại một số địa phương, người nông dân lại quay về với phương thức sản xuất cũ: tưới phân tươi cho rau, bón đạm, phun thuốc bảo vệ thực vật tràn lan… Mặt khác, việc tuyên truyền chưa hiệu quả nên sản xuất theo quy trình VietGAP còn xa lạ với nhiều nông dân; sản phẩm sản xuất theo quy trình VietGAP với sản xuất đại trà chưa được phân biệt rõ ràng…
Trong xu thế hội nhập hiện nay, để ổn định mức giá nông sản cũng như ổn định thu nhập cho người sản xuất nông nghiệp, thì nông sản phải đạt chất lượng và bảo đảm ATVSTP. Sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP là điều kiện bắt buộc nếu muốn sản phẩm nông sản đứng vững trên thị trường. Vì vậy, việc nhân rộng các mô hình áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết. Để làm được điều này, các cấp, các ngành, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân thấy được hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội từ việc sản xuất theo quy trình VietGAP. Tăng cường tập huấn kỹ thuật sản xuất cho cán bộ cơ sở và nông dân trực tiếp tham gia sản xuất; từng bước đưa và cấp giấy chứng nhận một số đối tượng cây trồng, con nuôi chính sản xuất theo quy trình VietGAP nhằm cung cấp cho thị trường những sản phẩm nông sản sạch, an toàn. Tiếp tục phối hợp với các đơn vị quản lý, các viện nghiên cứu Trung ương trong việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP tại các huyện, thành phố để đánh giá hiệu quả và tổ chức nhân rộng. Đồng thời, tỉnh nên có chính sách dài hơi hỗ trợ sản xuất, chế biến, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm sản xuất theo quy trình VietGAP./.
Bài và ảnh: Hoàng Anh