Dự án Nâng cấp đô thị là dự án lớn nhất từ nguồn vốn Ngân hàng Thế giới (WB) được thực hiện tại tỉnh ta trong thời gian 10 năm (2004-2014) với số tiền 37,1 triệu USD (tại thời điểm ký kết Hiệp định) và 1,03 triệu USD của Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua WB. Đến nay, dự án đang tiếp tục được thực hiện, đáp ứng mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Đường trục phường Lộc Vượng thuộc Dự án Nâng cấp đô thị Nam Định được mở rộng với mặt đường hơn 7m, vỉa hè hơn 3m góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân trong khu dân cư. |
Nhằm nâng cao năng lực quản lý dự án, thời gian qua, Ban Quản lý dự án (BQLDA) đã tập trung xây dựng và nâng cao năng lực quản lý của các bên tham gia dự án. Đội ngũ cán bộ BQLDA, các phường, các đoàn thể, Ban giám sát cộng đồng, các nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát, các phòng, ban của thành phố được tham gia các khoá đào tạo, tập huấn các nghiệp vụ quản lý dự án, đấu thầu, quản lý tài chính, tài chính kế toán, sử dụng các phần mềm kế toán, giám sát và đánh giá...; các kỹ năng tuyên truyền, lập kế hoạch, giám sát thi công, giám sát môi trường, vận hành và quản lý các công trình sau nâng cấp… Ngoài ra, BQLDA và Hội LHPN thành phố cũng được hỗ trợ kỹ thuật gia tăng năng lực để quản lý hiệu quả dự án và Quỹ quay vòng vốn. Đến nay, BQLDA đã đầu tư 9 gói thiết bị dành cho công tác xây dựng năng lực được triển khai từ năm 2004 với tổng mức đầu tư 4 tỷ 600 triệu đồng, bao gồm 1 gói thiết bị phục vụ quản lý về tài chính cho Ban quản lý Quỹ quay vòng vốn của Hội Phụ nữ; các gói thiết bị văn phòng cho các cơ quan chuyên môn, UBND các phường, xã của thành phố. Bên cạnh đó, BQLDA cũng triển khai tập huấn nâng cao năng lực cho các đơn vị liên quan. Đến nay, BQLDA đã tổ chức 175 buổi họp tuyên truyền trực tiếp về dự án với 116 nghìn người tham gia; tổ chức 328 buổi phát thanh tuyên truyền gián tiếp cho 235 nghìn đối tượng, phát hơn 900 tờ rơi với nội dung tập trung về nâng cao nhận thức hiểu biết của người dân địa phương, đặc biệt là những đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ dự án. BQLDA cũng triển khai 5 khoá đào tạo tin học, tiếng Anh cho cán bộ BQLDA và các cộng tác viên ở các phường. Để phát huy hiệu quả dự án, trong chương trình truyền thông từ giai đoạn I (2004-2009), BQLDA đã tổ chức 7 khoá đào tạo cho chính quyền địa phương và cộng đồng các kỹ năng, nghiệp vụ lập kế hoạch, kỹ năng truyền thông, thực hiện tái định cư, quản lý môi trường, công tác giám sát thi công, chương trình quay vòng vốn của Hội Phụ nữ; 2 khoá đào tạo cho 346 lượt người của các Cty công ích và phòng, ban liên quan; 7 khoá đào tạo cho 373 lượt người của chính quyền địa phương và cộng đồng về vận hành, bảo dưỡng công trình. Giai đoạn II (từ năm 2009 đến nay), BQLDA tiếp tục tổ chức 2 khoá đào tạo 375 lượt người tham dự về vận hành bảo dưỡng công trình, 400 cuộc họp cộng đồng tập trung nâng cao nhận thức về vệ sinh môi trường, 7 khoá đào tạo nghiệp vụ trong đầu tư xây dựng trong các lĩnh vực: Quản lý dự án, định giá xây dựng, đấu thầu mua sắm, giám sát thi công, đánh giá dự án đầu tư cho các đơn vị liên quan. Nhờ được vận động, tuyên truyền và tham gia chương trình xây dựng năng lực, đã tạo dựng được thói quen, thay đổi hành vi giữ gìn vệ sinh môi trường và bảo vệ các công trình hạ tầng trong cộng đồng, hướng tới xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững. Đã có 16 sáng kiến bảo vệ môi trường được tài trợ thực hiện theo các chủ đề: vệ sinh môi trường, quản lý rác thải; vận hành bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng cấp III, vệ sinh cá nhân và vệ sinh trường học, cây xanh làm đẹp không gian. Đến nay, BQLDA Thành phố Nam Định có đủ khả năng đảm nhận quản lý và thực hiện những dự án ODA đa ngành phức tạp. Qua tham gia Dự án Nâng cấp đô thị, Hội LHPN thành phố có thể đảm nhận Quỹ quay vòng vốn cải tạo điều kiện nhà ở hay bất kỳ quỹ tín dụng nào với quy mô tương tự một cách chuyên nghiệp. Với sự trợ giúp về trang thiết bị văn phòng chuyên dụng và phần mềm tin học quản lý hồ sơ nhà đất, Phòng TN và MT và Văn phòng Đăng ký và thông tin nhà đất có đủ khả năng quản lý hệ thống hồ sơ nhà đất một cách khoa học, thuận tiện cho việc tìm kiếm, lưu trữ, xử lý thông tin liên quan đến nhà đất và giảm thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 55 ngày xuống còn 20 ngày. Ban giám sát cộng đồng được thành lập tại cấp phường. Mỗi phường có một ban giám sát cộng đồng gồm từ 5 đến 9 người là những đại diện của khu vực, của tổ dân phố do nhân dân trong khu vực bầu ra để tham gia giám sát công tác nâng cấp, tham gia nghiệm thu kỹ thuật từng giai đoạn thi công. Tiến độ hoàn thành các hạng mục đều vượt cam kết từ 3 đến 6 tháng, góp phần tiết kiệm được chi phí dự phòng trượt giá. Đến nay, đã có 3 phường (Vỵ Xuyên, Trần Tế Xương, Nguyễn Du) xây dựng được quy chế quản lý, vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật và quy ước sử dụng thiết chế nhà văn hoá. Các phường khác đang triển khai họp dân để thống nhất xây dựng quy chế, quy ước lập kế hoạch vận hành và bảo dưỡng, đồng thời xây dựng kế hoạch huy động đóng góp ngân sách để mọi người cùng tham gia và tổ chức thực hiện.
Với những kết quả trên, Dự án Nâng cấp đô thị Nam Định do WB tài trợ đã góp phần giúp tỉnh ta thực hiện nhiệm vụ xoá đói, giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống, nhất là hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư thu nhập thấp và nâng cao nhận thức của cộng đồng thông qua các dự án cải tạo cơ sở hạ tầng, từng bước xây dựng Thành phố Nam Định trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng./.
Bài và ảnh: Đức Toàn