Tăng cường quản lý thị trường đông dược

08:09, 10/09/2013

Hiện nay, thị trường đông dược phát triển khá sôi động với hàng chục cửa hàng đầu mối tại các tuyến phố Hoàng Văn Thụ, Bắc Ninh và hệ thống nhà thuốc đông y trong các bệnh viện, trung tâm y tế, Hội Y học cổ truyền, nhà đông y gia truyền tư nhân. Ngoài ra, thuốc đông dược còn được bày bán ở các chợ cóc hoặc mua bán dấm dúi theo cách “truyền miệng" khiến không ít trường hợp gặp tai biến khi sử dụng các loại đông dược không bảo đảm chất lượng bán trôi nổi trên thị trường. Vì vậy vấn đề quản lý chất lượng và cung ứng đông dược cần được các ngành chức năng quan tâm để bảo vệ sức khoẻ người bệnh.  

Người dân trao đổi kinh nghiệm sử dụng và lựa chọn đông dược bán trên thị trường.
Người dân trao đổi kinh nghiệm sử dụng và lựa chọn đông dược bán trên thị trường.

Đặc tính của các loại cây dược liệu là khó trồng, tính thích nghi không cao nên chỉ phù hợp với một số vùng, miền. Bên cạnh đó, kỹ thuật chế biến, bảo quản khó và phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết nên số lượng cung ứng ra thị trường ít và có giá thành cao. Trên địa bàn tỉnh ta, hiện ở vùng đất bãi thuộc HTX Nhất Trí, xã Đại Thắng (Vụ Bản) có nghề trồng và chế biến đông dược với một số loại dược liệu như ngưu tất, đẳng sâm, hoa hòe, cát cánh… Do đó, 90% thuốc đông dược lưu thông trên thị trường có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, không được công bố chỉ tiêu chất lượng. Đặc biệt trên thị trường đã xuất hiện hiện tượng làm giả các loại dược liệu đắt tiền như: giả mạo vị thỏ ty tử bằng hạt chế từ xi măng, ô dược được thay bằng rễ sim, ý dĩ thay bằng hạt cao lương, giả hoài sơn bằng củ cọc, giả kim ngân hoa bằng hoa đu đủ, dùng đài cúc thay cho hồng hoa… Dược liệu đẳng sâm và câu kỷ tử còn bị dùng hóa chất để nhuộm màu cho đẹp mắt. Đối với những loại đông dược giả chỉ có người kinh doanh lâu năm mới phân biệt được, còn người tiêu dùng thì khó có thể nhận biết. Đáng lo hơn, là hầu hết đông dược khi đến tay người sử dụng đều được “tắm” diêm sinh để chống ẩm, mốc trong quá trình sản xuất, bảo quản. Bên cạnh đó, tình trạng trộn lẫn tân dược với đông dược trong các bài thuốc hoàn tán để đẩy nhanh tốc độ chữa trị cho người bệnh đang diễn ra khá phổ biến. Nhóm thuốc tân dược pha chế phổ biến dùng trong bài thuốc điều trị cảm cúm là Paracetamol, Aspirin; các bài thuốc trị bệnh khớp được trộn thêm thuốc chống viêm nhiễm, phù nề và thuốc giảm đau. Những “kỹ xảo” trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều trị bệnh bằng đông dược, gây ra các phản ứng phụ nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa, chức năng gan, thận của người bệnh. Cùng với những dược liệu cắt bốc theo đơn, trên thị trường đông dược còn xuất hiện dòng sản phẩm cao cấp như nấm linh chi, đông trùng hạ thảo, sâm Hàn Quốc và các chế phẩm được nhập khẩu từ Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Xinh-ga-po… với giá thành khá cao. Điều đáng nói là cùng một sản phẩm nhưng có đến 3-4 loại giống hệt nhau, giá thành ở mỗi cửa hàng lại khác nhau, có khi chênh đến vài trăm nghìn đồng. Trong vai một khách hàng cần bốc thuốc theo đơn, qua 5 nhà thuốc khác ở Thành phố Nam Định và các huyện Vụ Bản, Xuân Trường, tôi nhận được 5 mức giá khác nhau cho cùng một đơn thuốc, trong đó, cao nhất là 300 nghìn đồng và thấp nhất là 70 nghìn đồng. Điều này đã khiến người sử dụng thực sự hoang mang về chất lượng thuốc và giá thuốc. Trước thực trạng này, Thanh tra Sở Y tế, Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương) đã tổ chức thanh tra, kiểm tra diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Qua kiểm tra, các lực lượng chức năng đã chỉ ra các vi phạm thường gặp như: kho chứa dược liệu không đạt điều kiện vệ sinh, độ ẩm cao dễ gây mốc khiến dược liệu biến chất; cơ sở không xuất trình được hoá đơn, chứng từ và nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá; không thực hiện niêm yết giá thuốc theo quy định… Một số cơ sở tư nhân trên các phố Bắc Ninh, Hoàng Văn Thụ (TP Nam Định) chưa xuất trình đầy đủ hóa đơn nhập thuốc cũng như sổ nhập thuốc; không có khu bào chế riêng, thuốc để lẫn lộn và không ghi rõ tên thuốc... Lực lượng chức năng cũng đã phát hiện một số vị thuốc như: Phòng đảng sâm, ý dĩ, huyền sâm… có độ ẩm quá cao và nhiều vị thuốc khác có hiện tượng nhiễm khuẩn, không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Tại huyện Xuân Trường, lực lượng Quản lý thị trường còn phát hiện thực phẩm chức năng Thanh tâm tạng dược ương khoa do Cty Sinh vật Bác Lực, tổ 6, Thị trấn Đông Anh (Hà Nội) sản xuất và nhiều loại đông dược hoàn tán có xuất xứ từ Lào, Căm-pu-chia không đảm bảo chất lượng như đăng ký và quảng cáo sai sự thật, quá với chức năng và công dụng của sản phẩm, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt và các giấy tờ hợp lệ.

Để góp phần hạn chế những tồn tại trên thị trường đông dược, ngoài nỗ lực của ngành chức năng trong việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, điều kiện kinh doanh và kiểm soát chống gian lận thương mại trong sản xuất và kinh doanh, cần có cơ chế khuyến khích các địa phương xây dựng vùng chuyên canh sản xuất các loại dược liệu nhằm cung ứng dược liệu sạch, góp phần ổn định thị trường đông dược. Có cơ chế khuyến khích các nhà thuốc gia truyền phối hợp với các Cty dược trên địa bàn trong việc chuyển giao và sản xuất bài thuốc quý trên dây chuyền công nghiệp và áp dụng tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả điều trị và bảo đảm tính ổn định cho sản phẩm thuốc đông dược. Đặc biệt người tiêu dùng cần thận trọng khi sử dụng đông dược trôi nổi trên thị trường./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com