Kỳ vọng về giống lúa Bắc thơm số 7 kháng bạc lá

07:10, 19/10/2013

Theo các chuyên gia về lúa gạo ở các tỉnh miền Bắc thì chưa có loại lúa, gạo tẻ thường nào chất lượng ngon hơn giống Bắc thơm số 7 (BT7). Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Cty CP Giống cây trồng Thái Bình khẳng định: "Trong các tỉnh miền Bắc chỉ có nông dân Nam Định là sản xuất nhiều lúa, gạo BT7 và đã trở thành thương hiệu trên thị trường các tỉnh, thành phố phía Bắc. Nông dân Nam Định có truyền thống kỹ thuật thâm canh cao và “có duyên” với giống lúa BT7...".

Tham quan giống lúa BT7 kháng bạc lá vụ mùa năm 2013 tại Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng).
Tham quan giống lúa BT7 kháng bạc lá vụ mùa năm 2013 tại Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng).

Giống lúa thuần BT7 đã gắn bó với nông dân trong tỉnh trên 20 năm, ngày càng được mở rộng diện tích. Từ vài sào cấy năm 1992, đến nay có vụ, diện tích cấy giống BT7 chiếm tới 50-60% tổng diện tích lúa; có xã gieo cấy trên 90% diện tích trong vụ xuân như Giao Tiến (Giao Thủy), Xuân Kiên (Xuân Trường), Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng)... Chưa xây dựng thành thương hiệu nhưng người tiêu dùng ở các tỉnh, thành phố phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng... luôn tìm mua loại gạo BT7 Nam Định được gọi là "tám ngắn ngày Nam Định", "gạo thơm Nam Định”. Hiện 65-70% diện tích cấy lúa chất lượng cao của tỉnh ở cả 2 vụ trong năm được gieo cấy bằng giống lúa BT7. Với nhiều ưu điểm như: hạt thóc thành phẩm vàng óng, hạt gạo nhỏ, trong, dài, cơm thơm, mềm, vị đậm, dẻo mà dai, giống BT7 đã làm "siêu" lòng kể cả những người tiêu dùng khó tính. Theo tính toán của nông dân, cấy giống BT7 luôn cho hiệu quả kinh tế cao. Nếu bảo đảm an toàn sâu bệnh, giống lúa BT7 đạt năng suất 180-200 kg/sào, giá bán gấp 1,5 lần so với thóc, gạo tẻ thường. Tuy nhiên, giống lúa BT7 dễ bị nhiễm sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy các loại, bệnh khô vằn, bệnh đạo ôn, nặng nhất là bệnh bạc lá lúa đến nay vẫn không có thuốc đặc trị, cây lúa yếu, dễ đổ khiến năng suất có thể giảm 30-70%. Chính vì vậy để bảo đảm an toàn lương thực, vụ mùa năm 2013 UBND tỉnh, Sở NN và PTNT đã chỉ đạo không đưa giống BT7 vào cơ cấu gieo cấy lúa của tỉnh. Tuy vậy nông dân các địa phương vẫn gieo cấy 22.345ha, chiếm 28,32% tổng diện tích sản xuất lúa mùa. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội, vụ mùa 2013 ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh đã tổ chức cấy trình diễn trên 500ha bằng giống lúa BT7 kháng bạc lá do Viện Nghiên cứu lúa, thuộc Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội chọn tạo. Hơn 200ha lúa BT7 kháng bạc lá của xã Trung Đông (Trực Ninh) và 33,4ha cánh đồng mẫu lớn của Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng )... đã không bị bệnh bạc lá, năng suất trên 200 kg/sào (56 tạ/ha). Đặc biệt ở xã Minh Tân (Vụ Bản) thực hiện cấy nhiều ô bằng giống BT7 kháng bạc lá xen với giống BT7 cũ. Tất cả các ô ruộng cấy giống BT7 kháng bạc lá đến khi thu hoạch lá lúa vẫn còn xanh, bông to, hạt mẩy, màu vàng ươm, còn các ô ruộng cấy giống BT7 cũ lá bị bạc trắng ngay trước khi vào mẩy và năng suất giảm gần 50%. Đồng chí Trần Văn Hội, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: "Ở xã Hải Cường (Hải Hậu), 20 hộ cấy trình diễn giống BT7 kháng bạc lá hoàn toàn không bị bệnh, trong khi các ruộng bên cạnh cấy giống BT7 cũ lá bị bạc trắng”.

Không chỉ có nông dân các xã Trung Đông (Trực Ninh), Hải Cường (Hải Hậu), Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng), mà vụ mùa này nông dân các xã: Nam Lợi, Nam Thanh (Nam Trực), Minh Tân, Hiển Khánh (Vụ Bản), Nghĩa Sơn, Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng)... cũng đã đưa giống BT7 kháng bạc lá vào gieo cấy và không bị bạc lá, năng suất cao. Điều mà nhiều hộ nông dân còn băn khoăn là liệu đặc tính kháng bạc lá và chất lượng gạo có bền vững khi nông dân sử dụng thóc vụ này để làm giống cho vụ sau? Về vấn đề này, đồng chí Vũ Hồng Quảng, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu lúa, thành viên của nhóm tác giả chọn tạo giống BT7 kháng bạc lá khẳng định: "Chúng tôi hoàn toàn bảo đảm BT7 kháng bạc lá vẫn giữ được đặc tính vốn có của giống lúa BT7 bởi chỉ cấy gien chuẩn kháng bạc lá vào. Với nguyên lý kháng ngang nên bảo đảm kháng bền vững. Người nông dân có thể dùng ngay thóc BT7 kháng bạc lá vụ này cho gieo cấy các vụ tiếp vẫn giữ được đặc tính kháng với các chủng hiện nay”.

Kháng được bệnh bạc lá nhưng chất lượng gạo phải giữ vững như BT7, kể cả độ thơm, độ dẻo, dai, ngậy là yêu cầu quan trọng để bảo đảm hiệu quả sản xuất của nông dân. Trước hiệu quả “tai nghe, mắt thấy” về giống BT7 kháng bạc lá, mong mỏi của bà con nông dân là đơn vị chọn tạo ra giống BT7 kháng bạc lá cần cung ứng đủ giống tốt cho nông dân gieo cấy./.

Bài và ảnh: Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com