Những nông dân có chí làm giàu

08:09, 28/09/2013

Từ những người nông dân “chân lấm tay bùn”, không quản khó khăn, vượt lên chính mình với những bí quyết làm giàu, họ đã trở thành những ông chủ trang trại quy mô lớn và những “doanh nhân nông dân” sản xuất, kinh doanh giỏi ngay trên mảnh đất quê hương.

Anh Nguyễn Hữu Trung, nông dân điển hình sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh ở xóm 8, xã Tân Thành (Vụ Bản). Sinh năm 1972 trong một gia đình thuần nông, cuộc sống quanh năm trông chờ vào cây lúa và vài sào rau màu. Kinh tế gia đình khó khăn nên anh phải nghỉ học giữa chừng, phụ giúp bố mẹ chế biến đỗ xanh, vừng, lạc. Những năm tháng gắn bó với nghề này đã cho anh kinh nghiệm, kiến thức để xây dựng cơ sở chế biến nông sản với quy mô rộng, thiết bị hiện đại như ngày nay. Trong câu chuyện với chúng tôi, anh cho biết, đầu năm 1990, anh đã mạnh dạn vay vốn qua kênh của HND xã và anh em, bạn bè đầu tư máy móc, thiết bị để mở rộng sản xuất. Được sự giúp đỡ của chính quyền xã, anh đã đấu thầu trên 2.000m2 đất thùng đào, ao đấu gần đê sông Ninh Cơ. Năm 2004, anh chính thức thành lập “Cơ sở sản xuất chế biến nông sản Việt Trung” với sản phẩm chính là đỗ xanh, lạc, vừng, gạo nếp. Sản phẩm của cơ sở ngày càng được ưa chuộng trên thị trường. Bình quân mỗi năm cơ sở của anh chế biến từ 200-300 tấn sản phẩm nguyên liệu, tạo việc làm thường xuyên cho 60 lao động với thu nhập trung bình từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Vào vụ sản xuất chính giáp tết, số lao động thời vụ lên đến 200 người. Đến nay, cơ sở của anh đã mở rộng quy mô với 5 quầy hàng giới thiệu sản phẩm và 1 kho hàng nằm ở khu vực đường 10 (TP Nam Định) với quy mô trên 5.000m2. Sản phẩm của cơ sở đã được biết đến ở khắp các tỉnh miền núi phía Bắc, khu vực Nam đồng bằng sông Hồng, doanh thu hằng năm của cơ sở đạt từ 3-4 tỷ đồng, lãi ròng đạt 500-800 triệu đồng/năm. Năm 2013, để nâng cao chất lượng sản phẩm, anh vay trên 10 tỷ đồng đầu tư dàn dây chuyền chế biến đỗ xanh do Hà Lan sản xuất. Đây là 1 trong 4 dàn máy chế biến đỗ xanh hiện đại nhất khu vực miền Bắc. Dây chuyền góp phần làm giảm công đoạn sản xuất, chất lượng đảm bảo sạch, đẹp. Với những thành tích đạt được, năm 2013, anh là 1 trong 2 đại biểu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh được đi dự Hội nghị biểu dương hộ sản xuất, kinh doanh giỏi do Trung ương HND Việt Nam tổ chức tại Hà Nội và đề nghị tặng danh hiệu “Doanh nhân nông dân”.

Dây chuyền chế biến nông sản của gia đình anh Nguyễn Hữu Trung, xóm 8, xã Tân Thành (Vụ Bản).
Dây chuyền chế biến nông sản của gia đình anh Nguyễn Hữu Trung, xóm 8, xã Tân Thành (Vụ Bản).

Đến thăm trang trại chăn nuôi lợn của gia đình anh Nguyễn Văn Toán, xã Xuân Thượng (Xuân Trường) khi anh đang chuẩn bị xuất chuồng lứa lợn thứ 12 trong năm. Lứa này có 150 con, bình quân mỗi con gần 80kg. Anh Toán cho biết, trước đây gia đình anh mở cửa hàng đại lý thức ăn chăn nuôi. Qua quá trình kinh doanh, dần tích lũy được nhiều kinh nghiệm, năm 2005 anh đã đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn với quy mô 20 con lợn nái và 100 con lợn thịt. Sau đó đàn lợn tăng lên 100 con lợn nái và trên 1.000 con lợn thịt. Mỗi năm, trang trại của gia đình anh xuất bán từ 15-17 đợt, mỗi đợt từ 200 con lợn thịt, trọng lượng 18-19 tấn, doanh thu đạt 12-14 tỷ đồng/năm. Đây là mô hình đầu tiên trong tỉnh áp dụng công nghệ mới trong chăn nuôi như: chuồng trại khép kín (có điều hòa, quạt thông gió để làm mát khí hậu trong chuồng), máng ăn, nước uống đều tự động…, vừa tiết kiệm được nhân lực, vừa giảm được chi phí, thức ăn không bị rơi vãi, hao hụt, đảm bảo vệ sinh môi trường, giúp giảm được một số bệnh đường ruột cho vật nuôi. Đây là 1 trong 2 mô hình trang trại chăn nuôi đầu tiên của tỉnh được cấp chứng nhận chăn nuôi an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, anh đã đầu tư xây dựng thêm một trang trại tại xã Xuân Thủy (Xuân Trường) với quy mô trên 1ha với 60 con lợn nái và 500 con lợn thịt.

Ông Trần Hồng Kỳ, xã Minh Tân (Vụ Bản), trước đây là kỹ sư cơ khí nhưng ông lại “có duyên” với nghiệp chăn nuôi. Sau một thời gian làm đại lý thức ăn chăn nuôi cho Cty CP Thức ăn chăn nuôi CP Việt Nam, năm 2005, ông Kỳ đã đấu thầu trên 1ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả để đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà đẻ với quy mô trên 12.500 con, mỗi năm cung ứng ra thị trường trên 3 triệu quả trứng. Đến năm 2010, ông đầu tư thêm 1 dãy chuồng trại nâng tổng quy mô 25 nghìn con, cung ứng ra thị trường 7-8 triệu quả trứng/năm. Theo ông Kỳ, nhờ áp dụng các quy trình, công nghệ tiên tiến vào chăn nuôi nên trang trại của gia đình liên tục thu được lợi nhuận cao, doanh thu hằng năm từ 7-10 tỷ đồng. Đặc biệt từ khi xây dựng trang trại đến nay, chưa năm nào đàn gà của gia đình ông bị dịch bệnh. Năm 2012, trang trại chăn nuôi gà đẻ của ông Trần Hồng Kỳ cũng là 1 trong 2 trang trại đầu tiên của tỉnh được cấp chứng nhận chăn nuôi an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Thực tế cho thấy, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã hội tụ và phát huy được các nguồn lực về đất đai, lao động, nguồn vốn để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi thực sự là những nông dân năng động, kịp thời nắm bắt thông tin thị trường, mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn./.

Bài và ảnh: Thanh Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com