Trực Thanh khuyến khích phát triển đa ngành nghề

07:09, 12/09/2013

Xã Trực Thanh (Trực Ninh) có gần 6.000 khẩu, trong đó có gần 2.600 người trong độ tuổi lao động. Với bình quân ruộng đất thấp chỉ 1,5 sào/người nên phát triển ngành nghề là yêu cầu bức thiết để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Sản xuất gạch tuynel tại Cty CP Sản xuất VLXD Minh Trang, xã Trực Thanh.
Sản xuất gạch tuynel tại Cty CP Sản xuất VLXD Minh Trang, xã Trực Thanh.

Ngoài sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn xã có nghề đan cót truyền thống tại các thôn: Ngọc Đông, Duyên Lãng. Nghề đan cót truyền thống tuy không thể mở rộng nhưng vẫn tạo việc làm cho gần 300 lao động nông nhàn với mức thu nhập từ 50-70 nghìn đồng/người/ngày. Để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, UBND xã đã xây dựng đề án phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề và ban hành cơ chế hỗ trợ về đất đai; tạo điều kiện cho các hộ dân, các cơ sở sản xuất tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, xã tích cực vận động, tìm kiếm, đưa nghề mới về địa phương. Hằng năm, xã phối hợp với Trường Trung cấp nghề Nam Định tổ chức từ 3-5 lớp dạy  các nghề: cơ khí, mây tre đan, mộc, điện dân dụng cho hàng trăm lượt lao động nông thôn tham gia. Nhờ đó, ngoài nghề đan cót, người dân trong xã đã hình thành và phát triển thêm các nghề: mộc gia dụng, cơ khí, xây dựng dân dụng, sản xuất vật liệu xây dựng, chẻ tăm hương - làm hương xuất khẩu…, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho trên 800 lao động phi nông nghiệp và hàng trăm lao động thời vụ để nâng cao thu nhập. Năm 2009, anh Phạm Văn Oánh, xóm 12 đã chuyển từ đan cót sang làm tăm hương xuất khẩu sang Ấn Độ. Hiện nay, cơ sở sản xuất tăm hương của anh Oánh có tổng giá trị đầu tư gần 1 tỷ đồng, toàn bộ các khâu: chẻ lát, vót tăm, cắt, đánh bóng sản phẩm… đều được thực hiện bằng các loại máy chuyên dụng, tạo việc làm cho 52 lao động, trong đó có 22 lao động trực tiếp có thu nhập từ 100-120 nghìn đồng/người/ngày và 30 lao động nhận gia công tại nhà với mức thu nhập từ 70-80 nghìn đồng/người/ngày. Năm 2012, doanh thu từ sản xuất tăm hương tại cơ sở của anh Oánh đã đạt trên 2,5 tỷ đồng. Từ nguồn nguyên liệu tăm hương sản xuất tại địa phương, đầu năm 2013, anh Phạm Đình Độ cũng ở xóm 12 đã thành lập cơ sở sản xuất hương thơm, đầu tư hàng trăm triệu đồng mua 7 máy vê hương vừa xuất khẩu vừa tiêu thụ nội địa, tạo việc làm cho 20 lao động với thu nhập từ 2,7-3 triệu đồng/người/tháng... Bình quân hằng tháng cơ sở của anh Độ sản xuất được từ 10-12 tấn hương thành phẩm. Ngoài ra, trên địa bàn xã Trực Thanh còn có 10 cơ sở sản xuất mộc dân dụng, gia công cơ khí chuyên sản xuất hàng gia dụng, mỗi cơ sở đã tạo việc làm cho từ 3-5 lao động với thu nhập bình quân từ 3,5 triệu đồng/người/tháng trở lên. Trên vùng bãi sông Ninh Cơ của xã, Cty CP Sản xuất VLXD Minh Trang đã đầu tư trên 54 tỷ đồng xây dựng 1 dây chuyền sản xuất VLXD theo công nghệ lò tuynel, công suất thiết kế 12 triệu viên/năm trên tổng diện tích 3ha. Tháng 7-2013, Cty Minh Trang đã chính thức hoạt động, tạo việc làm cho trên 100 lao động chủ yếu là người địa phương. Trên địa bàn xã hiện có gần chục đội thợ xây dựng dân dụng, mỗi đội có từ 7-10 lao động ổn định, thợ chính có thu nhập từ 200 nghìn đồng/người/ngày công, thợ phụ cũng đạt mức thu nhập từ 130-150 nghìn đồng/người/ngày công. Nhờ sự năng động, nhạy bén của người dân kết hợp các chính sách khuyến khích kịp thời của địa phương nên ngoài sản xuất nông nghiệp, các ngành nghề phụ trên địa bàn xã Trực Thanh đã phát triển nhanh chóng. Tỷ lệ lao động nhàn rỗi, không có việc làm giảm. Cơ cấu kinh tế của xã đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành xây dựng - công nghiệp - dịch vụ. Ngoài lực lượng lao động trực tiếp tham gia sản xuất CN-TTCN, xã còn có gần 500 lao động nông nghiệp tận dụng thời gian nông nhàn làm các nghề phụ để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Phong trào cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế sinh vật cảnh cũng được gần 100 hộ ở các xóm tham gia, trong đó có một số hộ có kinh nghiệm và tay nghề cao đã có vườn cây cảnh trị giá từ 3-5 tỷ đồng như các ông: Ngô Bá Tỉnh (xóm 11), Nguyễn Ngọc Tặng (xóm 5).

Năm 2013, xã Trực Thanh phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 10% trở lên, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng - dịch vụ chiếm 50% cơ cấu kinh tế; nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 15 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5,1%. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, xã tiếp tục thực hiện các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ dân, cơ sở sản xuất và doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com