Những năm gần đây, kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến khá tích cực. Nhiều mô hình HTX mới được thành lập và hoạt động có hiệu quả đã góp phần vào việc phát triển kinh tế chung của tỉnh. Tuy nhiên, những hạn chế về vốn, về trình độ kỹ thuật, kỹ năng quản lý, thông tin thị trường, nhất là kỹ năng quản lý tài chính đang là những cản trở đối với sự phát triển của HTX. Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, năm 2013, bình quân vốn của các HTX trong tỉnh ở mức từ 1,4-1,7 tỷ đồng; trong đó vốn lưu động khoảng 400-700 triệu đồng. Đồng chí Nguyễn Hải Triều, Chủ nhiệm HTXDVNN Quần Liêu, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) cho biết, bình quân doanh thu một năm của HTX đạt 1,4-1,6 tỷ đồng; trong đó chủ yếu là thu từ các dịch vụ cung ứng phân bón, làm đất, xây dựng kiến thiết, vệ sinh môi trường. Tuy vậy, các nguồn tài chính này thường xuyên thu vào cuối vụ sản xuất. Ở HTXDVNN Nam Cường, xã Nam Cường (Nam Trực), các nguồn thu, chi tài chính đều được cập nhật hằng tuần, đồng thời tổng kết sổ sách về số thu, chi, dư nợ của xã viên vào cuối tháng. Ở hầu hết các HTX, nguồn vốn đã không lớn lại luôn bị chiếm dụng từ 20-30% do xã viên chậm thanh toán hoặc chây ỳ, nợ đọng kéo dài các khoản thu dịch vụ thỏa thuận như thủy lợi nội đồng, làm đất. HTXDVNN Nam Cường có tổng vốn gần 4 tỷ đồng nhưng phần lớn nguồn vốn nợ đọng trong xã viên. Bình quân một vụ, HTX cần 450-500 triệu đồng để hoạt động, nhưng luôn gặp khó khăn do xã viên nợ. Để có vốn hoạt động, cán bộ Ban quản trị nhiều HTX phải tự góp vốn để đáp ứng các dịch vụ, duy trì các dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất của bà con xã viên.
Cán bộ Ban quản trị HTXDVNN Nam Cường, xã Nam Cường (Nam Trực) rà soát các khoản xã viên nợ đọng để có biện pháp đôn đốc thu. |
Đồng chí Vũ Đình Mạc, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, HTX là tổ chức kinh tế tập thể do các cá nhân, hộ gia đình tự nguyện góp vốn nhằm phát huy sức mạnh tập thể cùng nhau thực hiện hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhằm hỗ trợ các HTX nâng cao năng lực quản lý tài chính, những năm qua, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn kiến thức cơ bản về nghiệp vụ kế toán, thiết lập dự án kinh doanh, kỹ năng quản lý, điều hành HTX; công tác quản lý tài chính, kế toán HTX; các vấn đề liên quan đến hợp đồng kinh tế; vai trò nhiệm vụ của kế toán trưởng; công tác kiểm tra kế toán đối với HTX… Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh tư vấn cho các doanh nghiệp và HTX thành viên về xúc tiến thương mại, chính sách thuế, đất đai, tín dụng, khoa học công nghệ và vấn đề có liên quan đến thi hành Luật HTX và Luật Doanh nghiệp; triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ các HTX trong việc lập dự án đầu tư, phương án kinh doanh, tư vấn, hỗ trợ các HTX trong việc nâng cao năng lực quản trị tài chính HTX, tái cấu trúc bộ máy quản lý bảo đảm năng động và thích nghi trong môi trường kinh doanh mới. Để các HTX hoạt động hiệu quả thì một trong những nhiệm vụ của HTX là phải tổ chức kiểm toán nội bộ, bao gồm: Kiểm toán hoạt động, tuân thủ và báo cáo tài chính; công tác tổ chức, quản lý, điều hành của Ban quản trị HTX; chức năng nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, độ tin cậy của thông tin kinh tế; tình hình góp vốn, huy động vốn trong xã viên; tình hình kiểm kê, đánh giá tài sản, khấu hao tài sản; các quy định liên quan về hoạt động tín dụng nội bộ như: đối tượng, trình tự, thủ tục xét duyệt cho vay… Hoạt động này có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của HTX, giúp các HTX tự đánh giá đúng về quy mô, tiềm năng phát triển cũng như giới hạn của đơn vị để có kế hoạch đầu tư hiệu quả, sinh lợi, qua đó kiểm soát rủi ro về tài chính của HTX. Hiện nay, các HTX trong tỉnh vẫn còn xa lạ với khái niệm kiểm toán nội bộ và tư vấn tín dụng nội bộ. Các HTX cần chấn chỉnh, khắc phục các nội dung liên quan việc thực hiện điều lệ, nội quy, công tác hạch toán kế toán, xác định phạm vi trách nhiệm của cán bộ liên quan; tăng cường công tác quản lý tài chính, tài sản của HTX. Bên cạnh đó, nhóm cán bộ nòng cốt của HTX cũng cần được hướng dẫn cụ thể việc lập kế hoạch kiểm toán, xác định mức độ trọng yếu ở từng nội dung công việc, những dấu hiệu sai sót, rủi ro thường gặp do khách quan lẫn chủ quan.
Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp với các cấp, các ngành liên quan hỗ trợ các HTX thu hồi nợ tồn đọng, làm lành mạnh hóa tài chính, nghiên cứu xây dựng và ban hành quy chế hoạt động tín dụng nội bộ chặt chẽ hơn, đồng thời tăng cường trách nhiệm của cán bộ, xã viên trong hoạt động tín dụng nội bộ. Đối với các HTX có tình trạng nợ đọng kéo dài, giải pháp trước mắt vẫn là khoanh nợ theo từng thời kỳ. Bên cạnh đó, để đảm bảo thanh toán cho HTX, các ngành, các địa phương cũng cần đề ra quy định, chế tài xử phạt những đối tượng nợ đọng kéo dài, gây khó khăn cho hoạt động của HTX. Liên minh HTX tỉnh tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tín dụng cho đội ngũ kế toán trưởng các HTX để hoạt động tín dụng nội bộ của HTX đi vào chuyên nghiệp, cạnh tranh được với tín dụng "đen" và các tổ chức tín dụng thương mại khác trên địa bàn. Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ theo từng chức danh, từng lĩnh vực ngành nghề theo yêu cầu của HTX và doanh nghiệp thành viên; hỗ trợ các HTX tiếp cận các nguồn vốn từ Ngân hàng HTX Việt Nam và các ngân hàng thương mại. Hướng dẫn, hỗ trợ cung cấp dịch vụ pháp lý, dịch vụ liên quan đến tài chính, kế toán cho các HTX và doanh nghiệp; tư vấn, hỗ trợ xây dựng lập dự án phát triển sản xuất, kinh doanh...
Bài và ảnh: Vũ Hoàng