Trên con đường dẫn vào làng Sắc, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc), từng đoàn xe tải lớn, nhỏ nối đuôi nhau ra, vào tấp nập để chở hàng. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Xuân Thư, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thắng cho biết: “Trước đây, nhân dân trong xã chủ yếu sản xuất chăn bông, ga, gối. Đến nay, quy mô sản xuất của làng nghề đã được mở rộng với cơ cấu sản phẩm phong phú gồm các sản phẩm về may mặc”.
Sản xuất tại Cty TNHH Chăn ga gối đệm Tuấn Hưng ở làng Sắc, xã Mỹ Thắng. |
Nghề làm chăn đã có ở xã Mỹ Thắng từ hơn 50 năm nay. Sản phẩm của làng nghề được thị trường chấp thuận bởi độ bền, mẫu mã đẹp, giá thấp hơn hẳn so với các sản phẩm cùng loại. Để thúc đẩy các ngành nghề phát triển, thời gian qua, Đảng uỷ, UBND xã đã tích cực xây dựng kế hoạch, cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở, hộ gia đình mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới trang thiết bị, kỹ thuật theo hướng hiện đại, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm phát triển bền vững. Các cơ sở sản xuất năng động nắm bắt yêu cầu của thị trường, thị hiếu của khách hàng đầu tư máy móc thiết bị mới như: máy thêu vi tính, máy trần thêu, máy trần chăn, máy làm bông... Đến nay, trên địa bàn xã có 3 doanh nghiệp lớn là Cty TNHH Hoà Thảo, Cty TNHH Chăn ga gối đệm Tuấn Hưng, Cty TNHH Ngọc Thuỷ chuyên sản xuất các mặt hàng may mặc và chăn, ga, gối, đệm và khoảng 300 hộ chuyên gia công các mặt hàng may mặc, tạo việc làm ổn định cho hơn 1.000 lao động với mức thu nhập bình quân từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu từ nghề sản xuất hàng may mặc và chăn, ga, gối, đệm của xã bình quân đạt khoảng 20 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 50% tổng doanh thu toàn xã. Từ sản xuất nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình, đến nay các cơ sở sản xuất đã bước đầu hình thành các chuỗi liên kết sản xuất hoàn chỉnh từ cung ứng nguyên liệu, phụ kiện đến khâu hoàn thiện sản phẩm tạo ra giá trị hàng hoá lớn. Ông Trần Công Thạnh ở xóm 8 cho biết: “Gia đình tôi có truyền thống sản xuất bông vải được hơn 20 năm. Được xã tạo điều kiện cho thuê đất, từ năm 2010, gia đình đã đầu tư xây dựng 300m2 nhà xưởng kiên cố để lắp đặt dàn máy cán và chế biến bông hiện đại theo quy trình khép kín, với tổng mức đầu tư hơn 800 triệu đồng”. Theo tính toán của ông Thạnh, mỗi tháng xưởng sản xuất của ông tiêu thụ từ 30-40 tấn nguyên liệu vải vụn, chủ yếu là loại vải trắng. Các loại vải vụn được phân loại theo màu sắc và được tẩy trắng rồi chuyển sang dây chuyền tách bông sợi. Bình quân mỗi ngày, xưởng sản xuất được 7-8 tạ bông nguyên liệu cung ứng cho các doanh nghiệp dệt ở các khu, CCN của Thành phố Nam Định để sản xuất vải theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất làng nghề. Ngoài ra, xưởng sản xuất của ông Thạnh còn chuyên sản xuất bông silicon (bông pha trộn giữa sợi bông hoá học và silicon) là nguyên liệu chủ yếu của ruột chăn và ga đệm cao cấp. Tại làng nghề còn có các hộ gia công in trang trí, sản xuất các loại phụ kiện như chun, cúc, nhãn mác. Ông Trần Văn Sáng ở xóm 8 cho biết, nhận thấy nhu cầu về in ấn hoạ tiết trang trí trên quần áo của làng nghề là rất lớn, ông đã chủ động đi tham quan và học hỏi kinh nghiệm in lưới. Đầu năm 2010, ông tuyển thêm lao động và tiến hành mở xưởng in trang trí trên quần, áo cho các hộ may mặc trong xã. Hiện tại, trung bình mỗi ngày xưởng in của gia đình ông có thể in từ 3.000-5.000 sản phẩm quần, áo với nhiều mẫu mã, kích cỡ khác nhau. Đối với các mặt hàng chăn, ga, gối, đệm, hiện tại trên địa bàn xã còn 10 hộ sản xuất thu hút khoảng 300 lao động tham gia. Nhiều cơ sở đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm như Cty TNHH Chăn ga gối đệm Tuấn Hưng, Cty TNHH Ngọc Thái... Các cơ sở đã đầu tư dây chuyền máy may công nghiệp hiện đại và dàn thêu vi tính. Anh Trần Ngọc Hưng, Giám đốc Cty TNHH Chăn ga gối đệm Tuấn Hưng cho biết, qua tìm hiểu thị trường chăn, ga, gối, đệm cao cấp, nhận thấy hầu hết các Cty, cơ sở sản xuất lớn đều sử dụng công nghệ thêu vi tính hiện đại để sản xuất các loại vỏ gối, chăn cao cấp nên đầu năm 2011, Cty đã đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng để lắp đặt 2 giàn máy thêu vi tính bảo đảm thêu được số lượng hàng lớn trong thời gian ngắn, chất lượng sản phẩm cao, ít bị lỗi và tinh xảo đến từng đường nét, đồng nhất về mẫu mã mà thêu tay và thêu máy công nghiệp không đáp ứng được. Trung bình mỗi ngày giàn máy có thể thêu được hơn 100m các loại vỏ chăn, vỏ ga giường, vỏ gối với khổ rộng tuỳ ý. Vì thế, mặt hàng chăn, ga, gối, đệm của xã Mỹ Thắng xuất bán trên thị trường không hề thua kém về mẫu mã và chất lượng, trong khi giá bán lại rẻ hơn các sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 1,5-2 lần. Hiện tại, các sản phẩm của làng nghề xã Mỹ Thắng đã có mặt tại khắp các thị trường miền Bắc và đang từng bước vươn lên chiếm lĩnh thị trường trong cả nước.
Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển hơn nữa của làng nghề, UBND xã Mỹ Thắng đang tích cực hoàn thiện Đề án xây dựng CCN làng nghề. Theo kế hoạch CCN làng Sắc có tổng diện tích 15,7ha nằm tập trung trên địa bàn xóm 9, phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, triển khai 7ha và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng gồm đường giao thông, hệ thống lưới điện, hệ thống cung cấp nước sạch và xử lý nước thải với tổng mức đầu tư 76 tỷ 401 triệu đồng. Giai đoạn 2 tiếp tục đầu tư trên diện tích 8,7ha với tổng mức đầu tư hơn 94 tỷ 397 triệu đồng. Xã đang tích cực phối hợp với Cty CP Đầu tư xây dựng thiết kế và thương mại bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ đề án để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt./.
Bài và ảnh: Đức Toàn