Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn

07:10, 19/10/2013

Qua 3 năm thực hiện chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12-4-2010 của Chính phủ đã góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh ta.

Từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng NN và PTNT chi nhánh Thịnh Long, anh Nguyễn Văn Tiên, xã Hải Châu (Hải Hậu) phát triển nghề nuôi tôm, thu nhập bình quân 180 triệu đồng/năm.
Từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng NN và PTNT chi nhánh Thịnh Long, anh Nguyễn Văn Tiên, xã Hải Châu (Hải Hậu) phát triển nghề nuôi tôm, thu nhập bình quân 180 triệu đồng/năm.

Nghị định 41 quy định mở rộng đối tượng thực hiện cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn gồm các loại hình TCTD, kể cả tổ chức tài chính vi mô và các ngân hàng, tổ chức tài chính được Chính phủ thành lập đều thực hiện việc cho vay theo chính sách của Nhà nước. Do vậy, trong 3 năm qua, mạng lưới các TCTD tiếp tục được mở rộng về địa bàn nông thôn để thực hiện cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM. Đến nay, toàn tỉnh có 14 chi nhánh TCTD (6 chi nhánh NHTM Nhà nước, 5 chi nhánh NHTM cổ phần, chi nhánh Ngân hàng CSXH, chi nhánh Ngân hàng HTX, chi nhánh Cty TCDK), 41 Quỹ TDND, 4 đơn vị tổ chức tài chính vi mô, 97 phòng giao dịch, 110 ATM (máy rút tiền tự động) và 139 POS (máy cà thẻ thanh toán). Trên địa bàn nông thôn có 153 điểm giao dịch của các ngân hàng, bình quân 1,3 xã có một điểm giao dịch của ngân hàng. Ngân hàng NN và PTNT cùng Ngân hàng CSXH có 58 điểm giao dịch, các NHTM khác cũng đã có mạng lưới tại địa bàn nông thôn (VietinBank có 10 điểm giao dịch, BIDV có 4 điểm giao dịch, các ngân hàng TMCP khác có 18 điểm giao dịch). Ngoài ra còn có mạng lưới tổ vay vốn của Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH với trên 7.000 tổ vay vốn và tiết kiệm được coi là mạng lưới của ngân hàng để giải ngân cho vay trực tiếp đến cá nhân, hộ gia đình. Với hệ thống điểm giao dịch mở rộng, phủ khắp địa bàn nên qua 3 năm (2010-2012) tốc độ tăng trưởng tín dụng của các TCTD trên địa bàn bình quân đạt 14,7%/năm. Hết tháng 8-2013 dư nợ cho vay đạt 20.706 tỷ đồng, tăng 7,3% so với năm 2012. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn bình quân giai đoạn 2010-2012 mỗi năm tăng trưởng 20,1%; dư nợ đến hết tháng 8-2013 đạt 11.136 tỷ đồng, tăng  20,2% so với năm 2012, chiếm 53,8% tổng dư nợ cho vay. Nghị định 41 quy định, các lĩnh vực cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn rất đa dạng và đầy đủ nhằm đáp ứng các nhu cầu vốn phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM, giảm nghèo và từng bước nâng cao đời sống của nhân dân. Cho vay chi phí sản xuất và chế biến nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, thủy sản chiếm 58,7%; cho vay sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ phi nông nghiệp và phát triển ngành nghề nông thôn chiếm tỷ trọng 38,3%; cho vay tiêu dùng trên địa bàn nông thôn chiếm tỷ trọng 2,8%, cho vay đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn chiếm tỷ trọng 0,2%. Đến nay Ngân hàng NN và PTNT có dư nợ cho vay địa bàn nông thôn đạt 6.528 tỷ đồng, chiếm thị phần 58,6%, các ngân hàng thương mại khác chiếm thị phần 13,6%, Quỹ TDND và các tổ chức tài chính vi mô chiếm thị phần 10,8%. Ngân hàng CSXH trong 3 năm có tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân 15,5%/năm, đến nay dư nợ đạt 2.071 tỷ đồng, trong đó dư nợ trên địa bàn nông thôn đạt 1.888 tỷ đồng, chiếm thị phần 17%. Có nhiều món vay được các TCTD thực hiện không yêu cầu đảm bảo bằng tài sản, dư nợ cho vay nhóm này tăng dần qua các năm, đến nay đạt 3.521 tỷ đồng, chiếm 31,6% dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn. Quy trình, thủ tục cho vay của TCTD đối với khách hàng ở địa bàn nông thôn được các ngân hàng cải cách đơn giản, thuận tiện cho người vay. Hình thức cho vay hộ gia đình, cá nhân thông qua tổ vay vốn, trong đó tổ vay vốn cùng ngân hàng giám sát việc sử dụng vốn vay giúp việc giải ngân nhanh chóng hơn, đồng thời tăng hiệu quả quản lý và sử dụng vốn vay; đây là một hình thức được nông dân rất hoan nghênh và đồng tình ủng hộ. Đối với 96 xã xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 của tỉnh, NHNN tỉnh đã chỉ đạo các Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH tiếp cận đề án xây dựng NTM của từng xã để chủ động trong quá trình đầu tư vốn tín dụng. Đến nay, tại 96 xã này dư nợ cho vay đạt 5.050 tỷ đồng, bình quân dư nợ 52,6 tỷ đồng/xã. Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” theo Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 20-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có nội dung các TCTD đăng ký hỗ trợ các địa phương xây dựng NTM, đến nay các TCTD đã hỗ trợ 14 công trình (chủ yếu là các trạm y tế, NVH, trường học) của các địa phương với tổng trị giá 26 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn ở mức an toàn, đối tượng khách hàng chủ yếu là nông dân đã sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ ngân hàng đúng hạn, tỷ lệ nợ xấu thấp, nợ bị tổn thất không đáng kể. Ngoài ưu đãi về hạ lãi suất chung như lãi suất cho vay bằng VND đến nay đã giảm 3-5%/năm so với năm 2012, giảm 5-7%/năm so với năm 2011, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn được hưởng mức lãi suất ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, giúp khách hàng vay khắc phục khó khăn về tài chính để phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh. Công tác phối hợp của các TCTD với chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa bàn nông thôn được củng cố và duy trì hoạt động hiệu quả, góp phần giảm bớt áp lực đối với cán bộ tín dụng. Tổ vay vốn cùng ngân hàng giám sát việc sử dụng vốn vay của các đối tượng vay vốn nhằm tăng hiệu quả tín dụng, nợ được thu hồi đầy đủ và đúng thời hạn.

Để triển khai thực hiện tốt Nghị định 41 trong thời gian tới, các TCTD trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để người dân nông thôn nắm bắt kịp thời chủ trương, chính sách tín dụng của Nhà nước đối với nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh hoạt động huy động vốn, đồng thời sử dụng nguồn vốn điều hòa từ TCTD cấp trên để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình cho vay nhằm nâng cao chất lượng tín dụng… Nguồn vốn tín dụng đã góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X). Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nông, lâm, thủy sản đạt 2,7%/năm; lao động nông nghiệp chiếm 65,12% trong tổng lao động; tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm qua các năm, đến năm 2012 còn 6,72%. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được quan tâm đầu tư phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn lâu dài, nhất là hệ thống thủy lợi, điện, giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nước sạch… Chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn từng bước được nâng cao, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc./.

Bài và ảnh: Quang Lộc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com