Những mô hình sử dụng phân bón hiệu quả

08:10, 21/10/2013

Để giảm các chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa, hàng chục năm qua Sở NN và PTNT đã liên tục cấy khảo nghiệm, trình diễn các giống lúa tiến bộ kỹ thuật để bổ sung vào tập đoàn cơ cấu giống lúa của tỉnh. Cùng với hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi chủ động việc tưới tiêu, đưa nhanh cơ giới hoá vào sản xuất, việc chỉ đạo chăm sóc, bón phân cho lúa cũng được tăng cường. Từ các kết quả khảo nghiệm, ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân bón phân cân đối và sử dụng loại phân hỗn hợp NPK nên đến nay trên 90% nông dân của tỉnh đã sử dụng NPK với cách bón sâu, cân đối các chất đa lượng, hạn chế bón đạm lai rai, hướng dẫn cụ thể loại phân bón phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng để đạt hiệu quả cao nhất...

Tham quan mô hình trình diễn bón phân DAP vụ lúa mùa 2013 trên đồng ruộng của xã Hợp Hưng (Vụ Bản).
Tham quan mô hình trình diễn bón phân DAP vụ lúa mùa 2013 trên đồng ruộng của xã Hợp Hưng (Vụ Bản).

Để tiếp tục chọn các loại phân bón tốt vừa tăng năng suất, chất lượng sản phẩm vừa giảm chi phí cho nông dân, vụ mùa năm 2013, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh tiếp tục đưa loại phân bón mới DAP vào đồng ruộng với 8 mô hình đại diện ở các huyện, mỗi mô hình rộng 1ha, có các loại phân bón đối chứng, tại các xã Xuân Đài (Xuân Trường), Hải Quang (Hải Hậu), Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng), Giao Tiến (Giao Thuỷ), Trực Thái (Trực Ninh), Nam Thắng (Nam Trực), Hợp Hưng (Vụ Bản), Yên Cường (Ý Yên). Các mô hình đều thực hiện trên lúa cấy, bằng cả mạ dược và mạ nền cứng. Riêng xã Hải Quang sử dụng trên diện tích gieo sạ. Các giống lúa trong mô hình cũng đa dạng đúng theo giống được sử dụng ở các địa phương như giống BC15 ở xã Hợp Hưng, giống BT7 ở xã Hải Quang, giống lúa Bayte2 ở xã Trực Thái, giống lúa TBR288 ở xã Giao Tiến, giống lúa BT7 kháng bạc lá ở xã Nghĩa Bình… Cả 8 mô hình đều dùng phân DAP bón lót 100% trước khi bừa cấy và đều sử dụng 6,5kg/sào, riêng xã Trực Thái sử dụng 6kg phân DAP. Cùng với lượng phân bón DAP, căn cứ vào chất đất, khả năng canh tác của nông dân mà các mô hình được bón thêm lượng đạm, kali bảo đảm cân đối NPK và phù hợp với giống lúa. Ở xã Giao Tiến bón thêm 7,7kg urê (3kg bón lót, 4kg bón thúc lần 1) và 5kg kali (2,5kg bón thúc lần 1 và 2,5kg bón thúc lần 2); ở xã Nghĩa Bình bón thêm 7kg đạm urê (2kg bón lót, 5kg bón thúc lần 1), 4kg kali bón thúc lần 2; ở xã Hợp Hưng bón thêm 3kg urê và 3kg kali đều sử dụng bón thúc lần 1... Đối chứng để so sánh tại các địa phương cũng linh hoạt. Xã Hải Quang sử dụng phân đơn (9kg urê + 15kg lân super + 5kg kali) cho mỗi sào ruộng cấy; ở Hợp Hưng sử dụng 25kg NPK loại 5-10-3 của Nhà máy Phân lân Văn Điển dùng để bón lót và 3kg urê + 1,7kg kali sử dụng bón thúc 1 lần sau khi cấy 10 ngày... Với phương thức chăm sóc, tổ chức phun phòng trừ sâu bệnh như nhau, nhưng khi thu hoạch cả 8 mô hình bón phân DAP đều cho năng suất cao hơn hẳn ruộng đối chứng. Ở xã Hải Quang, năng suất tăng 14,4 kg/sào và hiệu quả kinh tế tăng trên 90 nghìn đồng/sào (2,5 triệu đồng/ha) so với đối chứng. Ở xã Giao Tiến, năng suất của mô hình tăng 18 kg/sào, hiệu quả kinh tế tăng trên 133 nghìn đồng/sào (3,7 triệu đồng/ha) so với đối chứng. Ở xã Hợp Hưng, năng suất của mô hình tăng 12kg/sào và hiệu quả kinh tế tăng trên 93 nghìn đồng/sào (gần 2,6 triệu đồng/ha)... Theo các chuyên gia trong ngành thì nhiều doanh nghiệp, nhà máy sản xuất phân hỗn hợp NPK trong nước đã nhập khẩu loại phân này từ hàng chục năm nay để sản xuất, phối trộn với công thức tuỳ theo nhu cầu của từng loại cây trồng cũng như từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây trồng để tạo ra hiệu quả kinh tế cao trong trồng trọt. Phân bón DAP với thành phần chủ yếu là lân và 1 phần đạm, vốn là 2 yếu tố chính thúc đẩy phát triển giai đoạn đầu của cây trồng. Hiện nay, loại phân DAP đã được sản xuất trong nước với chất lượng không thua kém phân DAP nhập khẩu, đảm bảo 16% đạm và 45% lân. Do sản xuất hoàn toàn bằng các phản ứng hoá học nên 1kg DAP tương đương với trên 2,8kg lân super và 0,34kg đạm urê. Vì vậy, bón lót 6,5kg DAP trước khi cấy lúa tương đương với bón 18,3kg phân lân super và trên 2,2kg đạm urê, đáp ứng đủ lượng lân cho cây lúa hấp thụ cho đến khi thu hoạch. Riêng về nhu cầu đạm và kali tuỳ theo giống lúa lai hay lúa thuần, lúa chịu thâm canh hay lúa ít chịu thâm canh mà bón thêm 3-5kg đạm urê và 3kg kali nữa là đủ cho cây lúa đến khi thu hoạch.

Đồng chí Mai Xuân Tính, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Nông nghiệp xã Hợp Hưng cho biết: “Với mô hình bón phân DAP khi lúa cấy được 7-8 ngày, chúng tôi nhổ cây lúa lên kiểm tra thấy gốc, rễ hoàn toàn không có màu vàng đặc trưng của vùng đất trũng và chua, bộ rễ trắng nhiều hơn so với lúa đối chứng. Hơn nữa, đến khi thu hoạch bộ lá công năng cũng xanh bền hơn...”. Phân DAP có gốc axít nên đã giảm độ chua trong đất xuống trung tính, vì vậy nông dân ở Hợp Hưng không phải bón thêm 12-15kg vôi/sào. Ngoài ra, việc bón phân DAP cho ruộng chua trũng còn giúp thải chất sắt, nhôm trong đất chua phèn, tạo thuận lợi cho cây lúa phát triển và góp phần cải tạo đất, nhất là các vùng đồng trũng của các huyện phía bắc tỉnh và các vùng ven đê sông. Đồng chí Trần Văn Tường, chủ nhiệm HTXDVNN Hùng Tiến, xã Giao Tiến (Giao Thuỷ) phấn khởi cho biết: “Chỉ 6,5kg phân DAP gần thay thế cho 25kg NPK 5-10-3 nên rất thuận tiện cho người nông dân, giảm công vận chuyển rất lớn đối với các hộ canh tác nhiều...”. Đồng chí Đào Viết Tâm, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh khẳng định: “Các mô hình bón phân DAP kết hợp với thêm đạm, kali cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với bón phân đơn hay bón phân hỗn hợp NPK”.

Cả 8 mô hình bón phân DAP trong vụ mùa 2013 đều đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách bón phân thông thường, vì vừa giảm chi phí đầu vào, vừa tăng năng suất lúa. Các địa phương cần triển khai nhân rộng mô hình ra đại trà trong những vụ tới. Các cơ quan chức năng và nhà sản xuất cần có sự quản lý, kiểm tra chặt chẽ, thường xuyên chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để bảo đảm hàng chất lượng chính hãng cung cấp cho nông dân./.

Bài và ảnh: Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com