Tăng cường phòng, chống bệnh dại trên động vật

09:10, 28/10/2013

Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm lây từ động vật (chó, mèo) sang người. Theo Cục Thú y, những năm gần đây, bệnh dại đã xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước và đang có chiều hướng ngày một gia tăng. Trên địa bàn tỉnh ta, số người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng từ năm 2012 đến tháng 7-2013 là 1.197 người. Trước năm 2000, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại cho động vật trong tỉnh thường đạt 85-90%, nhưng sau nhiều năm không xuất hiện bệnh dại ở người nên người dân lơ là trong công tác phòng, chống; tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại trên đàn chó, mèo rất thấp.

Tiêm phòng vắc xin bệnh dại cho chó ở xã Hải Toàn (Hải Hậu).
Tiêm phòng vắc xin bệnh dại cho chó ở xã Hải Toàn (Hải Hậu).

Hiện nay, đàn chó trên địa bàn tỉnh có khoảng 295 nghìn con, chủ yếu được nuôi theo hình thức thả rông. Việc chó bị mắc bệnh dại rất khó phát hiện, chỉ khi nào chó mắc bệnh cắn người hoặc lên cơn dại chạy rông mới biết chó đã bị mắc bệnh dại. Mặt khác, khi phát hiện chó mắc bệnh dại, người dân thường không báo cáo cho chính quyền cơ sở và cơ quan thú y nên không thể thống kê được số lượng chó mắc bệnh dại và nghi mắc bệnh dại. Trong khi đó kết quả tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó hằng năm của tỉnh mới chỉ đạt xấp xỉ 30% so với tổng đàn. Mặc dù không gây thiệt hại lớn về kinh tế nhưng bệnh dại lại gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Từ đầu năm đến nay, ngành Thú y đã triển khai tiêm phòng đại trà vụ xuân, vụ thu bằng vắc xin dại Rabisin cho đàn chó, mèo. Huyện Hải Hậu luôn là địa phương dẫn đầu tỉnh về tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại cho đàn chó. Đồng chí Nguyễn Kim Mạnh, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Hải Hậu cho biết: Năm nay, nhiều xã trong huyện thực hiện tốt công tác tiêm phòng bệnh dại cho chó, đạt tỷ lệ 80-90% tổng đàn nuôi như các xã: Hải Chính, Hải Triều, Hải Thanh, Hải Long… Đạt được kết quả trên là do trước đợt tiêm phòng, Trạm Thú y huyện đã họp với đội ngũ thú y cơ sở, phân công cán bộ chỉ đạo điểm trực tiếp xuống cơ sở thực hiện và giám sát công tác tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi; biên soạn tài liệu hướng dẫn kỹ thuật tiêm phòng, tuyên truyền nguy hại của bệnh dại trên hệ thống đài truyền thanh các xã, thị trấn. Qua công tác tuyên truyền, vận động, ý thức phòng, chống bệnh dại cho đàn chó, mèo trong nhân dân ngày càng tăng; nhiều hộ đã chủ động thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Đồng chí Nguyễn Văn Miên, cán bộ thú y xã Hải Chính cho biết: Ở Hải Chính, công tác tiêm phòng dại được chỉ đạo quyết liệt. UBND xã giao cho công an viên phối hợp với cán bộ thú y đến từng gia đình, nếu hộ nào chống đối không tiêm phòng sẽ bắt chó xử lý, không cho nuôi. Do vậy, nhiều năm liền tỷ lệ tiêm phòng dại trên địa bàn xã luôn đạt trên 80%... Tuy nhiên, việc thực hiện tiêm phòng dại cho chó, mèo ở một số nơi gặp nhiều khó khăn do ý thức chủ quan của người dân và nhiều địa phương chưa quyết liệt trong việc thực hiện tiêm phòng, trong khi đó lại chưa có các chế tài bắt buộc người nuôi thực hiện tiêm phòng cho đàn chó, mèo. Chính vì vậy, dù đã có nhiều cố gắng trong công tác chỉ đạo nhưng kết quả tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo còn rất hạn chế. Một số địa phương có tỷ lệ tiêm phòng thấp như: Thành phố Nam Định và các huyện: Ý Yên, Mỹ Lộc... Do đó nguy cơ tiềm ẩn bệnh dại là rất cao.

Trước những diễn biến phức tạp của bệnh dại ở người và động vật, ngày 30-8-2013, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT có Công điện khẩn số 13/CĐ-BNN-TY gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh dại trên động vật. Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN và PTNT, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, các ngành liên quan triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự phát sinh và lây lan của bệnh dại; thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống bệnh dại. Tổ chức rà soát số lượng chó, mèo nuôi trên địa bàn và tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo từ 1 tháng tuổi trở lên theo đúng kế hoạch. Hằng tháng tổ chức tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo mới phát sinh chưa được tiêm. Các xã giao trách nhiệm cho trưởng thôn, xóm và mạng lưới thú y cơ sở chịu trách nhiệm quản lý đàn chó và tăng cường công tác giám sát để phát hiện sớm bệnh dại. Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng, chống bệnh dại hiệu quả, để nhân dân giám sát, phát hiện và báo cáo cho chính quyền, cơ quan thú y các trường hợp chó, mèo nghi mắc bệnh dại để xử lý; chủ vật nuôi khi đưa chó ra nơi công cộng phải có dây xích, đeo rọ mõm; hướng dẫn người bị chó cắn đến ngay cơ sở y tế để xử lý vết thương và tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại. Các địa phương tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển, mua, bán chó, mèo; ký cam kết với các hộ kinh doanh, vận chuyển, giết mổ chó, mèo; không mua bán, giết mổ chó, mèo bị bệnh, không có giấy chứng nhận kiểm dịch và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com