Chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho sản xuất vụ đông 2013

07:10, 03/10/2013

Theo kế hoạch, vụ đông năm 2013, huyện Nghĩa Hưng gieo trồng 2.688ha cây rau màu các loại, trong đó có 1.742ha trên đất 2 lúa, tập trung chủ yếu vào các cây trồng: đậu tương 922,5ha, bí xanh 486,7ha, cà chua 138,5ha, bí đỏ 91,4ha… Để khuyến khích các địa phương tích cực triển khai theo kế hoạch thời vụ, UBND huyện đã quyết định tạm ứng một phần kinh phí mua các giống đậu tương, bí xanh, bí đỏ, khoai tây trồng trên đất 2 lúa. Đồng chí Trần Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Chỉ tiêu sản xuất cây vụ đông năm nay của huyện cao gấp 4 lần so với năm 2012. Năm nay, tỉnh đã hỗ trợ 3 đối tượng cây vụ đông gồm đậu tương, bí xanh và khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu phủ rơm rạ, là một trong những điều kiện để nhân dân trong huyện tập trung mở rộng diện tích cây vụ đông”.

Nông dân Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) chăm sóc khoai tây đông.
Nông dân Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) chăm sóc khoai tây đông.

Để nông dân yên tâm sản xuất, ngay đầu tháng 9-2013, huyện Nghĩa Hưng đã tổ chức hội nghị với các doanh nghiệp: Cty TNHH MTV Nông nghiệp Rạng Đông, Cty CP Giống cây trồng Nam Định, Cty TNHH Bao bì kim loại CFC… và trưởng Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn, chủ nhiệm các HTXDVNN để bàn giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất vụ đông, đặc biệt là khâu chuẩn bị giống và tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông. Phòng NN và PTNT huyện đã thông báo danh sách 22 doanh nghiệp đăng ký cung ứng giống và thu mua sản phẩm cây vụ đông trên địa bàn tỉnh để các địa phương sớm liên hệ hợp tác tổ chức sản xuất vụ đông theo mô hình liên kết đạt hiệu quả. Cty CP Giống cây trồng Nam Định nhận cung ứng toàn bộ giống cây đậu tương và bí xanh cho huyện. Bên cạnh đó, Cty còn nhận bảo quản đậu tương nếu thu hoạch trong điều kiện thời tiết không thuận lợi và nhận thu mua đậu tương của huyện nếu sản phẩm tiêu thụ ở thị trường tự do gặp khó khăn. Cty TNHH Bao bì kim loại CFC đã ký hợp đồng tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của 15ha trồng cà chua nhót, trong đó có 10ha của xã Nghĩa Hồng, 5ha của Thị trấn Quỹ Nhất và 30ha trồng cây ngô ngọt ở xã Nghĩa Thắng. Các địa phương trồng nhiều cà chua trên đất 2 lúa như xã Nghĩa Bình, Nghĩa Hồng chủ động tiêu thụ ở thị trường tự do; Thị trấn Quỹ Nhất liên kết với một số Cty ở Hải Hậu có đầu mối ở thị trường Thanh Hóa để tiêu thụ; vùng chuyển đổi ở xã Nam Điền và Thị trấn Rạng Đông trồng cà chua quanh năm để cung cấp cho Siêu thị Big C Nam Định. Ở huyện Trực Ninh được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự hỗ trợ kịp thời của các HTXDVNN, sự tham gia của các doanh nghiệp trong liên kết tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cung ứng vật tư, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, nên đã tạo điều kiện cho các hộ nông dân phát triển sản xuất cây vụ đông. Vụ đông năm 2012, toàn huyện xây dựng được 4 mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) trồng dưa chuột, bí xanh, bí đỏ và đậu tương với tổng diện tích 86ha ở các xã Trực Nội, Trực Thái, Trực Hùng. Sản phẩm cây vụ đông phục vụ chế biến xuất khẩu tiêu thụ hết theo thỏa thuận được ký kết giữa các HTXDVNN và doanh nghiệp. Theo đó, các hộ dân đã bán cho các doanh nghiệp 130 tấn dưa chuột bao tử, trung tử làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Cuối năm 2012, huyện đã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) và quy hoạch phát triển sản xuất ở các xã, thị trấn, tạo điều kiện thuận lợi để chỉnh trang đồng ruộng, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa theo mô hình CĐML và triển khai trồng cây vụ đông, nhất là vụ đông trên đất 2 lúa. Vụ đông 2013, huyện phấn đấu gieo trồng 2.400ha, trong đó có 1.500ha trên đất 2 lúa. Huyện tích cực chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, ưu tiên mở rộng diện tích các cây trồng vụ đông có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định. Vụ đông này, huyện xây dựng 8 mô hình CĐML cây vụ đông trên đất 2 lúa có liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; mỗi mô hình rộng 20ha, trong đó có 1 mô hình trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu phủ rơm rạ ở xã Trực Chính; 2 mô hình trồng đậu tương ở xã Trực Nội; 5 mô hình ở các xã Trực Đại, Trực Thái, Trực Phú, Trực Hùng liên kết với Cty TNHH Cường Tân.

Vụ đông năm nay, toàn tỉnh phấn đấu trồng 25.000ha cây màu vụ đông, trong đó có 15.000ha trồng trên đất 2 lúa, tập trung vào các loại cây trồng như: ngô 3.500ha, khoai tây 3.000ha, đậu tương 3.000ha, bí xanh 1.500ha... Thuận lợi của vụ đông năm nay là các xã, thị trấn đã lập xong quy hoạch các vùng sản xuất cây vụ đông; nhiều xã đã hoàn thành công tác DĐĐT, chỉnh trang đồng ruộng. Vụ mùa 2013, hầu hết các xã, thị trấn đều có trên 60-70% diện tích lúa mùa sớm và mùa trung thu hoạch trước ngày 15-10 tạo quỹ đất để phát triển, mở rộng sản xuất cây vụ đông. Để đảm bảo giành vụ đông thắng lợi, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương bố trí cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng hợp lý, khoa học theo hướng đa dạng hóa giống cây trồng và đa thời vụ; chú trọng áp dụng và nhân rộng nhanh các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới. Lựa chọn, sử dụng bộ giống rau, củ, quả có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với từng chân đất, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Với cây khoai tây, không sử dụng giống Trung Quốc mà dùng các giống Solara, Sinora (Đức), Diamant (Hà Lan) và KT2; các giống đậu tương ngắn ngày như DT84, ĐT12, ĐT122; các giống cà chua Savior, Perfect 89, TN005, TN00, C155 và cà chua nhót Thúy Hồng, TN060; dưa chuột sử dụng những giống Marinda, Mirabelle (Hà Lan) và các giống dưa xanh Nhật, Phú Thịnh; các giống bí xanh đá lai số 1 và lai số 2... Để tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận được giống tốt và tiêu thụ hết sản phẩm, Sở NN và PTNT đã mời hàng chục doanh nghiệp chuyên cung ứng giống và thu mua, chế biến nông sản ở khu vực phía Bắc về làm việc với các huyện, thành phố để hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố chú trọng quy hoạch ổn định một số vùng nguyên liệu tập trung với các loại cây trồng chủ lực, có mối tiêu thụ sản phẩm quen thuộc tại mỗi địa phương trong những năm qua. Huyện Hải Hậu vẫn duy trì trồng bí xanh, bí đỏ, cải dầu, cà chua; huyện Giao Thủy tập trung cây khoai tây, ngô, bí xanh; các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực tập trung các giống cây khoai tây chất lượng cao; Xuân Trường trồng đậu tương. Các doanh nghiệp cũng đã chủ động phương án xử lý khi có tình trạng nông dân phá vỡ cam kết với doanh nghiệp khi giá thị trường cao hơn giá thu mua của doanh nghiệp theo hợp đồng. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Cty CP Giống cây trồng Kiên Giang cho biết: “Năm nay, Cty có chủ trương cấp giống khoai tây chất lượng cao cho bà con nông dân Nam Định sản xuất, sau đó sẽ thu mua lại toàn bộ khoai tây thương phẩm với giá 6.000 đồng/kg khoai tây củ to và 3.000-3.500 đồng/kg khoai tây củ nhỏ. Nếu tại thời điểm thu mua giá thị trường cao hơn thì Cty sẽ thỏa thuận lại giá hoặc bà con nông dân vẫn có thể bán ra ngoài. Mục đích của Cty là để bà con nông dân mở rộng diện tích trồng cây vụ đông để có thêm thu nhập, cải thiện đời sống”. Ngoài ra, tỉnh cũng chỉ đạo xây dựng một số mô hình thí điểm về liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau quả sạch, an toàn với Hà Nội thông qua các doanh nghiệp; lựa chọn, quy hoạch 10 vùng đủ điều kiện để sản xuất rau quả an toàn theo quy trình VietGAP tại 10 huyện, thành phố.

Với những nỗ lực trên, tỉnh ta quyết tâm giành vụ đông thắng lợi toàn diện, đặc biệt là tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com