Nghĩa Hưng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa

09:09, 16/09/2013

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, những năm qua huyện Nghĩa Hưng đã tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi khá hoàn chỉnh; chủ động cơ cấu lại mùa vụ; tích cực nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; triển khai nhiều chương trình, dự án thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng ổn định về diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền nông nghiệp địa phương.

Vùng nuôi thủy sản tập trung Cồn Xanh, xã Nam Điền.
Vùng nuôi thủy sản tập trung Cồn Xanh, xã Nam Điền.

Để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, huyện đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo các vùng tập trung như: vùng sản xuất lúa hàng hóa, vùng sản xuất cây vụ đông, vùng phát triển kinh tế trang trại tổng hợp... Trong quá trình xây dựng quy hoạch, các xã, thị trấn đều tạo điều kiện cho nhân dân phát huy tính dân chủ, tham gia đóng góp ý kiến, bàn bạc, do vậy chất lượng quy hoạch sản xuất nông nghiệp đạt khá, nhân dân đồng tình cao. Ngay sau khi hoàn thành quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện triển khai công tác dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) đất nông nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân tích tụ ruộng đất và tổ chức sản xuất tập trung với quy mô lớn; chỉnh trang đồng ruộng, tạo thuận lợi cho việc thực hiện cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Công tác chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp cũng được huyện quan tâm đầu tư, từ khâu quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất lúa hàng hoá, con nuôi thuỷ đặc sản chất lượng cao đến quy hoạch phát triển chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư… Huyện tập trung chỉ đạo thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, phát triển nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) 3 vụ/năm, mở rộng diện tích cây vụ đông trên đất 2 lúa nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân. Điển hình ở các xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Bình, Nghĩa Phong, Nghĩa Minh, Nghĩa Sơn, Nghĩa Lợi, Nghĩa Tân, Nghĩa Phú và Thị trấn Quỹ Nhất. Đến nay, tốc độ cơ giới hóa các khâu sản xuất của huyện đều đạt khá so với mặt bằng của tỉnh, như: làm đất đạt 100%, năng lực gieo sạ lúa bằng công cụ sạ hàng đạt trên 20% tổng diện tích gieo cấy, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp đạt 35,8% diện tích (trong khi toàn tỉnh 10,3%). Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật với những tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất thâm canh nên năng suất lúa bình quân của huyện đạt cao. Năm 2012, thu nhập bình quân trên 1ha đất canh tác của huyện đạt 97 triệu đồng. Chăn nuôi của huyện cũng phát triển ổn định theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô trang trại, gia trại thay cho chăn nuôi nhỏ lẻ. Các hộ chăn nuôi tập trung nuôi lợn, gia cầm, trâu, bò. Hiện nay, đàn trâu, bò của huyện có 2.431 con, đàn lợn 81.303 con, đàn gia cầm 976.400 con, sản lượng lợn hơi xuất chuồng đạt 13.486 tấn. Huyện đã chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đảm bảo an toàn dịch bệnh, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển ổn định. Giá trị sản lượng ngành chăn nuôi năm 2012 đạt 862 tỷ đồng. Xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn trong nông nghiệp những năm qua, huyện đã tập trung phát triển sản xuất thâm canh các con nuôi có giá trị kinh tế cao như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, cá bống bớp, ngao, cá song, cá vược... Để nghề nuôi thủy sản của huyện đạt kết quả cao và ổn định, huyện đã đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất giống thủy sản phục vụ cho nhu cầu sản xuất tại địa phương. Toàn huyện có 10 trại sản xuất giống thủy sản, trong đó có 3 trại sản xuất giống nước ngọt và 7 trại sản xuất giống mặn lợ, hằng năm đã đáp ứng được gần 80% nhu cầu con giống trên địa bàn huyện. Các cơ sở dịch vụ con giống, thức ăn thủy sản, thú y thủy sản trên địa bàn đáp ứng yêu cầu của sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các dự án đầu tư khai thác, phát triển tiềm năng kinh tế biển của Trung ương và của tỉnh triển khai trên địa bàn huyện cũng hỗ trợ tích cực cho sự phát triển kinh tế thuỷ sản của huyện như các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng Đông Nam Điền, Cồn Xanh... đã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân mở rộng diện tích nuôi trồng và thâm canh các con nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện từng vùng. Hệ thống giao thông, thủy lợi ở các khu vực nuôi trồng thủy sản được nâng cấp, tạo thuận lợi phát triển sản xuất. Năm 2012, diện tích nuôi thủy sản của huyện đạt 2.840ha; tổng sản lượng nuôi thủy sản đạt 24.785 tấn. Hiện nay, toàn huyện có 423 phương tiện khai thác thủy sản, công suất từ 20-300CV. Các tàu, thuyền khai thác thủy, hải sản đều được tổ chức thành các tổ, đội; được trang bị đầy đủ phương tiện thông tin liên lạc, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và đảm bảo an ninh, an toàn trên biển. Năm 2012, tổng giá trị sản xuất thủy sản đạt 941,297 tỷ đồng. Để bảo vệ đời sống và sản xuất, huyện Nghĩa Hưng chú trọng nhiệm vụ trồng mới và bảo vệ rừng. Hiện nay, diện tích rừng phòng hộ ven biển của huyện đạt 1.671,23ha, trong đó có 1.551,23ha rừng ngập mặn và 120ha rừng phi lao, có vai trò quan trọng trong việc phòng hộ các tuyến đê biển xung yếu khi bão, lũ xảy ra. Việc bảo vệ và phát triển diện tích rừng phòng hộ đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thủy sản bền vững trên địa bàn huyện. Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế trang trại, gia trại giai đoạn 2011-2015, huyện đã xây dựng các cơ chế, chính sách về đất đai, khoa học công nghệ, đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, vay vốn ưu đãi để tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích nhân dân phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Đến nay, toàn huyện có 300 trang trại, chủ yếu là trang trại nuôi thủy sản và chăn nuôi, trong đó có 42 trang trại đạt tiêu chí mới của Bộ NN và PTNT. Có 960 gia trại, chủ yếu là chăn nuôi, nuôi thủy sản và trồng trọt. Điển hình như mô hình trang trại chăn nuôi của ông Trần Văn Triển, xã Nghĩa Thành có giá trị sản xuất hàng hóa mỗi năm đạt trên 7 tỷ đồng; hộ ông Đỗ Đức Việm, xã Hoàng Nam có giá trị sản xuất hàng hóa một năm trên 5,2 tỷ đồng; trang trại của ông Nguyễn Đức Nam, Thị trấn Rạng Đông có giá trị sản xuất hàng hóa đạt trên 1,5 tỷ đồng/năm.

Phát huy những thành quả đạt được, thời gian tới huyện Nghĩa Hưng tiếp tục chỉ đạo tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Thực hiện xây dựng mô hình CĐML và cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất nông nghiệp. Mở rộng tối đa sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa, phấn đấu đạt 20% diện tích trở lên; nâng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm. Tiếp tục chuyển đổi hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình sang chăn nuôi tập trung theo quy hoạch, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Đầu tư kinh phí xây dựng các cơ sở sản xuất giống thủy sản trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu sản xuất tại địa phương, đảm bảo an toàn dịch bệnh, gắn sản xuất với tiêu thụ, đặc biệt là chế biến tại chỗ để ngành Thủy sản phát triển ổn định, bền vững. Tăng cường tiếp nhận khảo nghiệm, đưa các tiến bộ kỹ thuật mới vào trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, qua đó lựa chọn và chuyển giao nhanh các giống cây, con có giá trị kinh tế, năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất. Nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật có hiệu quả kinh tế cao ra sản xuất đại trà. Tổ chức xây dựng các mô hình sản xuất lương thực, thực phẩm an toàn theo quy trình VietGAP đáp ứng yêu cầu của thị trường. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX mở rộng các loại hình dịch vụ, nhất là dịch vụ tiêu thụ nông sản và mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng. Tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhằm thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com