Tiếp tục triển khai chương trình cho vay học sinh, sinh viên

08:10, 04/10/2013

Ngày 27-9-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV) nhằm hỗ trợ và giúp những HSSV thuộc hộ nghèo có điều kiện học tập. Việc triển khai thực hiện Quyết định 157 trên địa bàn tỉnh ta đã giúp cho hàng chục nghìn HSSV con em các gia đình nghèo, gia đình khó khăn được đến trường. Chị Nguyễn Thị Tuyết, thôn Đông Thắng, xã Nam Hồng (Nam Trực) cho biết: Năm 2008, gia đình chị thuộc diện hộ cận nghèo. Khi con gái trúng tuyển vào Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, tính đến những chi phí học tập cho con trong điều kiện kinh tế gia đình hết sức khó khăn, đã có lúc chị định cho cháu nghỉ học. Đúng lúc khó khăn đó, gia đình chị được vay hơn 35 triệu đồng từ chương trình cho vay HSSV của Ngân hàng CSXH giúp trang trải chi phí học tập. Hiện nay, con gái chị Tuyết đã có công việc, thu nhập ổn định và bắt đầu trả nợ cho Ngân hàng CSXH.

Trao đổi nghiệp vụ giữa cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Nam Trực với các tổ trưởng tổ TK-VV xã Nam Hồng về chương trình tín dụng HSSV.
Trao đổi nghiệp vụ giữa cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Nam Trực với các tổ trưởng tổ TK-VV xã Nam Hồng về chương trình tín dụng HSSV.

Tính đến ngày 31-8-2013, tổng dư nợ cho vay HSSV của Ngân hàng CSXH đạt 1.109,4 tỷ đồng, với 65.964 HSSV của 54.049 hộ được vay vốn, dư nợ bình quân 1 hộ gia đình là 20,5 triệu đồng và gần 17 triệu đồng/HSSV. So với các chương trình cho vay của ngân hàng thương mại, chương trình tín dụng HSSV luôn được đánh giá cao về chất lượng tín dụng. Nợ quá hạn ở mức rất thấp, hết tháng 8-2013 số dư nợ quá hạn là 628 triệu đồng, chiếm 0,06% tổng dư nợ. Triển khai thực hiện chương trình cho vay vốn HSSV năm học mới 2013-2014, Ngân hàng CSXH tỉnh bám sát chỉ đạo của Ngân hàng CSXH Việt Nam để xây dựng kế hoạch nguồn vốn sát với thực tế, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vay của gia đình HSSV. Phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác của ngân hàng để tập huấn cho đội ngũ tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV), hướng dẫn hộ vay lập hồ sơ vay vốn kịp thời, đúng quy trình và đầy đủ thủ tục khi có giấy báo nhập học hoặc giấy xác nhận của nhà trường. Tiếp tục phương thức cho vay HSSV gián tiếp qua hộ gia đình thông qua tổ TK-VV và ủy thác qua các đoàn thể để đảm bảo cơ chế dân chủ, cũng như tăng cường sự giám sát của nhân dân giúp cho việc quản lý nợ của Ngân hàng CSXH đạt hiệu quả. Đây là chương trình có đối tượng khách hàng đông, thời gian vay dài, lĩnh tiền và trả nợ, trả lãi được tiến hành nhiều kỳ nên Ngân hàng CSXH tỉnh đã trang bị đầy đủ thiết bị CNTT, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ... Để tạo điều kiện thuận lợi cho HSSV khi sử dụng vốn vay đóng học phí và trang trải các khoản chi phí cho học tập, đồng thời hỗ trợ cho gia đình khi vay và chuyển tiền cho con em không phải chịu phí, Ngân hàng CSXH tiếp tục áp dụng hình thức giải ngân qua thẻ ATM. Hiện, doanh số giải ngân qua thẻ ATM chiếm khoảng 1/3 tổng doanh số cho vay, điển hình như Ngân hàng CSXH huyện Nam Trực đã thực hiện việc giải ngân qua thẻ ATM đối với tất cả HSSV vay vốn tại ngân hàng... Thực hiện Quyết định số 1196/QĐ-TTg ngày 19-7-2013 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh tăng mức cho vay đối với HSSV tăng thêm 100.000 đồng/tháng/HSSV, tức là 11 triệu đồng/HSSV/năm, đồng chí Phạm Thị Tuyết, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: “Nếu như những năm trước, nguồn vốn Ngân hàng CSXH đáp ứng có lúc không kịp thời, thì năm nay nhờ việc thu hồi vốn đến hạn của các HSSV ra trường, đi làm, vốn quay vòng cộng với nguồn vốn bổ sung từ Trung ương, Ngân hàng CSXH đáp ứng đủ vốn cho HSSV vay đi học”. Với mạng lưới gần 4.000 tổ TK-VV cùng 212 điểm giao dịch tại các xã, cùng với đội ngũ cán bộ, các phương tiện, nguồn lực được tập trung cao độ, có thể nói công tác cho vay HSSV năm học 2013-2014 đã sẵn sàng. Với mục tiêu “không để HSSV nào vì khó khăn tài chính mà phải nghỉ học” chương trình tín dụng HSSV bao gồm rất nhiều chính sách ưu đãi. Theo quy định hiện nay, mức lãi suất áp dụng đối với các món vay mới là 0,65%/tháng, đối tượng vay vốn là HSSV thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, HSSV mồ côi... thời điểm trả nợ lần đầu tiên sau khi HSSV có việc làm, có thu nhập không quá 12 tháng kể từ ngày HSSV kết thúc khoá học. Đến kỳ trả nợ cuối cùng, nếu người vay gặp khó khăn có thể được xem xét gia hạn bằng 1/2 thời hạn trả nợ. Như vậy, đối với một HSSV được thụ hưởng nguồn vốn từ chương trình này, nếu tính từ thời điểm nhập học đến thời kỳ trả nợ cuối cùng sẽ là một thời gian tương đối dài. Tuy nhiên, qua nhiều năm triển khai chương trình tín dụng HSSV vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc. Là một chương trình có đối tượng vay rộng, số lượng khách hàng vay lớn nhưng các món vay nhỏ lại tập trung vào đầu mỗi kỳ học, triển khai trong một thời gian ngắn nên áp lực công việc đối với cán bộ Ngân hàng CSXH rất lớn. Mức vay, lãi suất cho vay thay đổi từng thời kỳ, thu nợ làm nhiều lần và ưu tiên giảm lãi cho những hộ vay trả nợ trước hạn, có giai đoạn hộ vay được hưởng hỗ trợ lãi suất của Nhà nước, có hộ vay cho nhiều con đi học với kỳ hạn trả nợ cũng như thời gian vay dài nên việc theo dõi của Ngân hàng CSXH rất khó khăn và phức tạp. Hiện nay, với mức cho vay 1,1 triệu đồng/HSSV/tháng chưa phù hợp với mức sống hiện tại, nhất là ở các thành phố lớn. Bên cạnh đó, một số trường chưa nắm chắc quy định trong việc cấp giấy xác nhận cho HSSV đã dẫn đến nhiều yếu tố thông tin trên mẫu xác nhận không đồng nhất, tẩy xóa hoặc sử dụng mẫu Giấy xác nhận cũ đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của ngân hàng, khó khăn cho hộ vay trong việc tìm nguồn đóng học phí cho HSSV. Công tác phối hợp giữa nhà trường với các đơn vị chức năng trong quản lý, thu hồi tiền vay chưa chặt chẽ, thường xuyên. Còn có những trường hợp HSSV khi ra trường khó khăn trong tìm kiếm việc làm, trong khi gia đình vẫn thuộc hộ nghèo dẫn đến công tác thu hồi nợ gặp khó khăn...

Chương trình tín dụng đối với HSSV là chương trình có tính nhân văn sâu sắc, tác động mạnh đến công tác an sinh xã hội, tạo cho thế hệ trẻ có điều kiện học tập để nâng cao trí tuệ, có khả năng quản lý, sử dụng công nghệ hiện đại phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Vì vậy, đòi hỏi các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội làm ủy thác cần tiếp tục làm tốt và cộng đồng trách nhiệm trong quản lý, giám sát việc sử dụng vốn vay từ chương trình tín dụng HSSV./.

Bài và ảnh: Quang Lộc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com