Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ sản xuất

08:10, 07/10/2013

Tỉnh ta có gần 4.000 doanh nghiệp, trong đó hầu hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng thiết bị, công nghệ lạc hậu nên hiệu quả sản xuất thấp. Nguyên nhân do doanh nghiệp còn hạn chế về năng lực tài chính và khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ của Nhà nước. Vì vậy những năm gần đây, Sở KH và CN đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến góp phần nâng cao năng suất và chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Dây chuyền sản xuất gạch ống xi măng cốt liệu bằng công nghệ ép thủy lực song động tại Cty CP Vật liệu không nung 567 (TP Nam Định).
Dây chuyền sản xuất gạch ống xi măng cốt liệu bằng công nghệ ép thủy lực song động tại Cty CP Vật liệu không nung 567 (TP Nam Định).

Hằng năm, Sở KH và CN đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức đánh giá công nghệ định hướng đầu tư và lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng ứng dụng của các doanh nghiệp. Các loại hình công nghệ được hỗ trợ chủ yếu là công nghệ tạo sản phẩm mới; công nghệ thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng; công nghệ cải tiến, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm…; đồng thời lựa chọn đầu tư công nghệ cho những ngành sản xuất có thế mạnh của địa phương như cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, thủy sản, chế biến gỗ… Nhiều doanh nghiệp đã được hỗ trợ vốn đầu tư đổi mới, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho sản phẩm. Trong đó, đáng chú ý nhất là các dự án ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo. Đã có nhiều công nghệ mới được Sở KH và CN hỗ trợ chuyển giao mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp. Tiêu biểu như dự án hỗ trợ đầu tư công nghệ và thiết bị sản xuất: Săm, lốp xe gắn máy và băng tải cao su của Cty TNHH Sản xuất và thương mại Nam Anh (TP Nam Định) với tổng vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng. Với chỉ tiêu kỹ thuật cao, sản phẩm săm, lốp xe gắn máy và băng tải cao su được xếp trong nhóm sản phẩm có nhu cầu sử dụng cao và có cơ hội cung ứng sản phẩm với số lượng lớn ở cả thị trường trong và ngoài nước. Ngay khi sản phẩm săm, lốp xe gắn máy và băng tải cao su được giới thiệu đã nhận được sự tín nhiệm của khách hàng và cùng sản phẩm trục trà lúa 2000 được xuất khẩu sang Mi-an-ma, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc)… Dự án “Hoàn thiện công nghệ đúc bằng mẫu tự tiêu (LFC-Lost Foam Casting) để sản xuất phụ tùng chế tạo bằng thép đúc, gang đúc thay thế sản phẩm nhập ngoại” tại Cty TNHH Thắng Lợi (TP Nam Định). Đây là công nghệ mới cố định cát trong khuôn mẫu cháy, khắc phục được hiện tượng sụt, lún cát trong quá trình rót nguyên liệu và thuận lợi cho việc phân hủy mẫu, khắc phục được một số nhược điểm như: chế tạo khuôn đúc phức tạp và đắt tiền, độ bền hạn chế khi đúc thép, khó đúc những vật có thành mỏng và hình dáng phức tạp; vật đúc có áp suất lớn do khuôn kim loại cản co mạnh... của công nghệ đúc thông thường với các khuôn cát và khuôn kim loại. Ngoài ra, công nghệ này có độ chính xác cao, đáp ứng được nhu cầu đúc sản phẩm số lượng lớn. Trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, Sở KH và CN đã tập trung hỗ trợ Cty CP Vật liệu không nung 567 (TP Nam Định) với dây chuyền công nghệ “Sản xuất thử nghiệm gạch ống xi măng cốt liệu bằng công nghệ ép thủy lực song động” công suất 20-30 triệu viên gạch/năm với tổng vốn đầu tư trên 5 tỷ đồng. Anh Nguyễn Xuân Tuyển, Giám đốc Cty CP Vật liệu không nung 567 cho biết: "Việc Sở KH và CN và các sở, ngành liên quan hỗ trợ cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất đã tác động rất lớn tới doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, đồng thời nâng cao ý thức cho doanh nghiệp trong việc đầu tư cải tiến, đổi mới công nghệ". Ngoài ra, các doanh nghiệp như: Cty TNHH MTV Phan Quân, CCN Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh); Cty CP Vân Cầu (TP Nam Định) cũng được hỗ trợ đưa dây chuyền sản xuất gạch không nung vào sản xuất. Cùng với Sở KH và CN, chương trình Khuyến công quốc gia và địa phương cũng đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp trình diễn công nghệ mới để áp dụng vào thực tế sản xuất như mô hình trình diễn kỹ thuật đúc đồng mỹ nghệ từ đồng thanh thiếc tại Doanh nghiệp tư nhân Cơ khí đúc Tân Tiến, Thị trấn Lâm (Ý Yên); “Mô hình trình diễn kỹ thuật chế tạo các kết cấu thép phi tiêu chuẩn” tại Cty TNHH Việt Thắng, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực); Sản phẩm lò ủ nhôm bằng điện của Cty TNHH Cơ khí Thanh Sơn, xã Nam Thanh (Nam Trực); Sản phẩm tôn chấn định hình của Cty TNHH Phát Tài, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu); Kỹ thuật đúc và gia công các chi tiết cơ khí của Cty CP Cơ khí đúc và Thương mại Ngọc Long, Thị trấn Lâm (Ý Yên)…

Việc hỗ trợ ứng dụng đổi mới công nghệ vào sản xuất đã mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp và xã hội. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách của tỉnh còn eo hẹp nên hằng năm việc bố trí vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp ứng dụng đổi mới công nghệ còn hạn chế. Vì vậy bản thân các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com