Tỉnh ta hiện có 89 làng nghề, trong đó có 28 làng nghề truyền thống, 190/196 xã, thị trấn có nghề, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 91 nghìn lao động nông thôn. Để thích ứng với điều kiện kinh tế thị trường, hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề hiện đang dịch chuyển từ quy mô nhỏ, lẻ sang sản xuất hàng hoá với số lượng lớn và chất lượng được tiêu chuẩn hoá. Ở nhiều làng nghề truyền thống đã hình thành hàng chục Cty, xưởng sản xuất quy mô lớn với hàng trăm lao động. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng kỹ, mỹ thuật, độ tinh xảo của sản phẩm, các làng nghề truyền thống ngày càng có nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao.
Sản xuất khăn xuất khẩu tại Cty CP Dệt may Vĩnh Giang, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh). |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 47 cơ sở đào tạo nghề, bình quân hằng năm toàn tỉnh có từ 20-22 nghìn lao động nông thôn được đào tạo nghề. Tuy nhiên, phần lớn các trường đều chưa xây dựng được chương trình dạy nghề cho đối tượng lao động làng nghề (một số nghề truyền thống), vì vậy đến nay chưa có trường dạy nghề nào có điều kiện tổ chức chương trình thực hành nghề phù hợp với điều kiện sản xuất của các làng nghề. Do đó, các học viên dù đã đạt chuẩn đào tạo tại các trường nghề nhưng lại gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ khi tham gia lao động tại các làng nghề. Trước tình hình đó, những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các làng nghề. Đồng thời nâng mức hỗ trợ đào tạo nghề lên 70 triệu đồng/lớp (mỗi lớp có từ 25-35 học viên), mức hỗ trợ cho một dự án phát triển nghề tối đa là 250 triệu đồng. Theo đó, Sở Công thương đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp cùng với Phòng Công thương các huyện và các cơ sở đào tạo chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo. Tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, trình độ tay nghề của lao động nông thôn để tổ chức các lớp dạy nghề phù hợp. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp cùng các xã tham gia dạy nghề ngắn hạn, ưu tiên cho các địa phương chưa có nghề hoặc ngành nghề kém phát triển. Năm 2012, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, UBND tỉnh đã phê duyệt cho 71 chương trình dạy nghề cho trên 2.500 lao động nông thôn với tổng kinh phí hỗ trợ 4,487 tỷ đồng. Lĩnh vực đào tạo tập trung vào các nghề: may công nghiệp, mây tre đan, tre nứa ghép, thêu ren, đan móc sợi, cơ khí... 9 tháng đầu năm 2013, UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ 24 lớp dạy nghề khuyến công cho gần 800 lao động nông thôn với tổng số tiền là trên 1,1 tỷ đồng. Ngành nghề được ưu tiên đào tạo để đưa về nông thôn, bảo đảm các yêu cầu sử dụng nhiều lao động, dễ học, dễ hiểu, phù hợp với nhiều đối tượng lao động, có thể tận dụng được thời gian nông nhàn và thế mạnh của địa phương như: lớp học nghề thủ công mỹ nghệ xuất khẩu được triển khai tại huyện Vụ Bản, lớp dạy nghề dệt thủ công được triển khai ở huyện Trực Ninh, các lớp dạy nghề thêu ren, đan móc sợi được tổ chức tại các huyện: Giao Thủy, Ý Yên, Hải Hậu… Điểm nhấn trong công tác đào tạo nghề tiểu thủ công nghiệp năm 2013 là có sự phối hợp của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các làng nghề. Căn cứ vào nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các làng nghề đã chủ động đăng ký liên kết với trung tâm dạy nghề huyện, tổ chức lớp dạy nghề ngay tại doanh nghiệp để học viên có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với môi trường sản xuất trong quá trình học nghề. Với các doanh nghiệp liên kết sản xuất ở các làng nghề dệt truyền thống theo phương thức “gửi khung dệt”, để tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mở rộng phát triển sản xuất, doanh nghiệp phân công cán bộ kỹ thuật về các gia đình nhận khung dệt hướng dẫn, đào tạo nghề cho những lao động đứng máy bảo đảm hoàn thiện các sản phẩm theo mẫu. Nhờ đó, doanh nghiệp vừa có thể mở rộng quy mô sản xuất vừa không phải lo thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng, góp phần bảo đảm kế hoạch sản xuất. Biện pháp trên được nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất áp dụng nên đã phát huy tối đa thế mạnh của nguồn lao động tại các làng nghề. Với sự đồng hành của các doanh nghiệp, những năm gần đây lực lượng lao động tại các làng nghề đã có bước phát triển cả về “lượng” và “chất”, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển của làng nghề trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Phát triển nguồn nhân lực trong các làng nghề đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào tổng giá trị sản xuất CN-TTCN hằng năm toàn tỉnh. Thời gian tới, Sở Công thương và UBND các huyện, thành phố cần tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai các biện pháp, đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực cho làng nghề. Tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền các cấp, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề và người học nghề từ khâu xác định nhu cầu đào tạo, tổ chức đào tạo, đến giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phấn đấu có ít nhất 85% lao động sau học nghề có việc làm và thu nhập ổn định./.
Bài và ảnh: Thành Trung