Vụ mùa 2013, mặc dù năng suất lúa ở nhiều địa phương bị giảm nhưng xã Giao Tiến (Giao Thuỷ) vẫn được mùa lớn. Trên cánh đồng mẫu lớn (CĐML) 50ha ở HTXDVNN Hùng Tiến, toàn bộ diện tích được gieo cấy giống RVT cùng thời điểm và cùng quy trình chăm sóc nên lúa cứng cây, đẻ khỏe, hạn chế được sâu bệnh, và chín đều. Vụ này, nông dân Giao Tiến chỉ mất 2 lần phun thuốc trừ sâu cuốn lá và rầy, không phải trừ bệnh đạo ôn, nhàn hơn rất nhiều so với cấy các giống lúa khác. Nếu so với giống lúa BT7 thì chất lượng gạo RVT ngon không kém, nhưng năng suất cao hơn, bình quân đạt 220 kg/sào, nên nông dân ai cũng phấn khởi. Trên cánh đồng của HTXDVNN Quyết Thắng, anh Vũ Đức Hải ở xóm 4 không giấu nổi niềm vui: “Vụ mùa năm nay, nhà tôi cấy toàn bộ bằng giống lúa VS1, mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng năng suất lúa vẫn đạt 230 kg/sào, cao hơn vụ mùa năm ngoái”. Không chỉ gia đình anh Hải mà hầu hết các hộ trong xã đều được mùa. Tại cánh đồng của HTXDVNN Quyết Tiến, những chiếc máy gặt đập liên hợp đang “tung hoành” trên thảm lúa đã chín rộ. Đứng trên bờ, ông Hoàng Quốc Nghiêm, xóm 9 dõi theo tiến độ của máy gặt, mong sớm đến ruộng nhà mình. Ông Nghiêm cho biết, vụ mùa này, gia đình ông cấy hơn 2 sào giống RVT. Nhờ sự chỉ đạo sát sao của Ban Nông nghiệp xã và HTX nên việc thâm canh lúa của gia đình ông rất thuận lợi, lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất ước đạt hơn 240 kg/sào.
Thu hoạch lúa mùa tại CĐML của HTXDVNN Hùng Tiến. |
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Cao Xuân Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Giao Tiến cho biết: Ngay từ đầu vụ, UBND xã đã chỉ đạo Ban quản trị các HTXDVNN Quyết Tiến, Hùng Tiến và Quyết Thắng tập trung tuyên truyền để xã viên nắm vững kế hoạch cơ cấu giống, thời vụ gieo cấy và kỹ thuật thâm canh các giống lúa, đảm bảo đạt cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Vụ mùa năm nay, xã Giao Tiến gieo cấy 436,3ha lúa, trong đó diện tích gieo sạ chiếm 10%. Trong nhiều năm qua, bệnh bạc lá lúa liên tục xảy ra ở vụ mùa, trong đó tập trung chủ yếu trên giống BT7, nên trong cơ cấu giống của vụ mùa năm nay, diện tích gieo cấy lúa BT7 của xã giảm hẳn, tập trung cấy các giống lúa thuần chất lượng cao như: RVT, Nếp 97, VS1, QS1, Gia Lộc… Các HTXDVNN đã chủ động chuẩn bị đầy đủ giống bảo đảm chất lượng, vật tư, phân bón phục vụ nhu cầu sản xuất của các hộ xã viên, đồng thời đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, huy động toàn bộ máy cày, máy bừa đẩy nhanh tiến độ làm đất đúng phương châm “ruộng chờ mạ” để bà con gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất. Để đảm bảo năng suất cũng như tạo quỹ đất, thời gian cho mở rộng diện tích gieo trồng cây vụ đông, xã Giao Tiến đã hướng dẫn, vận động nông dân gieo cấy sớm hơn 3 ngày so với lịch gieo cấy chung của tỉnh. Đến ngày 12-7, toàn xã đã hoàn thành gieo cấy lúa mùa. Ngay sau khi xuống giống, các HTXDVNN đã phát động xã viên tập trung chăm sóc lúa, bón phân cân đối theo đúng hướng dẫn kỹ thuật để tăng khả năng chống chịu với thời tiết bất thuận. Là địa phương có diện tích đất gieo cấy lúa không đồng đều, gặp nhiều khó khăn trong việc điều tiết nước, nên trong những đợt mưa lớn vừa qua, xã đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân chủ động khơi thông dòng chảy ở tất cả các kênh mương nội đồng nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng lúa bị ngập úng. Để chủ động phòng trừ sâu bệnh, hạn chế chuột phá hoại UBND xã Giao Tiến đã chỉ đạo các HTXDVNN tăng cường kiểm tra, bám sát đồng ruộng để đưa ra các phương án phòng trừ kịp thời các đối tượng gây hại nên lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Tại thời điểm lúa đẻ nhánh, phân lá đòng, tình hình sâu bệnh diễn biến khá phức tạp. Ở những diện tích xuất hiện một số loại sâu bệnh như khô vằn, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá lứa 6 và bệnh đốm sọc vi khuẩn, xã đã triển khai phun thuốc trừ rầy lưng trắng và khô vằn tập trung từ ngày 16 đến 18-8 và tiếp tục phun trừ sâu cuốn lá từ ngày 21 đến 23-8, nên đã hạn chế tối đa ảnh hưởng của sâu bệnh.
Những ngày này, tranh thủ điều kiện thời tiết nắng ráo bà con nông dân trong xã đã huy động toàn bộ nhân lực, thuê máy móc, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa mùa. Hệ thống kênh mương tưới tiêu nước, đường giao thông nội đồng thời gian qua cũng được xã đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân đưa máy móc vào sản xuất. Bà con nông dân cho biết, cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa đã được triển khai ở địa phương từ 3 năm nay. Nếu gặt bằng máy thì chi phí hết 130-150 nghìn đồng/sào, còn gặt thủ công hết khoảng 200-250 nghìn đồng/sào. Việc đưa cơ giới hóa vào khâu thu hoạch là phù hợp với thực tế sản xuất nông nghiệp hiện nay, do lực lượng lao động nông nghiệp ở nông thôn chủ yếu là lao động nữ, lao động cao tuổi, đồng thời mang lại nhiều lợi ích như thu hoạch nhanh, gọn, giảm chi phí. Do hiệu quả kinh tế cao và thu hoạch nhanh nên hầu hết diện tích gieo cấy lúa của xã đều được gặt bằng máy gặt đập liên hợp, trừ những diện tích ruộng trũng và diện tích lúa bị đổ ngả thì bà con nông dân mới phải gặt bằng tay. Vụ mùa năm nay, năng suất lúa bình quân của Giao Tiến ước đạt 55-56 tạ/ha.
Thắng lợi của vụ lúa mùa tại Giao Tiến cho thấy, song song với việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chọn giống tốt thì việc đẩy sớm lịch thời vụ để hạn chế tác động bất lợi do thời tiết bất thường gây ra là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công. Trong thời gian tới, xã Giao Tiến tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh