Phân bón là một trong những yếu tố quyết định cho sự đột phá về năng suất trong sản xuất lúa. Trước kia, ở tỉnh ta chỉ sử dụng phân hữu cơ bón cho lúa. Từ khi có cuộc “cách mạng xanh” với giống mới (giống lúa lai) đến nay, hệ thống tưới tiêu được cải thiện, cộng với nông dân đưa vào bón nhiều loại phân hoá học nên năng suất lúa đến nay đã vượt trội, thậm chí gấp 3-4 lần.
Nông dân xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) dùng phân NPK bón thúc cho lúa mùa. |
Theo thống kê của ngành NN và PTNT, đến nay toàn bộ diện tích gieo cấy lúa của tỉnh đều được bón phân vô cơ (sử dụng trong bón lót là chính). 80-85% diện tích gieo cấy lúa của tỉnh đã sử dụng phân bón đa dinh dưỡng NPK. Một số địa phương đã sử dụng phân NPK cho bón thúc nhưng không nhiều và chưa theo hướng dẫn của nhà sản xuất, chưa sử dụng các loại chuyên cho từng giai đoạn sinh trưởng của lúa. Mặc dù, trước khi vào vụ gieo cấy, Sở NN và PTNT đã hướng dẫn cách sử dụng phân bón và liều lượng cụ thể cho từng vụ, từng giống lúa, từng vùng trong các giai đoạn bón lót, bón thúc lần 1, bón thúc lần 2 và bón thêm đạm khi lúa trỗ mà thiếu dinh dưỡng để nuôi hạt, nhưng trên thực tế nhiều năm gần đây do nông dân quá lạm dụng phân vô cơ, ít dùng phân bón hữu cơ cho cây lúa. Hơn nữa việc tổ chức lại ngành chăn nuôi, tăng cường xử lý chất thải bằng bể biogas để tránh ô nhiễm môi trường; quy mô đàn vật nuôi giảm tới 50-60% nên nguồn phân chuồng bị hạn chế. Mặt khác, tại một số vùng sản xuất lúa kém hiệu quả nên việc tận dụng các nguồn phân khác (phân xanh, rác thải, rơm rạ…) để làm phân cũng ít được nông dân quan tâm khiến nguồn dinh dưỡng trong đất ngày càng nghèo nàn, thậm chí nhiều vùng đất bị chai cứng vì không có mùn. Những vụ gần đây, mặc dù được ngành NN và PTNT khuyến cáo nhưng chỉ có một số hộ ở một vài địa phương sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh, hữu cơ khoáng nhưng số lượng không đáng kể và không thường xuyên. Một lượng lớn rơm, rạ, các phụ phẩm khác từ nông nghiệp (thân cây ngô, vỏ trấu…) hiện nay đều đốt sau khi thu hoạch, vừa gây ô nhiễm môi trường vừa lãng phí nguyên liệu cải tạo đất. Nhiều năm nay, cơ cấu giống lúa của tỉnh đã chuyển dần từ gieo cấy lúa lai sang lúa thuần có chất lượng với tỷ lệ khá ổn định, chiếm 65-70% diện tích với các giống BT7, NĐ5, RVT…, hiệu quả kinh tế gấp khoảng 1,5 lần so với cấy giống lúa thường. Tuy nhiên, nhược điểm của các giống lúa chất lượng cao thường dễ bị nhiễm sâu bệnh, yếu cây, dễ đổ… Mặc dù qua nhiều năm tuyển chọn với tiêu chí lúa chất lượng, năng suất cao, chống chịu sâu bệnh khá nhưng ngoài các giống lúa nói trên thì một số giống lúa khác có triển vọng về chất lượng, năng suất cao vẫn cần phải cấy trình diễn, khảo nghiệm tiếp. Một trong các biện pháp kỹ thuật có thể áp dụng để khắc phục nhược điểm của giống là bón phân cân đối các chất đạm, lân, kali… Căn cứ vào thổ nhưỡng của từng vùng, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh khuyến cáo liều lượng phân vô cơ bón/1ha cấy lúa ở các huyện phía nam tỉnh là 110-120kg đạm + 90kg lân + 80-90kg kali và ở các huyện phía bắc tỉnh là 90-100kg đạm + 70-90kg lân + 50-70kg kali. Với liều lượng phân bón hợp lý vừa bảo đảm lúa cứng cây, chống chịu sâu bệnh và chống đổ tốt mà còn cho năng suất cao, chất lượng lúa, gạo ngon. Do đất ở vùng phía nam tỉnh hơi chua đến trung tính nên sử dụng lân supe, đất ở vùng phía bắc tỉnh tầng canh tác mỏng, độ pH thấp (chua) nên sử dụng phân lân nung chảy. Sau vài ba năm các địa phương phía nam nên xen kẽ 1 năm bón lân nung chảy, đồng đất phía bắc bón lân supe. Phương pháp bón phân cân đối như trên còn khắc phục được hiện tượng nông dân ở phía nam tỉnh, nhất là vùng đất nhiễm mặn ven biển, cửa sông sử dụng phân không cân đối, lạm dụng đạm với mức 14-15kg đạm/sào (tương đương 389-417kg đạm/ha) nhưng lại bón thiếu lân, thiếu kali khiến cây kém khả năng chống chịu, nên sâu bệnh hại thường nặng hơn so với các huyện phía bắc tỉnh. Việc bón đủ kali không những giúp cho cây lúa chống chịu bệnh, sâu, hạn, chống đổ tốt mà còn làm tăng mẫu mã hạt thóc, gạo, tăng chất lượng gạo và tăng tỷ lệ gạo nguyên hạt khi xay xát. Theo đồng chí Lê Như Kiểu, Viện Thổ nhưỡng Nông hoá (Bộ NN và PTNT), ngoài các chất đa lượng (đạm, lân, kali) còn ít nhất 13 chất trung, vi lượng rất cần thiết cho cây trồng như canxi, magiê, silic, lưu huỳnh, đồng, bo, kẽm… hiện chưa được bổ sung vào cơ cấu nguồn chất chăm sóc cho cây trồng. Tuy chỉ cần một lượng nhỏ các chất trung, vi lượng nhưng rất quan trọng trong việc bảo đảm năng suất và chất lượng cây trồng. Hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp các chất trung, vi lượng chủ yếu dựa vào nguồn phân hữu cơ nhưng việc bón phân hữu cơ lại đang giảm dẫn đến làm giảm năng suất, chất lượng cây trồng. Trong những vụ tới, để cải tạo đất, bổ sung chất trung, vi lượng cho cây trồng, các địa phương trong tỉnh cần hướng dẫn nông dân tận dụng nguồn rơm, rạ sau thu hoạch để cày vùi, gặt lửng cày vặn rạ, nhất là dùng máy gặt thái nhỏ rơm, rạ rải đều ra ruộng, đồng thời tận dụng các loại phân chuồng, phân xanh, trấu, các phụ phẩm nông nghiệp ủ để bón lót cho ruộng cùng các loại phân vô cơ NPK theo chỉ đạo của ngành NN và PTNT.
Để nâng cao năng suất, chất lượng, hạn chế sâu bệnh, chống đổ tạo hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất lúa, bón phân là một trong những giải pháp quan trọng cần được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo bảo đảm yêu cầu bón phân cân đối, đủ lượng, đúng thời điểm, trong đó tận dụng tối đa lượng phân chuồng, phân xanh, sử dụng có hiệu quả phân vi sinh theo hướng dẫn của ngành NN và PTNT. Về lâu dài, Bộ NN và PTNT cần nghiên cứu cụ thể các chất trung, vi lượng cần cho cây lúa nói riêng và cây trồng nói chung để chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất phân vô cơ hỗn hợp bổ sung vào thành phần phân bón vô cơ, đáp ứng nhu cầu của từng loại cây trồng cho phù hợp, nhằm khắc phục tình trạng thiếu phân chuồng trong canh tác nông nghiệp hiện nay./.
Bài và ảnh: Tất Thắc