Làng nghề dệt chiếu Xuân Dục

09:10, 08/10/2013

Nằm bên sông Ninh Cơ, làng Xuân Dục, xã Xuân Ninh (Xuân Trường) có nghề dệt chiếu truyền thống trên 100 năm tuổi. Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, 75 tuổi, ở xóm 3, thì nghề dệt chiếu của làng bắt nguồn từ một số lao động đi làm thuê cho các hộ dệt chiếu tại huyện Hải Hậu. Nhờ sự cần cù, nhanh nhạy nên người dân đã nắm bắt được bí quyết của nghề dệt chiếu và mang nghề về làng. Từ đó, dệt chiếu trở thành nghề truyền thống, gắn bó và mang lại ấm no cho nhiều thế hệ người làng Xuân Dục.

Hiện nay, làng Xuân Dục có gần 900 hộ làm nghề với trên 400 dàn dệt chiếu, mỗi ngày, các hộ dân trong làng nghề tiêu thụ từ 3-4 tấn cói nguyên liệu để sản xuất gần 2.000 lá chiếu các loại, tạo việc làm cho gần 1.000 lao động với thu nhập bình quân từ 50-70 nghìn đồng/người/ngày. Sản phẩm của làng nghề cũng rất đa dạng với các loại chiếu khổ rộng từ 0,8-1,8m, dài từ 1,8-2m, giá từ 250-400 nghìn đồng/đôi. Ngoài các loại chiếu thường, điều làm nên thương hiệu chiếu cói Xuân Dục, chứa đựng tinh hoa của làng nghề chính là loại chiếu “đậu” phục vụ các lễ hội truyền thống, các dịp cưới hỏi. Để dệt được một lá chiếu đậu, ngoài tay nghề, người thợ dệt phải kỹ càng tỉ mỉ từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến các công đoạn sản xuất khác. Sợi cói phải tròn, săn, cân đối gốc ngọn, nhiều cật, ít ruột và nhất thiết phải có màu trắng xanh. Sợi đay phải là đay lụa bánh tẻ, xe nhỏ, săn, chắc mối, được đặt làm riêng của những thợ xe đay tay nghề cao tại làng Giáp Nam, xã Hải Phương (Hải Hậu). Một ngày mỗi người chỉ dệt được từ 1,5-2 lá chiếu đậu. Không chỉ dệt được các loại chiếu đậu, ở làng Xuân Dục còn có một số hộ chuyên dệt các loại chiếu ngoại cỡ, theo yêu cầu riêng của khách hàng. Ông Nguyễn Văn Đoàn, ở xóm 4, một trong những hộ chuyên dệt các loại chiếu này cho biết: Nhà ông có 2 dàn máy chuyên dệt các loại chiếu đậu, chiếu ngoại cỡ. Hằng năm cứ vào khoảng tháng 6, tháng 7 âm lịch, trước khi có gió heo may ông đã phải chọn mua từ 5-6 tấn cói tốt, phơi thật săn, bọc ni-lon cất vào kho để làm nguyên liệu dệt chiếu đậu, chiếu đặt. Ông đã 3 lần được dệt những đôi chiếu “đặc biệt” phục vụ lễ giỗ tổ Hùng Vương: có đôi khổ rộng 1,25m, dài 9m; có đôi khổ rộng 1,45m, dài 2m nhưng yêu cầu mỗi lá phải “khuyết” một khoảng 70-70cm để khi trải cạnh nhau sẽ hở một khoảng chính 0,98m2, các cạnh phải được “bo” đẹp như chiếu đậu(!).

Dệt chiếu tại cơ sở của ông Nguyễn Ngọc Tuynh, xóm 2, làng Xuân Dục.
Dệt chiếu tại cơ sở của ông Nguyễn Ngọc Tuynh, xóm 2, làng Xuân Dục.

Để gìn giữ và phát triển nghề dệt chiếu bền vững, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Xuân Ninh đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ như: Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính để các hộ làm nghề dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi; tạo điều kiện về mặt bằng để các cơ sở sản xuất xây dựng nhà xưởng, kho chứa nguyên liệu, tập kết sản phẩm; chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp dạy nghề, truyền nghề, tập huấn kỹ thuật cho lao động trong làng nghề... Nhờ đó, nghề dệt chiếu ở làng Xuân Dục không những được bảo tồn mà còn có bước phát triển mới. Toàn xã đã hình thành một hệ thống đại lý chuyên cung ứng nguyên liệu, thu gom sản phẩm, tìm kiếm thị trường bao tiêu sản phẩm cho bà con, như hộ các ông: Trần Văn Giả, xóm 1; Nguyễn Ngọc Tuynh, xóm 2; Đinh Văn Cảnh, xóm 4… Năm 2012, làng nghề dệt chiếu Xuân Dục đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống theo các tiêu chí của Bộ NN và PTNT. Ông Nguyễn Ngọc Tuynh, chủ một đại lý có thâm niên ở làng nghề Xuân Dục cho biết: Trước kia ông chỉ thu mua nguyên liệu cói từ các HTX, nông trường trong tỉnh hoặc mua của các địa phương lân cận như Kim Sơn (Ninh Bình), Nga Sơn (Thanh Hoá)… Nay nghề dệt chiếu phát triển, ông phải nhập nguyên liệu từ các tỉnh phía Nam mới đủ cung ứng cho nhu cầu sản xuất của các hộ dân. Hình thức giao dịch cũng rất thuận tiện, người dân nhận nguyên liệu, trả tiền hoặc trả bằng sản phẩm và nhận tiền công hoặc bán thẳng sản phẩm cho đại lý. Trước đây sản phẩm chỉ được tiêu thụ trong phạm vi hẹp thì nay đã xuất hiện nhiều tại các tỉnh như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội và được chuyên chở vào các tỉnh phía Nam. Năm 2008, ông Tuynh đầu tư trên 100 triệu đồng mua 1 máy dệt chiếu, công suất 40 lá/ngày. Chiếu dệt bằng máy tuy không đẹp bằng chiếu dệt thủ công nhưng vẫn đảm bảo độ bền, đẹp được thị trường chấp nhận, đặc biệt công suất gấp 10 lần dệt thủ công. Đến nay, cơ sở của ông đã có 5 máy dệt chiếu, mỗi ngày sản xuất được trên 200 lá chiếu và thu mua trong dân được 50-60 lá chiếu, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài lực lượng lao động ổn định, cơ sở dệt chiếu của ông còn tạo việc làm bán thời gian cho gần 50 lao động, với thu nhập 1 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay các sản phẩm “chiếu đậu Xuân Ninh” không chỉ được thị trường nội địa ưa chuộng mà còn xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Đài Loan… qua hình thức ký gửi của một Cty xuất nhập khẩu ở Kim Sơn (Ninh Bình).

Thời gian tới, xã Xuân Ninh tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm chiếu cói, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, ngành nghề, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com