Chúng tôi về đồng muối xã Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng) vào một ngày mưa tầm tã. Các ruộng muối đều trắng sáng màu của nước mưa. Bà Trần Thị Tươi, xóm 2 “than”, đã 3 tháng nay chúng tôi hầu như không được một hạt muối nào. Rồi bà kể về những vất vả, khó nhọc của… đời muối.
Nước, cát và muối
Mùa muối thường bắt đầu từ tháng 3, thời điểm chính vụ vào các tháng 4, 5, 6. Cuối năm dân làm muối “gỡ gạc” thêm một chút vào quãng tháng 9, tháng 10, gió bắt heo và trời hửng nắng hanh. Dân làm muối, vì vậy thường ăn một cái Tết “thảnh thơi” hơn những nghề khác (tất nhiên phải là năm đó được mùa), bởi các tháng giáp Tết hầu như diêm dân nghỉ làm. Cuối tháng 2, đầu tháng 3, diêm dân đổ ra đồng đông như trẩy hội. Họ lo cắt cỏ rả, dọn bờ, bắt đầu xe cát về, tu sửa sân, vá nề, sau 3 hoặc 5 năm mới phải làm lại nề. Người ta phải cải tạo ruộng, đặt ống dẫn nước mặn từ các kênh xương cá vào ruộng. Trước đây những ống này làm bằng tre nứa, nhưng nay cải tiến dùng ống nhựa PVC, thời gian sử dụng được lâu hơn. Nước dẫn vào để thẩm ruộng, khi phơi cát khỏi bị trắng, dễ làm. Mỗi ô nề làm muối có diện tích vài mét vuông trở lên, làm bằng vôi và tro, cát, vì xi măng không chịu được nước mặn. Từ 2h sáng, những cặp vợ chồng diêm dân trẻ ra khỏi nhà dùng xe rùa để xe cát… đón nắng. Họ cùng nhau vãi cát ra sân như người ta phơi thóc. Quy trình làm muối khá phức tạp, bắt đầu từ việc phơi cát, sau đó đưa cát lên máng trạc, múc nước biển đổ lên máng lọc lấy nước mặn. Nước này được gọi là nước con, từ nước con sẽ múc sang những giếng chứa để hôm sau lắng lấy nước cái; cuối cùng nước cái được múc đổ vào các ô nề và nhờ nắng, gió kết tinh thành những hạt muối. Ngày nắng to, 4-5h chiều diêm dân đã nạo muối vun thành đống trên các ruộng. Thu xong muối, thì múc nước lên rửa sân sạch sẽ, vít máng thống phòng đêm mưa về. Xong xuôi mọi công đoạn, diêm dân trở về nhà ăn cơm lúc 7-8h tối, khi con gà đã lên chuồng từ lâu. Một việc “tối quan trọng” đối với người làm muối là luôn xem dự báo thời tiết. Ngày hôm sau có ra đồng làm muối được không phụ thuộc vào công đoạn này. Bận bao nhiêu thì bận, có thể cả ngày diêm dân không nghe, không xem gì trên truyền hình, ra-đi-ô nhưng vẫn phải để ý xem dự báo thời tiết. Hôm nào không xem được thời tiết thì ra đồng thấp thỏm lắm. Giữa trưa nắng cháy da, cháy thịt, vừa làm họ vừa phải ngẩng mặt lên “ngắm nhìn” ông trời. Bà Tươi theo ông bà, bố mẹ học nghề làm muối từ những năm 1947, khi bà hãy còn bé tí tẹo. Ngót 70 tuổi, người phụ nữ được nắng, gió, sự mặn mòi, vất vả của biển, của nghề muối “tôi luyện” nên hãy còn rất nhanh nhẹn, khỏe khoắn. Bà Tươi cho biết: “Muối hiện có hai loại. Muối sạch và muối thường. Muốn làm được muối sạch, diêm dân bắt buộc phải đầu tư làm thống nhựa để lọc tốt hơn. Muối sạch vì vậy cũng được thu mua cao hơn muối thường. Cả xã Nghĩa Phúc hiện có 5-6 đại lý thu mua muối là các đại lý Trường Xuân, Tùy Thơm, Long Nở, Mơ Khương, Đề Nụ, Đàm Được… Từ các đại lý này những hạt muối trắng của diêm dân tỏa đi khắp nước.
Nhọc nhằn đời muối. |
Nhọc nhằn đời muối
Theo ước tính của bà Tươi, 100% dân xóm 2 làm diêm nghiệp. Xã Nghĩa Phúc có 7 xóm thì cả 7 xóm đều làm muối. Trong xã không thiếu những ông già, bà cả như bà vẫn… đeo đẳng với nghề muối. Một mình bà Tươi hiện vẫn nhận làm 3 sào muối. Trên diện tích đó, ngày nào được nắng, thời tiết thuận hòa bà thu được 5 phương muối (mỗi phương ước chừng 20kg). 1 tạ muối tươi sau khi khô cho về khoảng 80kg muối ráo. Thời điểm hiện tại, muối đang được giá, 1 phương muối khô hiện bán được 47 nghìn đồng, như vậy 1kg muối có giá vào khoảng hơn 2 nghìn đồng. Tuy nhiên, cũng theo bà Tươi, khó tính được tổng lượng muối thu được trong cả năm vì làm muối phụ thuộc vào thời tiết. Trời nắng to, độ mặn của nước cao thì hôm đó được nhiều muối. Phải hôm trời nắng to nhưng ở các nơi mưa nhiều, nước “nhạt”, muối thu được cũng không đáng bao nhiêu. Lại có buổi, sáng đẹp trời, có nắng to sớm, diêm dân đã chuẩn bị thống chạt, lấy nước nhưng trưa đến giông, gió kéo về coi như ngày lao động thành… công cốc. Có một nghịch lý giá cả mà người dân làm muối giống như người làm ruộng bao năm nay phải chấp nhận là “được mùa thì mất giá, mất mùa lại được giá”. Chính vụ muối năm 2013, diêm dân bán 1kg muối với giá 1.500-1.600 đồng. Từ tháng 6 đến nay mưa liên miên, diêm dân không làm được muối, những hạt muối mới có dịp “đẩy giá” lên mức trên 2.000 đồng/kg. Tuy nhiên, niềm vui của diêm dân “ngắn chẳng tày gang”, thậm chí họ còn lo lắng hơn. Xóm 2, nhà nhiều ruộng cũng chỉ khoảng 1 mẫu, nhà kha khá thì nhận 6, 7 sào, nhà làm ít 3 sào. Bà Tươi nhẩm tính, 1 mẫu muối sẽ cho thu hoạch khoảng 700 phương (tương đương 14 tấn muối hạt). Với giá muối cao như năm nay sẽ cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Thời điểm muối “rớt” giá, thu nhập sẽ thấp hơn. Nhiều diêm dân xóm 2 cho biết thêm, thời tiết thất thường, số lượng muối làm ra không nhiều ảnh hưởng đến lượng dự trữ. Nhiều nhà trong xóm đã phải mở kho muối để bán cho các đại lý. Tình trạng bán muối đong gạo không phải là hiếm. Bên cạnh đó, muối là mặt hàng để lâu rất dễ bị hao, ngoài cách mang muối về cho vào kho, diêm dân chưa nghĩ ra cách nào bảo quản muối tránh hao hụt tốt hơn.
“Có lẽ không có nghề nào vất vả bằng nghề làm muối. Lúc trời nắng nhất, người ta tìm chỗ trú mát thì chúng tôi ra đồng, nắng gió Tây càng bỏng rát thì hạt muối càng trắng, càng trong. Còn trời mát hay đổ mưa coi như thất bát. Vất vả là thế, nhưng thu nhập chẳng được đáng là bao”. Bà Bích, một diêm dân xóm 2 cũng ở cái tuổi 70 than thở: “Tôi già rồi nên chỉ làm cầm chừng 2 sào muối thôi. Hiện nay dân trong thôn, trong xã, nhất là lớp trẻ nhiều người đã bỏ nghề truyền thống để tìm hướng làm ăn mới. Hoặc họ chỉ làm muối khi vào thời vụ. Xong vụ muối, chúng tôi lao vào nuôi con lợn, con gà, tìm mối buôn bán vặt. Phụ nữ không đi buôn bán, làm ăn xa, ở nhà, những hôm không ra đồng muối, ai thuê gì làm nấy, hoặc ra biển đào cáy, bắt con don, con dắt “năng nhặt, chặt bị” có thêm đồng tiền lo cho cuộc sống hằng ngày. Trai tráng khỏe mạnh thì đi làm phụ xây, bỏ muối đi làm việc khác. Ở làng giờ chủ yếu có phụ nữ, các ông bà già, trẻ nhỏ phụ giúp gia đình những tháng nghỉ hè làm muối. Tóm lại nghề muối khó nuôi nổi chúng tôi”. Diêm dân xóm 2 còn tính toán thêm: “Nếu người khoẻ mạnh lao động cật lực, quần quật cả ngày trên đồng thì thu được 50 đến 60kg muối; bà già, trẻ em chỉ làm được khoảng 30kg; tính ra ngày công của diêm dân chỉ trên dưới 100 nghìn đồng/người/ngày. Số tiền này quả thực chưa “bõ” công lao động bỏ ra, đó là chưa kể những hôm thất bát vì thời tiết. Những đứa trẻ làng muối cao chưa tới cái bầu múc nước tranh thủ lúc không đi học ra đồng nạo muối phụ giúp cha mẹ. Và hơn ai hết, những đứa trẻ hiểu rằng, những mặn mòi của hạt muối sẽ giúp xây nên cuộc sống tương lai sau này.
Đời muối lắm nhọc nhằn, từng ngày qua, từ phụ nữ cho đến đàn ông, những diêm dân như con ong cần mẫn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trên những đồng ruộng bỏng rát để mưu sinh. Đối với nhiều diêm dân xã Nghĩa Phúc làm muối không chỉ là một nghề để mưu sinh mà còn là trách nhiệm chắt chiu những “giọt mặn” cho đời. Phơi mình trên những cánh đồng muối mặn chát, bỏng rát, mồ hôi của diêm dân có lẽ cũng đủ mặn để trở thành muối. Bởi vậy, chia tay cánh đồng muối, tôi vẫn bị ám ảnh với màu trắng tinh khiết của những đống muối được vun thẳng hàng với mơ ước có “phép màu” khoa học giúp diêm dân đỡ nhọc nhằn; và giá muối ổn định hơn. Lấp lánh trên những ruộng muối, một ngày nắng hanh tháng 9, tháng 10, tôi bắt gặp nụ cười của một diêm dân. Chỉ một ngày bắt heo may, có nắng, diêm dân lại cười khi thu hoạch muối, bỏ lại tất cả những vất vả của đời muối. Và tôi cảm nhận đó là nụ cười của những lao động yêu nghề…
Hoa Xuân