Ở xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng), bên cạnh làng nghề đan cói xuất khẩu ở xóm Đồng Nam còn có nghề bó chổi rơm ở xóm Phương Đê với gần 100 hộ tham gia. Bình quân một ngày, mỗi người có thể bó được từ 8-10 chiếc chổi rơm, thu nhập từ 80-100 nghìn đồng. Chổi rơm được các thương lái đến tận nhà thu mua và đưa đi các chợ tiêu thụ.
Bà Phạm Thị Hồng, 74 tuổi, nhớ lại: Tính đến nay, nghề bó chổi rơm ở Phương Đê đã là 50 năm. Quê gốc của bà ở xóm 4, xã Hải Minh (Hải Hậu), nơi có nghề bó chổi rơm, chổi rễ truyền thống. Năm 1963, bà về làm dâu xã Nghĩa Lợi, mang theo nghề truyền thống của quê mẹ. Ngoài bà Hồng, trong xóm còn có bà Phạm Thị Hợi, năm nay đã ngoài 90 tuổi và bà Nguyễn Thị Hải, năm nay 69 tuổi là người cùng quê nên có nghề làm chổi rơm. Nhiều năm liền, cả xóm chỉ có 3 bà cặm cụi bó chổi rơm phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình, hàng xóm. Đến những năm 1980-1990, nghề bó chổi rơm được nhân rộng, tạo việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống của người dân trong xóm. Xóm Phương Đê hiện có hơn 100 hộ dân thì trên 90 hộ làm nghề bó chổi, với trên 120 lao động tham gia. Chị Bùi Thị Liên, quê xã Nghĩa Thắng cho biết, năm 1989, chị về làm dâu ở xóm Phương Đê và bắt đầu biết đến nghề bó chổi rơm. Từ đó đến nay, ngoài thời vụ cấy gặt, hằng ngày, sau khi thu dọn xong việc nhà chị lại bó chổi. Nhà có một mẫu ruộng, vụ mùa chị chỉ cấy lúa nếp để lấy rơm làm chổi. Sau khi gặt xong chị phơi nỏ toàn bộ số rơm để làm nguyên liệu bó chổi. Với lượng rơm khô thu được 40-50kg không đủ để sản xuất chổi quanh năm nên chị phải mua thêm từ 4-5 mẫu rơm nếp, với giá từ 90-100 nghìn đồng/sào để có nguyên liệu làm quanh năm. Rơm nếp sau khi thu hoạch chỉ lấy từ phần “đầu gối” (từ đốt trên cùng đến bông lúa, dài khoảng 50-60cm), để cả áo, được phơi 3-4 nắng cho thật khô và buộc chặt thành từng bó. Rơm bó chổi phải được bảo quản kỹ không để sát đất tránh ẩm, mốc, mục nát, khi nào bó mới mang ra tuốt bỏ phần áo, lấy phần thân rơm, xếp gọn đầu rồi bó chặt thành từng chít vừa bằng nắm tay. Ngoài rơm khô, hai nguyên liệu không thể thiếu là dây buộc bằng ni-lon và cọc chêm được làm bằng tre, luồng.
Bó chổi rơm ở gia đình bà Phạm Thị Hồng, xóm Phương Đê. |
Trước đây, cọc là những đoạn tre, luồng tận dụng, dài từ 35-40cm. Hiện nay, cả xóm bó chổi quanh năm nên các hộ phải mua luồng, về cưa thành từng đoạn, chẻ nhỏ để làm cọc chêm cán chổi. Để thuận tiện cho sử dụng, chổi rơm được bó dài khoảng 60-65cm, trong đó riêng phần cán chổi dài từ 45-50cm. Những năm gần đây, rơm vụ xuân cũng được một số hộ tận dụng để bó chổi, tuy nhiên giá bán thấp hơn chổi rơm nếp vụ mùa, chỉ từ 8-10 nghìn đồng/chiếc. Mặc dù hiện nay đời sống sinh hoạt của nhân dân đã có nhiều thay đổi nhưng chổi rơm vẫn là dụng cụ gắn bó mật thiết với đời sống và sinh hoạt của người dân nông thôn. Ở thành phố, chổi rơm được bán nhiều tại các chợ đầu mối, các cửa hàng vật liệu xây dựng. Chi phí để làm ra một chiếc chổi rơm khoảng 5 nghìn đồng, được thương lái thu mua với giá từ 14-16 nghìn đồng/chiếc. Bình quân một ngày mỗi lao động như chị Liên có thể bó được từ 8-12 chiếc, thu nhập đạt từ 80-120 nghìn đồng. Mặc dù là nghề phụ nhưng bó chổi là nghề mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con nơi đây. Cụ Phạm Thị Rục, 83 tuổi cho biết, tiền sắm sửa tiện nghi sinh hoạt như xe máy, ti vi, tủ lạnh, đồ dùng sinh hoạt và cả nuôi con ăn học… của các hộ dân trong xóm đều từ nghề bó chổi rơm. Nghề bó chổi rơm phát triển đã góp phần nâng tổng thu nhập từ ngành nghề và dịch vụ hằng năm của xã Nghĩa Lợi đạt trên 14 tỷ đồng.
Hiện, xã Nghĩa Lợi đang khẩn trương xây dựng đề án đề nghị tỉnh, huyện công nhận làng nghề truyền thống đối với làng nghề bó chổi rơm ở xóm Phương Đê và nghề đan cói xuất khẩu tại các xóm: Đồng Mỹ, Đồng Trạch, Ngọc Tỉnh./.
Bài và ảnh: Thành Trung