Nghề tre, nứa ghép ở Yên Bình

08:10, 18/10/2013

Từ Thành phố Nam Định, theo Quốc lộ 37A về thôn Bùng, xã Yên Bình (Ý Yên), từ đầu hè, ngoài sân đến đường dong ngõ xóm, được người dân tận dụng phơi những đĩa, bát bằng tre, nứa ghép còn xù xì. Đã 12 năm nay, tranh thủ lúc nông nhàn, người dân nơi đây có thêm nghề phụ để có “đồng ra, đồng vào” trang trải cuộc sống gia đình.

Chúng tôi về gặp ông Lê Văn Bàn, một trong hai người có công đưa nghề về làng. Những năm 2000 trở về trước, làng Bùng là một trong những làng nghèo nhất xã. Cuộc sống của bà con nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, ăn bữa nay, lo bữa mai. Gia đình ông cũng không khá hơn là mấy. Người làng cũng có nghề phụ là thêu ren nhưng tiền công thấp, việc cũng không nhiều. Năm 2001, trong một dịp trò chuyện với bạn bè cũ, ông được gợi ý làm nghề tre, nứa ghép vốn là nghề thủ công đơn giản dễ học. Bùi tai, ông Bàn rủ em vợ là ông Nguyễn Văn Hùng chung sức quyết tâm đưa nghề về làng. Những ngày đầu, hai anh em lọc cọc trên chiếc xe đạp cũ xuống xã Yên Tiến học nghề. Với kiến thức nền có sẵn cùng sự chăm chỉ, chịu khó, sau 3 tháng đã thành thạo nghề. Vốn liếng không có nhiều nên ban đầu hai anh em chung nhau mua được máy chà nhẵn sản phẩm bằng mô tơ. Sau một thời gian ông làm, nhận thấy có thể “kiếm cơm” bằng nghề mới nên bà con trong làng đến xin ông học nghề rất nhiều. Ban đầu, ông còn do dự. Nhưng được sự ủng hộ của chính quyền và bà con nhân dân, ông mạnh dạn truyền nghề và tạo công ăn việc làm cho 48 người. Từ già đến trẻ, nam, nữ; từ các sĩ tử đang chờ kết quả thi đại học đến bà con nông dân lúc nông nhàn. Nghề phụ đã lan rộng khắp làng từ lúc nào không hay và trở thành nghề chung của làng.

Ông Nguyễn Văn Quý đang bào nhẵn sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Quý đang bào nhẵn sản phẩm.

Người làm nghề làng Bùng chỉ đảm nhiệm công đoạn gia công phần thô cho sản phẩm đơn giản, chủ yếu là bát và đĩa với các kích thước khác nhau. Đây là công đoạn yêu cầu sự cẩn thận trong từng thao tác. Ngay từ khâu ngâm tre, nứa, người làm nghề phải chú ý thời gian ngâm tối thiểu phải đạt 3 tháng. Thời gian ngâm không đủ, tre, nứa sẽ không dẻo, dễ bị mọt, xuất hiện mùi hôi sản phẩm làm ra không đạt yêu cầu về chất lượng, dễ hỏng. Tuy là công đoạn làm thô nhưng là công đoạn quan trọng nhất, yêu cầu phải chắp thật kín và chà thật mịn mới đảm bảo chất lượng, kiểu dáng đẹp cho sản phẩm khi hoàn thiện.

Ngày đó, người làm nghề thêu thu nhập cao nhất cũng chỉ được 5 nghìn đồng/người/ngày. Nhưng những người đến học nghề tre, nứa ghép nhà ông Bàn đã được trả công 5 nghìn đồng/người/ngày. Tháng lương đầu tiên người làm nghề cũng được 150 nghìn đồng/người/tháng. Những lao động “cứng tay nghề” được trả 12 nghìn đồng/người/ngày; 360 nghìn đồng/người/tháng. Lúc đó 500 nghìn đồng một chỉ vàng nên số tiền công đó với người nông dân là quá cao. Nhờ có nghề mà ông Bàn có điều kiện nuôi cô con gái học cao đẳng ở Nha Trang. Có nghề phụ cho thu nhập tốt, kinh tế làng Bùng ngày càng khởi sắc. Cô Nguyễn Thị Lan (làng Bùng) tâm sự: gia đình có hai người con đang tuổi ăn học. Làm nông nghiệp chỉ đủ ăn. Do vậy, từ năm 2003, ngoài mùa vụ, cô và chồng là Nguyễn Văn Quý bắt đầu làm thêm hàng tre, nứa ghép để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Thời gian rảnh rỗi, các con cũng có thể phụ giúp bố mẹ. Nhờ đó, nghề phụ đã giúp vợ chồng cô có tiền nuôi dạy hai con ăn học. Hiện con trai đang đi xuất khẩu lao động; còn con gái đang là giáo viên ở Hòa Bình. Sự phát triển về kinh tế giúp đời sống vật chất, tinh thần của người dân làng Bùng được cải thiện. Với nhiều gia đình ở làng lúc đó, nghề tre, nứa ghép là nghề phụ nhưng là nguồn thu nhập chính. Người làm nghề cho biết, nghề tre, nứa ghép không quá vất vả, nặng nhọc, có thể làm việc tại nhà, lại không “kén” lao động, phù hợp với người nông dân bận rộn theo mùa vụ. Tuy nhiên, nghề lại đang đặt ra những thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm môi trường do nước ngâm tre, nứa ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân trong xã và các vùng lân cận. Đặc biệt những năm gần đây một số ngành nghề mới xuất hiện cho thu nhập cao hơn. Một xưởng sắt do một người dân làng Bùng mở ra cho thu nhập 70 nghìn đồng/người/ngày. Nghề may, cơ khí ở các KCN cũng cho thu nhập 80 đến 90 nghìn đồng/người/ngày. Nghề phu hồ tốn nhiều sức hơn cho thu nhập 120 đến 150 nghìn đồng/người/ngày. Trong khi đó, nghề tre, nứa ghép chỉ cho thu nhập 60 nghìn đồng/người/ngày. Lý giải điều này ông Lê Văn Bàn cho biết: do máy móc kĩ thuật cũng chưa đáp ứng nhu cầu, làng Bùng chủ yếu là gia công sản phẩm đơn giản, yêu cầu kĩ thuật không cao nên giá trị lao động thấp. Đó là lý do khiến nghề tre, nứa ghép làng Bùng đang có nguy cơ “lụi tàn”. Tuy nhiên với nhiều lao động địa phương đây vẫn là nghề phụ phù hợp, giúp nông dân có thêm thu nhập. Để hỗ trợ người lao động, địa phương cần quan tâm tranh thủ các chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn để nâng cao tay nghề, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, giúp đỡ tạo điều kiện cho nông dân vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại, tăng năng lực sản xuất. Mặt khác có giải pháp xử lý về môi trường cho việc ngâm ủ nguyên liệu để bảo vệ sản xuất và đời sống./.

Bài và ảnh: Hoàng Dung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com