Xã Nam Hồng (Nam Trực) có 3.313 hộ, với trên 9.000 nhân khẩu, trong đó có 5.050 người trong độ tuổi lao động, phần lớn là lao động phổ thông. Những năm qua, cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, Đảng uỷ, UBND xã luôn quan tâm phát triển các ngành nghề CN-TTCN, nhất là nghề dệt truyền thống. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất trên địa bàn có quy mô nhỏ, hiệu quả kinh tế chưa cao. Để đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng bền vững, Đảng uỷ, UBND xã đã chỉ đạo triển khai hiệu quả các hoạt động dạy nghề, giải quyết việc làm, giúp người lao động có thu nhập ổn định. Đặc biệt từ khi có Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh, xã Nam Hồng đã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo tiêu chí NTM.
Cty TNHH Dệt may Sơn Hải, xã Nam Hồng tạo việc làm cho 30 lao động. |
Để triển khai hiệu quả công tác dạy nghề cho người lao động, xã Nam Hồng tập trung tuyên truyền sâu rộng chủ trương đào tạo nghề, giải quyết việc làm trong cộng đồng dân cư, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về tầm quan trọng của học nghề để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; đồng thời, tiến hành khảo sát nhu cầu việc làm, học nghề, điều kiện, khả năng của người lao động và tổ chức tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn, đăng ký học nghề phù hợp. Trên cơ sở đó, xã xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo các nghề phù hợp với lao động nông thôn. Tính từ năm 2012 đến nay, xã đã mở 20 lớp đào tạo nghề, thu hút hơn 500 lao động tham gia học các nghề: dệt may, trồng cây cảnh, chăn nuôi gia súc; các lớp bồi dưỡng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho hàng nghìn lượt nông dân. Sau khoá học, các học viên đều nắm được các kiến thức, kỹ năng cơ bản. Các học viên học nghề nông nghiệp đã tích cực áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Các học viên học nghề phi nông nghiệp đều tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định ngay tại địa phương. Cùng với công tác đào tạo nghề, xã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mở rộng mặt bằng, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động. Tính đến đầu tháng 7-2013, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được vay vốn từ các nguồn với số dư trên 40,1 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị, máy móc mở rộng quy mô sản xuất; trong đó, Ngân hàng NN và PTNT 26,6 tỷ đồng; Ngân hàng CSXH 13,4 tỷ đồng. Đặc biệt, xã hỗ trợ, tạo điều kiện thành lập các HTX dệt may, kêu gọi các doanh nhân là người địa phương về xã đầu tư sản xuất và huy động lao động địa phương tham gia khôi phục, phát triển nghề dệt truyền thống. Đến nay, trên địa bàn xã có 15 doanh nghiệp, HTX và 456 cơ sở sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho trên 4.500 lao động trong và ngoài xã. Tiêu biểu là Cty IMANI chuyên sản xuất các sản phẩm thuộc da hiện thu hút tạo việc làm cho 2.200 lao động; Cty CP Dệt may Liên Tỉnh thu hút 200 lao động; Cty TNHH Hải Đại Phát sản xuất vật liệu xây dựng thu hút 130 lao động. Ngoài ra, còn khoảng 600 lao động của xã sau khi được đào tạo, có tay nghề đã tìm được việc làm tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định…
Với sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể và sự tích cực tham gia của các doanh nghiệp trên địa bàn, thời gian qua, xã Nam Hồng đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn. Tỷ lệ lao động nông nghiệp của xã giảm dần từ 40% (năm 2010) xuống còn 27% (năm 2012). Nâng tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên lên trên 93% tổng số lao động trong độ tuổi. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở Nam Hồng vẫn còn một số khó khăn: một số người chưa nhận thức đầy đủ vai trò của việc học nghề để có cơ hội việc làm ổn định, lâu dài với thu nhập cao hơn. Nhiều người lao động sau đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp về chất lượng tay nghề lao động… Để đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn, thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã bám sát các chương trình, kế hoạch của huyện về thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phát triển CN-TTCN, làng nghề; tiếp tục huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác đào tạo nghề, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân học nghề. Tổ chức tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn, đăng ký học nghề phù hợp. Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện đào tạo nghề theo địa chỉ, đảm bảo việc làm cho người lao động sau đào tạo. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập, mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là nghề dệt truyền thống, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động… góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, đồng thời đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương theo tiêu chí xã NTM./.
Bài và ảnh: Minh Tân