Nghề trồng rau ở Tân Thành

07:10, 31/10/2013

Với truyền thống thâm canh cây rau màu, những năm qua, nông dân Tân Thành (Vụ Bản) đã khai thác tối đa diện tích đất ruộng, đất vườn, đất bãi ven sông để trồng rau và tăng hệ số quay vòng sử dụng đất, nhằm tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác.

Rau muống đang là cây trồng chủ lực, làm giàu của bà con nông dân xã Tân Thành. Chị Nguyễn Thị Thanh, ở xóm 3 cho biết: Để rau muống ăn giòn, ngọt, có năng suất cao thì đất phải được cày bừa kỹ, tơi xốp, san bằng, làm sạch cỏ và chủ động được nguồn nước tưới. Khi trồng lứa rau mới phải dọn sạch các tàn dư cây trồng ở vụ trước để loại bỏ nơi trú ẩn của côn trùng, sâu bệnh gây hại cho rau. Về giống rau, có thể tận dụng chọn những ngọn rau già, nhiều nhánh để trồng theo hàng, mỗi hàng cách nhau khoảng 5-10cm. Rau muống phát triển rất nhanh, từ khi trồng đến lúc thu hoạch lứa đầu chỉ khoảng hơn 20 ngày và khoảng 10-15 ngày là lại được hái lứa mới nên được nông dân trong xã trồng quanh năm. Do có kinh nghiệm trồng rau từ nhiều năm nay nên 100% diện tích rau muống của xã Tân Thành luôn xanh tốt, mỗi sào rau muống có thể cho nông dân thu lãi từ 3-4 triệu đồng/lứa. Với 2 sào rau muống, nửa tháng nay gia đình chị Thanh thu được trên 6 triệu đồng. Đến tham quan vườn trồng rau ngót của một hộ dân trong xã, chúng tôi thật ngỡ ngàng vì đã vào mùa hanh, khô nhưng rau ngót ở đây vẫn xanh tốt, lên cao ngang lưng người. Theo một số hộ nông dân trong xã, lợi thế của trồng rau ngót là ít khi bị sâu bệnh, ít phải phun thuốc BVTV, nên đây là sản phẩm rau sạch, an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng. Để rau phát triển nhanh, lá dày và to, sau mỗi vụ thu hoạch người nông dân thường dùng phân DAP và đạm urê bón đúng liều lượng cho cây. Rau ngót trồng một lần có thể cho thu hoạch từ 3-4 năm, khi cây đã già cỗi phải phá bỏ chuyển sang trồng loại cây ngắn ngày khác, khoảng 2 năm sau mới trồng lại vì nếu trồng lại rau ngót ngay, cây sẽ cằn, phát triển kém và năng suất thấp. Rau phát triển tốt có thể đạt tới 10 tấn/ha, trừ chi phí công chăm sóc, thu hoạch và phân bón, mỗi năm, người trồng có thể lãi 150 triệu đồng/ha. Bà Nguyễn Thị Tuân, xóm 5, người có thâm niên trong nghề trồng rau ngót cho biết: “Trước đây, tôi chỉ trồng vài miếng vườn rau ngót để phục vụ cho sinh hoạt gia đình và có thêm thu nhập, nhưng khi thấy hiệu quả kinh tế cao, một người có thể chăm sóc 2-3 sào rau, nên tôi chuyển cả 2 sào vườn sang trồng rau ngót. Dịp này, rau ngót tăng giá, tôi thu nhập trên 10 triệu đồng/lứa”.

Nông dân xã Tân Thành chăm sóc rau vụ đông.
Nông dân xã Tân Thành chăm sóc rau vụ đông.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Thế Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: Xã có 42,5ha chuyên trồng rau màu, trong đó diện tích đất màu trong vườn, trong đồng là 24,5ha, còn lại là đất bãi ven sông Đào. Tại những diện tích đất màu trong vườn, trong đồng, hầu hết các hộ trồng rau muống, rau ngót, mùng tơi, rau đay... Đây là những loại cây dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, chi phí đầu tư sản xuất thấp, cho thu nhập cao. Ở vùng đất bãi ven sông Đào, các hộ nông dân gieo trồng luân canh gối vụ 5-8 vụ rau màu/năm, với các loại cây chủ lực như đỗ xanh, vừng, su hào, cải bắp, súp lơ… và các loại rau ngắn ngày như: xà lách, rau diếp, rau cải các loại, ngải cứu… để tránh bị ngập úng. Công thức luân canh: tháng 3 trồng đỗ xanh, tra vừng; đến tháng 6, tháng 7 thu hoạch thì trồng rau cải các loại (cải thìa, cải ngồng, cải canh…); sau 2 tháng được thu hoạch và trồng tiếp su hào, súp lơ, súp lơ xanh, xà lách… để bán vào dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh công thức luân canh, cũng có nhiều hộ dân lại trồng chuyên canh các loại rau ngắn ngày. Với hơn 1 sào đất màu, mùa nào rau ấy, gia đình chị Vũ Thị Thu cung cấp ra thị trường các loại rau như: xà lách, cải hoa, cải canh, rau diếp... Nói về kỹ thuật trồng rau xanh, chị Thu chia sẻ kinh nghiệm: trồng rau cần đảm bảo đủ lượng nước tưới thường xuyên, nên phải tốn nhiều công chăm sóc tưới rau hằng ngày. Với đặc tính dễ bị các loài sâu ăn lá tấn công gây hại, do đó ngay từ khi cây rau bắt đầu phát triển lá nên thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh để kịp thời phòng trị, kết hợp làm cỏ, bón phân. Để trồng rau quanh năm, gia đình chị đã cải tạo vườn tạp thành vườn ươm rau giống. Nhờ biết tận dụng quỹ đất, lách thời vụ nên ngày nào gia đình chị cũng có rau để bán.

Hiện nay, rau Tân Thành chủ yếu tiêu thụ tại các chợ, nhà hàng, khách sạn và một số bếp ăn tập thể của các khu, CCN trên địa bàn Thành phố Nam Định. Từ phát triển trồng rau, đời sống của người dân nơi đây ngày càng được nâng cao. Để nghề trồng rau màu ở Tân Thành phát triển bền vững, địa phương và các ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh rau cho các hộ nông dân, đưa các loại rau, củ, quả mới, có chất lượng cao, khả năng kháng sâu bệnh tốt vào sản xuất; từng bước hình thành các vùng chuyên canh trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng nhu cầu của thị trường./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com