Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp may đầu tư về địa bàn nông thôn, góp phần tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế ưu đãi như: doanh nghiệp đầu tư vào CCN được hỗ trợ 50% vốn xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sau khi hết thời hạn miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định, còn được ngân sách tỉnh hỗ trợ 30% số tiền thuê đất thực nộp vào ngân sách Nhà nước trong bốn năm tiếp theo. Đối với doanh nghiệp di dời ra khỏi đô thị được miễn thuế hai năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, trong hai năm tiếp theo được giảm 20% số thuế phải nộp. Các doanh nghiệp đầu tư sản xuất ngoài CCN cũng được tỉnh hỗ trợ đào tạo lao động, làm đường giao thông đến chân hàng rào của doanh nghiệp và hỗ trợ quảng cáo sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương. Nhờ đó, những năm qua, nhiều doanh nghiệp may đã đầu tư phát triển hiệu quả trên địa bàn nông thôn.
Dây chuyền sản xuất của Nhà máy May Yên Tân (Ý Yên). |
Tổng Cty CP Dệt may Nam Định đã đầu tư xây dựng các nhà máy may công nghiệp tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn như: Cty CP May 1 đầu tư vào xã Trực Hưng (Trực Ninh), Cty CP May 2 đầu tư vào xã Yên Bình (Ý Yên); Cty CP May 3 đầu tư 3 nhà máy may công nghiệp tại các huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng. Ngoài nhà máy đã chính thức hoạt động tại xã Bình Minh (Nam Trực), Cty CP May 3 đang tiến hành xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy may tại xã Nghĩa Thịnh vào cuối năm 2013 và nhà máy may tại xã Nghĩa Minh vào đầu năm 2014. Cty CP May 4 đầu tư về các xã: Đại Thắng, Minh Tân (Vụ Bản) và Yên Lương (Ý Yên); Cty CP May 5 đầu tư về xã Yên Tân (Ý Yên)… Đến nay, ngoài nhà máy tại các xã Nghĩa Thịnh, Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng) đang hoàn tất quá trình xây dựng, các nhà máy khác đã chính thức đi vào hoạt động với quy mô từ 5-6 chuyền may (mỗi chuyền có từ 28-30 lao động). Năm 2011, Cty CP May 5 đã đầu tư trên 7 tỷ đồng xây dựng nhà máy may tại thôn Mai Thanh, xã Yên Tân. Nhà máy có quy mô gần 1.500m2 nhà xưởng, 5 chuyền may, 1 chuyền cắt và hoàn thành, tạo việc làm cho trên 220 lao động, chủ yếu là lao động địa phương với mức thu nhập từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Tháng 8-2013, Cty tiếp tục đầu tư 10 tỷ đồng xây dựng thêm 1 xưởng may quy mô 7-8 chuyền may, dự kiến đến cuối năm nay sẽ hoàn thành dự án và chính thức sản xuất, thu hút thêm từ 200-250 lao động. Đánh giá hiệu quả đầu tư của Cty CP May 5 đối với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, đồng chí Hà Xuân Tín, Chủ tịch UBND xã Yên Tân cho biết: Yên Tân là xã thuần nông, nên từ nhiều năm nay, lao động nông nhàn chủ yếu đi làm thuê ở nơi khác. Từ khi nhà máy may công nghiệp của Cty CP May 5 đi vào hoạt động, đã tạo việc làm, thu nhập cho trên 150 lao động của xã.
Thời gian qua, các nhà máy may trong các KCN ở Thành phố Nam Định với quy mô hàng chục nghìn công nhân phần lớn đều sử dụng lao động nông thôn, tạo sức ép lớn cho cả người lao động và doanh nghiệp về vấn đề nhà ở, điều kiện sinh hoạt văn hóa tinh thần, vấn đề đi lại. Trước thực trạng trên, những năm qua, xu hướng đầu tư phát triển các nhà máy may công nghiệp về địa bàn nông thôn đã được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh triển khai thực hiện. Cty CP May Nam Hải (TP Nam Định) mở cơ sở 2 tại xã Nam Hồng (Nam Trực) với tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ đồng, diện tích trên 400m2 nhà xưởng, gồm 2 chuyền may, mỗi tháng sản xuất trên 6.000 sản phẩm quần âu, quần bò xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Ca-na-đa. Cty CP Dệt may Vĩnh Giang, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) có trên 100 lao động với 60 máy may công nghiệp, 60 máy dệt dệt khăn cải tiến, trong đó có 30 máy tập trung tại xưởng và 30 máy làm tại nhà dân. Mỗi tháng Cty sản xuất được 450-500 nghìn sản phẩm khăn xuất khẩu. Cty CP May Sông Hồng sau thành công của dự án đầu tư 4 xưởng may 7, 8, 9, 10 với 32 chuyền may tại Thị trấn Xuân Trường, thu hút trên 2.300 lao động, Cty tiếp tục đầu tư trên 350 tỷ đồng xây dựng nhà máy may tại CCN xã Hải Phương (Hải Hậu) tạo việc làm cho trên 2.200 lao động… Năm 2012, Cty TNHH May T&C đã đầu tư trên 6 tỷ đồng xây dựng cơ sở sản xuất tại CCN Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) với quy mô 7 chuyền may, chuyên gia công các sản phẩm thời trang cho các thương hiệu nổi tiếng như: GAP, O’NEILL, CK, R&D… xuất sang các thị trường EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Mỗi tháng, Cty gia công trên 80 nghìn sản phẩm các loại, tạo việc làm cho trên 200 lao động, thu nhập bình quân gần 3 triệu đồng/người/tháng. Đầu năm 2013, Cty tiếp tục đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng nhà máy may công nghiệp tại xã Giao An (Giao Thủy), giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động địa phương với thu nhập từ 2,5 triệu đồng/người/tháng. Cty CP May thời trang Giao Thủy hiện có 17 chuyền may, với gần 1.000 lao động, mức thu nhập bình quân từ 2,7-3 triệu đồng/người/tháng, năm 2012 tổng doanh thu của Cty đạt trên 100 tỷ đồng… Để thu hút các doanh nghiệp may đầu tư mở rộng sản xuất về địa bàn nông thôn, các địa phương đã tạo điều kiện về thủ tục hành chính, quỹ đất và các cơ chế ưu đãi. Nhiều xã còn tín chấp với các tổ chức tín dụng, liên kết, phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động.
Việc phát triển công nghiệp may về địa bàn nông thôn vừa giảm gánh nặng xã hội cho các doanh nghiệp may vốn phải sử dụng nhiều lao động, người lao động được làm việc tại địa phương ổn định nơi ăn, chốn ở giảm chi phí sinh hoạt, đi lại, giảm nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thực hiện các tiêu chí NTM ở các địa phương./.
Bài và ảnh: Thành Trung