Bài học từ vụ lúa mùa 2013

09:10, 28/10/2013

Sản xuất vụ lúa mùa năm 2013 gặp nhiều khó khăn nhưng năng suất vẫn đạt tương đương vụ mùa năm 2012 và để lại nhiều bài học từ công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện trong sản xuất cho những vụ sau.

Đến nay toàn tỉnh đã thu hoạch xong 78.899ha lúa mùa. Đây là vụ sản xuất có nhiều khó khăn về cuối vụ. Đầu vụ thời tiết thuận lợi với những đợt mưa rào tạo đủ nước cho các địa phương làm đất sớm, ngâm dầm ngả ngấu bảo đảm “ruộng chờ mạ”; nhiệt độ, độ ẩm thích hợp cả cho gieo mạ và gieo cấy nên lúa mùa gieo cấy sớm cứ thế tốt vượt lên. Song vụ mùa năm nay chuột xuất hiện và gây hại nhiều. Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, diện tích lúa bị chuột phá hại trong vụ mùa 2013 tới trên 3.500ha, gấp 1,5 lần vụ mùa năm 2012. Đó là chưa kể những diện tích đã được các hộ khôi phục bằng dặm, cấy lại. Lúa tốt chính là cơ hội cho sâu bệnh phát triển, nhất là những thửa ruộng chăm bón không đúng kỹ thuật, lạm dụng phân đạm, bón không cân đối, bón lai rai... khiến sâu cuốn lá, bệnh khô vằn, rầy... bùng phát. Đặc biệt khi lúa mùa tập trung trỗ thì thời tiết mưa, lạnh kéo dài liên tục hơn 10 ngày (từ ngày 1 đến ngày 12-10) khiến lúa rất khó phơi hoa, kết hạt. Đây là nguyên nhân gây ra bệnh lem lép hạt và tỷ lệ hạt lép vụ mùa năm 2013 lên tới trên 20% đối với trà lúa trỗ trong giai đoạn này, cao gần gấp đôi so với các vụ trước. Mưa liên tục khi lúa trỗ làm cho nông dân không thể "lách" thời tiết để phun trừ sâu đục thân, phun trừ hiệu quả không cao, ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất. Đặc biệt, 6.353ha bị nhiễm nặng bệnh bạc lá lúa cuối vụ, chiếm trên 8% tổng diện tích gieo cấy toàn tỉnh, làm giảm năng suất 30-70%, nhiều diện tích không được thu hoạch. Ngoài ra, còn nhiều khó khăn khác ở từng địa phương, từng thời điểm, từng loại giống... làm giảm năng suất lúa mùa. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng năng suất lúa mùa vẫn ước đạt trên 50 tạ/ha tương đương vụ mùa năm 2012.

Để có được kết quả trên trước hết là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, ngành NN và PTNT, các địa phương về đổi mới cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, bước đầu tạo cho nông dân tập quán canh tác 3 vụ trong năm với vụ đông hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp. Đây là thành quả của nhiều biện pháp chỉ đạo từ đẩy sớm vụ xuân hợp lý, gieo cấy vụ mùa sớm, đến sử dụng các giống lúa ngắn ngày để giải phóng đất sớm tạo quỹ đất và thời gian cho sản xuất cây vụ đông. Đặc biệt để mở rộng diện tích trà lúa mùa sớm, UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu mỗi địa phương ít nhất có 20% diện tích cấy lúa mùa sớm để gieo trồng cây vụ đông. Về giống, UBND tỉnh, ngành NN và PTNT đã "loại" các giống lúa có thời gian sinh trưởng dài (vụ xuân trên 130 ngày, vụ mùa trên 115 ngày), trừ lúa đặc sản. Cụ thể, trà mùa sớm toàn tỉnh phải đạt 25-30% diện tích, dùng các giống lúa có thời gian sinh trưởng 95-105 ngày như: NĐ5, QR1, N.ưu 69, TH3-3, Nam dương 99, CT16. Trà mùa trung gieo cấy 65-68% diện tích và sử dụng các giống: NĐ1, NĐ5, QR1, QR2, Thiên Trường 750, Nếp 87, Nếp 97, TX111, CNR02, BC15... Với giống BT7 do nhiễm nặng bệnh bạc lá trong nhiều vụ mùa nên vụ mùa 2013 Sở NN và PTNT tham mưu với UBND tỉnh không đưa vào cơ cấu gieo cấy nên diện tích cấy giống lúa BT7 thực tế trong vụ mùa này giảm một nửa so với các vụ mùa trước đó. Vụ mùa này về thời gian đã đẩy sớm lên 10-15 ngày so với các năm trước nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức sản xuất vụ đông. Toàn tỉnh đã có gần 17 nghìn ha lúa mùa (chiếm 21,5% tổng diện tích gieo cấy) trỗ trước ngày 5-9, cho thu hoạch trước ngày 5-10, đủ điều kiện cho gieo trồng cây vụ đông, kể cả các cây yêu cầu khắt khe về thời vụ như: đậu tương, ngô, bí, dưa chuột, cà chua... Nếu các địa phương đôn đốc tích cực thì diện tích cây vụ đông năm 2013 trong tỉnh sẽ đạt được 25 nghìn ha như kế hoạch, góp phần hình thành tập quán sản xuất 3 vụ trong năm, nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Một nguyên nhân thành công của vụ mùa năm nay là sự tích cực tìm kiếm, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Nhằm tăng hiệu quả, tăng thu nhập trong sản xuất lúa, đặc biệt tìm được các giống lúa mới với tiêu chí: năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với thời tiết, dịch hại..., bổ sung vào tập đoàn cơ cấu giống lúa và từng bước thay thế các giống đã thoái hóa, hằng năm Sở NN và PTNT đã đưa vào cấy khảo nghiệm, trình diễn 60-70 giống lúa mới để tuyển chọn. Vụ mùa năm nay, lực lượng khuyến nông đã cấy khảo nghiệm trên 40 giống lúa mới và gần chục giống đã qua khảo nghiệm nhiều năm xác định có triển vọng để cấy trình diễn. Từ cấy trình diễn Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã lựa chọn được 5 giống lúa thuần có chất lượng tương đương giống BT7, cấy được cả 2 vụ trong năm, năng suất cao, ít nhiễm sâu bệnh, nhất là bệnh bạc lá ở vụ mùa. Đó là các giống: TBR225, TBR288, TBR27, DQ11, DQ12. Qua cấy trình diễn với giống đối chứng là BT7 đã chứng minh cả 5 giống đều chống chịu các bệnh khô vằn, bạc lá tốt hơn so với giống BT7 trên cùng điều kiện thổ nhưỡng, cùng phương thức gieo cấy và cùng cách chăm sóc, năng suất vượt trội, thời gian sinh trưởng ngắn hơn BT7. Về năng suất vụ mùa, giống lúa TBR288 đạt 60 tạ/ha, cao hơn giống đối chứng 20%; giống lúa TBR27 đạt 63,3 tạ/ha, cao hơn giống đối chứng 27%; giống lúa TBR225 đạt 67,4 tạ/ha, cao hơn giống đối chứng 35%; giống DQ11 và DQ12 đều cho năng suất 60 tạ/ha, tăng hơn giống đối chứng 20%. Riêng 2 giống DQ11 và DQ12 thời gian sinh trưởng ngắn hơn BT7 khoảng 9-10 ngày, rất thích hợp cho chương trình sản xuất 2 vụ lúa và vụ đông, kể cả với các cây vụ đông ưa nhiệt. Ngoài ra, vụ mùa 2013 Sở NN và PTNT cùng các địa phương đưa vào cấy trình diễn diện rộng 500ha giống lúa BT7 kháng bạc lá do Viện Nghiên cứu lúa (Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội) chọn tạo cho kết quả tốt. Cũng ở vụ mùa này Sở NN và PTNT đã xây dựng 8 mô hình bón phân DAP tại 8 huyện để so sánh với cách bón phân đơn, bón phân hỗn hợp NPK đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách bón phân thông thường hiện nay, vì vừa giảm chi phí đầu vào, vừa tăng năng suất và giúp công tác quản lý phân bón.

Vụ mùa 2013 đã giành thắng lợi, tiếp tục khẳng định sự đúng đắn trong định hướng phát triển, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp tỉnh ta theo mục tiêu sản xuất nông nghiệp hàng hóa, năng suất cao, chất lượng tốt, ít rủi ro và luân canh 3 vụ trong năm./.

Tuấn Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com