Những năm gần đây, chăn nuôi ở tỉnh ta luôn phải đối mặt với những khó khăn như giá thức ăn tăng cao, giá bán sản phẩm thấp, nhưng vẫn khó tiêu thụ sản phẩm... Bên cạnh đó, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, đặc biệt dịch lợn tai xanh liên tục xảy ra với diện rộng, kéo dài nên việc tổ chức, mở rộng sản xuất gặp khó khăn... Tuy vậy, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh và hướng dẫn của Sở NN và PTNT, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để ổn định chăn nuôi. Tổng đàn lợn luôn giữ trên dưới 745 nghìn con, đàn gia cầm trên 6,5 triệu con, đàn bò trên 37 nghìn con, đàn trâu gần 6,4 nghìn con. Bên cạnh các giá trị kinh tế, quá trình chăn nuôi còn có những tác động xấu đến môi trường do phát triển chăn nuôi chưa gắn liền với quy hoạch, công tác xử lý chất thải chưa hợp lý, chăn nuôi còn nhỏ lẻ xen kẽ trong khu dân cư... Với tổng đàn gia súc, gia cầm như hiện nay, mỗi năm có trên 1,5 triệu tấn chất thải chăn nuôi thải ra môi trường. Trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 5.434 bể biogas, 3 cơ sở và hộ chăn nuôi làm đệm lót sinh thái..., xử lý chất thải quá ít so với hàng trăm nghìn cơ sở và hộ chăn nuôi. Như vậy, lượng chất thải chăn nuôi chưa được xử lý trong các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn rất lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống và sức khoẻ cộng đồng.
Cán bộ xã Trực Thắng (Trực Ninh) kiểm đếm thống kê đàn lợn trên địa bàn xã. |
Trước thực trạng này, UBND tỉnh, Sở NN và PTNT đã tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư giải quyết vấn đề chất thải chăn nuôi vì sự phát triển bền vững. Từ tháng 10-2013 tỉnh ta là 1 trong 10 tỉnh trên cả nước được thụ hưởng dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ trong thời gian 6 năm (từ năm 2013 đến 2019). Theo đó, để quản lý chất thải chăn nuôi, dự án sẽ hỗ trợ tỉnh kỹ thuật xây dựng các công trình khí sinh học. Đào tạo về kỹ thuật, tiêu chuẩn, vận hành, bảo dưỡng, thủ tục lập hồ sơ vay vốn tín dụng các công trình khí sinh học và các hạng mục môi trường có liên quan đến quản lý chất thải chăn nuôi cho đội ngũ cán bộ khuyến nông, nông dân và các doanh nghiệp. Đào tạo đội ngũ thợ xây và những người làm dịch vụ liên quan đến xây dựng, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng các công trình khí sinh học và các hạng mục môi trường có liên quan. Hỗ trợ kỹ thuật cho khảo sát, thiết kế, chuẩn bị hồ sơ vay vốn và giám sát chất lượng, nghiệm thu cho 3-5 nghìn công trình khí sinh học quy mô nhỏ, 10 công trình khí sinh học quy mô vừa và 2-5 công trình khí sinh học quy mô lớn, đồng thời thực hiện quản lý, giám sát chất lượng các công trình khí sinh học do dự án tài trợ. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để phát triển công nghệ khí sinh học và quản lý chất thải chăn nuôi đạt tiêu chuẩn. Tăng cường năng lực về quan trắc môi trường cho tỉnh liên quan đến việc theo dõi và xử lý môi trường của các công trình khí sinh học. Dự án hỗ trợ cho các địa phương xây dựng từ 3.000 đến 5.000 công trình khí sinh học quy mô nhỏ, 10 công trình quy mô vừa và 2-5 công trình quy mô lớn. Đặc biệt dự án còn hỗ trợ xây dựng 1-2 mô hình trang trại chăn nuôi các bon thấp theo hướng VietGAP đạt tiêu chuẩn từ khâu quy hoạch chăn nuôi đầu vào (giống, kỹ thuật chăn nuôi, thu gom chất thải), sử dụng khí ga từ công trình khí sinh học, tận dụng chất thải để làm phân bón hữu cơ và xử lý nước thải hợp vệ sinh môi trường; hỗ trợ kỹ thuật và tài chính xây dựng 5-10 mô hình sử dụng khí sinh học phát điện, các thiết bị sử dụng khí ga, cung cấp khí ga dùng chung cho các hộ lân cận, công trình khí sinh học nhằm tận dụng tối đa lượng khí ga thừa, tạo nguồn thu bổ sung cho các hộ đầu tư công trình khí sinh học. Dự án cũng cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp và nông dân (có ưu tiên về giới) thông qua các định chế tài chính nhằm phát triển cơ sở hạ tầng chuỗi giá trị khí sinh học. Dự án còn thực hiện một số mô hình thí điểm ứng dụng quy mô nhỏ (khoảng 0,2-0,3 triệu USD cho mỗi đề tài) nhằm phát triển các công nghệ sản xuất phù hợp với địa phương: Công nghệ sản xuất lúa cải tiến giảm phát thải khí nhà kính, với việc hỗ trợ các hạng mục về thủy lợi nhỏ nhằm điều tiết nước có hiệu quả trên các ruộng lúa; công nghệ sử dụng phế, phụ phẩm trong trồng trọt, đặc biệt tập trung vào xử lý hàng chục triệu tấn rơm, rạ, vỏ trấu thải ra hằng năm từ trồng lúa, để chế biến than sinh học (biochar), làm phân bón hữu cơ nhằm từng bước giảm dần sử dụng phân hóa học gây ô nhiễm môi trường, bước đầu sử dụng hiệu quả nguồn sinh khói từ phế, phụ phẩm nông nghiệp làm nhiên liệu sinh học; công nghệ chế biến thức ăn cho nuôi trồng thủy sản nhằm giảm ô nhiễm môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản. Xây dựng và cập nhật các chương trình đào tạo và giáo trình giảng dạy sẵn có cho nông dân và các cán bộ nông nghiệp về các kỹ thuật ứng dụng quản lý chất thải nông nghiệp các bon thấp phục vụ đào tạo và dạy nghề nông thôn. Xây dựng và cập nhật các bộ bản đồ vùng sinh thái nông nghiệp nhằm quản lý phát thải khí nhà kính, dự báo vùng sản xuất nông nghiệp có nguy cơ cao trong việc chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu (nước biển dâng, xâm nhập mặn, ngập lụt, hạn hán...) phục vụ cho quy hoạch sản xuất nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất và giảm phát thải khí nhà kính.
Do tính thiết thực của dự án nên ngay khi được triển khai từ tháng 10-2013, các cơ sở, hộ chăn nuôi trong tỉnh đã đăng ký xây dựng trên 14 nghìn bể biogas quy mô nhỏ, 2 hầm biogas quy mô vừa và 1 hầm biogas quy mô lớn theo chương trình dự án. Đây là cơ hội tốt để tỉnh ta tiếp cận và thực hiện mục tiêu xây dựng một nền chăn nuôi sạch, thân thiện với môi trường, hiệu quả, bền vững, đồng thời là điều kiện để các cấp, các ngành nâng cao năng lực quản lý, giám sát và tổ chức thực hiện các kế hoạch mục tiêu phát triển nền nông nghiệp sạch với các công trình xử lý chất thải triệt để./.
Bài và ảnh: Tất Thắc