Ngân hàng tập trung biện pháp kiểm soát nợ xấu

08:10, 01/10/2013

Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ và của NHNN Việt Nam, đến nay mặt bằng lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đã giảm 4-5%/năm so với thời điểm cuối năm 2012. Bên cạnh ưu đãi về lãi suất, các TCTD còn triển khai nhiều nhóm giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp các doanh nghiệp có cơ hội để ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc phòng ngừa rủi ro, kiểm soát nợ xấu để đảm bảo hoạt động bền vững luôn là mối quan tâm hàng đầu của mỗi TCTD.

Giao dịch tại Ngân hàng TMCP Á Châu, chi nhánh tỉnh Nam Định.
Giao dịch tại Ngân hàng TMCP Á Châu, chi nhánh tỉnh Nam Định.

Tính đến hết tháng 8-2013, tỷ lệ nợ xấu bình quân của các TCTD trên địa bàn tỉnh là 1,3% (tỷ lệ nợ xấu bình quân cả nước là 4,58%), trong đó Ngân hàng NN và PTNT (Agribank) tỉnh 1,28%, BIDV tỉnh 0,13%, VietinBank Thành phố Nam Định 0,07%... Một số ngân hàng không phát sinh nợ xấu như: Vietcombank tỉnh, Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank)… Agribank chi nhánh Bắc Nam Định là một trong những TCTD kiểm soát tốt nợ xấu. Đồng chí Phan Văn Sử, Giám đốc Agribank Chi nhánh Bắc Nam Định cho biết: “Việc nhận diện, phát hiện sớm những món vay tiềm ẩn rủi ro cao để có biện pháp ứng phó kịp thời có ý nghĩa quan trọng nhằm giảm thiểu những rủi ro và tác hại của nợ xấu”. Để nhận diện và phát hiện sớm nợ xấu, Agribank Chi nhánh Bắc Nam Định đã xây dựng đề cương phân tích thực trạng tín dụng đối với tất cả các loại hình đầu tư, thường xuyên kiểm tra việc sử dụng vốn vay để đảm bảo vốn được sử dụng đúng mục đích. Nhằm phân tán và hạn chế rủi ro, trong hoạt động cấp tín dụng, Chi nhánh tiếp cận với các doanh nghiệp có đủ điều kiện vay vốn, dự án có tính khả thi và hiệu quả kinh tế cao; chú trọng đến năng lực quản trị, điều hành của đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp, lấy hiệu quả kinh tế của dự án làm trọng điểm, dựa vào tài sản đảm bảo tiền vay để tạo mối quan hệ ràng buộc trách nhiệm của khách hàng trong quá trình vay vốn và sử dụng vốn vay. Đẩy mạnh cho vay qua tổ vay vốn và tiết kiệm theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là gắn trách nhiệm giữa cán bộ tín dụng, tổ vay vốn với chủ dự án, khách hàng vay vốn… Hiện tại, tỷ lệ nợ xấu của Chi nhánh VietinBank tỉnh là 1,58%, tuy ở mức thấp nhưng so với đầu năm thì số dư nợ xấu đã tăng nhẹ. Để kiểm soát nợ xấu, VietinBank tỉnh đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát nợ xấu mới phát sinh và quyết liệt trong việc xử lý các khoản nợ quá hạn. Đối với các dự án đã được giải ngân, VietinBank tỉnh thực hiện cơ cấu, tái cơ cấu nợ vay, miễn giảm lãi vay cho các doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng hoạt động có chiều hướng tích cực sau khi tái cơ cấu, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, tồn tại và phát triển, trả được nợ ngân hàng. Đối với việc cấp tín dụng cho khách hàng, để nâng cao hiệu quả trong việc kiểm soát nợ xấu, VietinBank tỉnh luôn tuân thủ chặt chẽ các quy định, quy trình của NHNN và VietinBank Việt Nam; không hạ thấp điều kiện cấp tín dụng đối với khách hàng chưa đủ điều kiện, tăng cường cho vay đối với khách hàng có đầy đủ tài sản bảo đảm. Để hạn chế rủi ro khi cấp tín dụng cho khách hàng, VietinBank tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng công tác thẩm định khách hàng, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng vốn vay. Đồng chí Trần Văn Thiện, Giám đốc Chi nhánh VietinBank tỉnh cho biết: “Việc thẩm định tốt khách hàng sẽ giúp chi nhánh có được nhiều thông tin về khách hàng hơn, nắm bắt được tình hình tài chính, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của khách hàng…, từ đó đưa ra các quyết định phù hợp khi cấp tín dụng cho khách hàng. Chi nhánh cử cán bộ tín dụng phụ trách đối với từng món vay để thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của khách hàng, thực hiện kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay để đảm bảo quản lý được tình hình sử dụng vốn vay và nguồn thu trả nợ của khách hàng, tránh trường hợp khách hàng sử dụng vốn sai mục đích, vay vốn chuyển tiền lòng vòng trong các nhóm khách hàng liên quan để đảo nợ… tiềm ẩn rủi ro cho chi nhánh”. Đối với các khoản nợ xấu đã phát sinh, hội đồng xử lý nợ của VietinBank tỉnh họp định kỳ vào thứ 2 hằng tuần để đánh giá, phân tích cụ thể, đưa ra các phương án xử lý tối ưu. Tích cực phối hợp với khách hàng có nợ xấu phát sinh để xử lý tài sản bảo đảm thế chấp thanh toán nợ; thực hiện quyết liệt đồng bộ nhiều giải pháp theo các phương án hội đồng xử lý nợ đưa ra để thu hồi nợ. Dư nợ tính đến hết tháng 8-2013 của ACB chi nhánh tỉnh Nam Định đạt 217 tỷ đồng với 1.644 khách hàng. Bằng các biện pháp quản lý nợ xấu hiệu quả, ACB Nam Định là một trong các TCTD không phát sinh nợ xấu. ACB Nam Định đã đề ra quy trình quản lý riêng, tập trung kiểm soát toàn bộ quá trình trước, trong và sau khi cấp tín dụng. Đối với nhân viên thẩm định việc kiểm tra thông tin đầu vào được tiến hành cẩn trọng, chặt chẽ. Tất cả các món cho vay, nhân viên thẩm định phải dự phòng các trường hợp sản xuất, kinh doanh của khách hàng có chuyển biến xấu để đề xuất phương án cho vay phù hợp với khả năng của khách hàng. Khi giải ngân, nhân viên tín dụng không chỉ tuân thủ đúng quy định và điều kiện phê duyệt mà còn phải tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất sau giải ngân. Ngay khi phát hiện khả năng trả nợ của khách hàng có chuyển biến xấu, nhân viên tín dụng phải tiến hành đánh giá để trình cấp quản lý. Đối với cấp quản lý, việc kiểm soát quy trình thẩm định của nhân viên tín dụng phải được thực hiện đầy đủ, chính xác: kiểm soát được tính trung thực của thông tin, kiểm tra lại thông tin khách hàng nếu nhận thấy thông tin chưa chắc chắn, tuyệt đối từ chối tiếp nhận hồ sơ cho vay thông qua “cò” tín dụng, không can thiệp sai lệch vào quá trình cấp tín dụng, đồng thời là người chịu trách nhiệm trực tiếp trong công tác theo dõi và đôn đốc nợ xấu… Đồng chí Trần Công Được, Giám đốc ACB Nam Định cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, chi nhánh chưa phát sinh nợ xấu nhưng tập thể lãnh đạo, nhân viên chi nhánh luôn xác định đề phòng nguy cơ nợ xấu xảy ra với tất cả các món vay. Bởi vậy, kiểm soát nợ xấu phải là vấn đề được đặt lên hàng đầu đối với các món vay, chỉ cần sai sót một khâu trong quy trình quản lý, nợ xấu sẽ phát sinh”.

Theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ nợ xấu ở ngưỡng an toàn là dưới 3%, mức phấn đấu là 2%. Tỷ lệ nợ xấu của các TCTD trên địa bàn tỉnh ta nhỏ hơn nhiều so với ngưỡng này. Tính đến hết ngày 31-7-2013, tổng số dư nợ xấu của các TCTD là 274 tỷ đồng, chiếm 1,3% tổng dư nợ cho vay, so với thời điểm 30-6-2012 số dư nợ xấu đã giảm khoảng 20%. Tuy nhiên, nợ xấu giảm chủ yếu là do các TCTD sử dụng từ dự phòng rủi ro, còn việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ xấu vẫn gặp khó khăn và kết quả còn hạn chế. Việc sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu đã làm chênh lệch thu, chi của các ngân hàng thương mại giảm tương ứng. Vì vậy, để đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu, một mặt các TCTD phải tích cực gia tăng trích lập dự phòng rủi ro để tạo nguồn xử lý nợ xấu, mặt khác cần tích cực thực hiện xử lý nợ xấu bằng các giải pháp: Xử lý tài sản bảo đảm, bán nợ xấu...

Bài và ảnh: Quang Lộc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com