Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp ở Nghĩa Thịnh

07:09, 07/09/2013

Để đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp theo hướng CNH-HĐH và nâng cao thu nhập của người dân, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) đã đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt sau 2 năm vận động và hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất điểm theo quy hoạch NTM, xã đã từng bước thay đổi tập quán canh tác cũ của nông dân, đồng thời xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới, an toàn, hiệu quả.

Cán bộ HTXDVNN Đại Thắng, xã Nghĩa Thịnh hướng dẫn xã viên kỹ thuật sử dụng phân bón, thuốc BVTV cho cây trồng trong vụ mùa 2013.
Cán bộ HTXDVNN Đại Thắng, xã Nghĩa Thịnh hướng dẫn xã viên kỹ thuật sử dụng phân bón, thuốc BVTV cho cây trồng trong vụ mùa 2013.

Xã có 614ha đất nông nghiệp, cốt đất cao thấp không đều nên không thuận lợi trong việc điều tiết nước phục vụ sản xuất. Để đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xã Nghĩa Thịnh đã thực hiện dồn điền, đổi thửa gắn với quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng và chỉnh trang đồng ruộng. Toàn bộ diện tích canh tác được xã quy hoạch thành 5 vùng sản xuất tập trung. Trong đó vùng đảm bảo an toàn lương thực có diện tích 281,79ha; vùng sản xuất lúa hàng hóa 28,3ha; vùng sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa 155ha; vùng nuôi trồng thủy sản và phát triển kinh tế trang trại trên 28ha. Xã đã mở rộng, nâng cấp trên 15km đường giao thông nội đồng; xây dựng hơn 2km kênh cấp III, là tiền đề quan trọng để Ban Nông nghiệp xã và các HTXDVNN hướng dẫn xã viên áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Nguồn quỹ khuyến nông đã được xã vận dụng tối đa để hỗ trợ phổ biến kiến thức, tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn; hỗ trợ trồng cây vụ đông trên đất 2 lúa; hỗ trợ khuyến khích nông dân mua máy móc để cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, các HTXDVNN còn hợp đồng với các Cty sản xuất giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV hướng dẫn quy trình canh tác, kỹ thuật chăm bón, phòng trừ sâu bệnh cho lúa và các loại cây trồng hỗ trợ nông dân trong việc cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm. HTXDVNN Đại Thắng đã hỗ trợ xã viên một số khâu dịch vụ nông nghiệp, cung ứng vật tư theo phương thức trả chậm không tính lãi để vận động xã viên tự nguyện thực hiện gieo sạ ở 100% diện tích gieo cấy của HTX. Với sự hỗ trợ kịp thời, đồng bộ về điều kiện sản xuất, lại được Phòng NN và PTNT huyện cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trực tiếp nên việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất ở xã Nghĩa Thịnh được tiến hành thuận lợi. Xã đã tổ chức sạ hàng trên 63% diện tích gieo cấy ở cả 2 vụ trong năm. Sau 2 năm làm quen với cách làm mới, đến nay nông dân trong xã đã từ bỏ phương pháp cấy lúa truyền thống. Ngay trong vụ xuân năm 2012, các hộ dân đã áp dụng thí điểm sản xuất lúa theo quy trình VietGAP. Theo đó nông dân đã liên kết sản xuất lúa trên diện tích lớn, thực hiện "3 cùng": cùng trà, cùng giống và cùng phương pháp canh tác; chịu sự quản lý sản xuất theo chuỗi bao gồm quản lý dịch hại tổng hợp, quản lý cây trồng tổng hợp để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản và đảm bảo an toàn môi trường xung quanh. Trên diện tích 100ha lúa sản xuất theo quy trình VietGAP, HTXDVNN Đại Thắng đã chọn giống lúa BT7, sử dụng phân bón, thuốc BVTV đồng nhất của các đơn vị sản xuất uy tín và áp dụng kỹ thuật canh tác theo mô hình sạ lúa hàng rộng, hàng hẹp và phát huy ưu thế của hiệu ứng hàng biên nên sâu bệnh gây hại thấp, cho năng suất, chất lượng cao hơn so với kỹ thuật thông thường. Do đó, ngoài việc giảm chi phí về công lao động, giống, phân bón, thuốc BVTV, năng suất lúa tăng gần 10 tạ/ha, lợi nhuận tăng thêm 12 triệu đồng/ha. Từ thành công ở HTXDVNN Đại Thắng, 3 HTXDVNN còn lại là Đại Hải, Đại Hưng và Đại Thành đã nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo quy trình VietGAP. Thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ và đẩy mạnh sản xuất vụ đông trên đất 2 vụ lúa, năm 2013, Ban Nông nghiệp xã đã khuyến khích các HTXDVNN xây dựng cơ cấu mùa, vụ thích hợp để bảo đảm đủ thời gian cho sản xuất vụ đông hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. HTXDVNN Đại Thắng là đơn vị đi đầu trong việc xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn 3 vụ trong năm theo quy trình VietGAP. HTX áp dụng công thức luân canh: Lúa xuân chất lượng cao BT7 + lúa mùa chất lượng cao BT7 hoặc RVT, TBR45 + đậu tương vụ đông. Sau khi thu hoạch xong lúa, băm rơm, rạ rồi cày lật đất vùi xuống mặt ruộng làm phân hữu cơ tăng độ phì nhiêu cho đất, vừa đẩy nhanh tiến độ xử lý ruộng, vừa bảo vệ môi trường vì không phải đốt rơm, rạ. Giống đậu tương chuẩn bị sẵn và tổ chức gieo hạt bằng máy. Ngay khi lúa mùa vào mẩy, nông dân đã làm bầu trồng bí xanh, bí đỏ và đưa ra ruộng khi cây giống đã bắt đầu vào giai đoạn sinh trưởng, để đón vụ đông sớm. Với cách làm này, vụ đông năm 2013, các hộ dân trong xã đăng ký trồng 83ha cây rau màu, tăng 70% so với vụ đông năm 2012.

Cùng với áp dụng kỹ thuật trong thâm canh lúa, xã Nghĩa Thịnh đã có nhiều mô hình mới được thí điểm thành công trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất giống cá và nuôi cá nước ngọt thương phẩm, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Năm 2012, thu nhập bình quân trên 1ha đất canh tác của xã đạt trên 90 triệu đồng. Ngoài hiệu quả kinh tế, việc đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào canh tác, trên địa bàn xã đã hình thành thị trường cung ứng các dịch vụ nông nghiệp với hàng chục cửa hàng chuyên kinh doanh vật tư nông nghiệp; 10 máy gặt đập liên hợp, 22 máy làm đất và 50 công cụ sạ hàng đáp ứng nhu cầu sản xuất của nông dân trong xã và các xã lân cận./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com