Khởi sắc nghề dệt truyền thống làng Quả Linh

08:09, 17/09/2013

Làng Quả Linh, xã Thành Lợi (Vụ Bản) có nghề dệt truyền thống với lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm. Ông Nguyễn Văn Vọng, 70 tuổi, nguyên là chủ nhiệm HTX Dệt Lợi Thành cho biết: Cùng với sản xuất nông nghiệp, dệt là nghề “cha truyền con nối”, đã gắn bó với nhiều thế hệ người dân làng Quả Linh. Không ai biết chính xác về thời điểm người làng Quả Linh bắt đầu làm nghề dệt; chỉ biết rằng cứ ba năm 1 lần, trong lễ hội truyền thống của làng đều tổ chức phần thi dệt vải. Sau một thời gian dài trầm lắng do mất thị trường tiêu thụ truyền thống, nghề dệt ở Quả Linh bắt đầu phục hồi do một số người làng Quả Linh đi làm ăn xa ở các tỉnh phía Nam đã tìm được thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm vải xô, gạc… của làng nghề. Để khuyến khích các hộ dân khôi phục và phát triển nghề dệt truyền thống, cùng với việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, Đảng uỷ, UBND xã đã quy hoạch hơn 4ha đất công tại cánh đồng Dọc Sâu để tạo mặt bằng thu hút các hộ dân sản xuất trong xã đầu tư xây dựng nhà xưởng.

Sản xuất các loại băng, gạc y tế tại Cty TNHH Thương mại Yến Hoàng, làng Quả Linh.   Bài và ảnh: Thành Trung
Sản xuất các loại băng, gạc y tế tại Cty TNHH Thương mại Yến Hoàng, làng Quả Linh.

Hiện tại, doanh nghiệp tư nhân Dệt Lợi Thành đã được xã cho thuê hơn 8.000m2 đất để xây dựng nhà xưởng. Ngoài ra, xã khuyến khích các hộ dân phát triển sản xuất bằng cách “cho mượn” mặt bằng, cơ sở vật chất cũ của HTX Dệt Lợi Thành. Xã và các tổ chức đoàn thể tín chấp với các Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng Công thương giúp các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, từ các nguồn kinh phí hỗ trợ như: Quỹ Khuyến công, Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xã đã phối hợp với các ngành chức năng mở 5 lớp dạy nghề dệt cho hơn 300 lao động địa phương. Nhờ đó, nghề dệt truyền thống của làng Quả Linh đã từng bước có sự khởi sắc. Hiện nay, làng Quả Linh có trên 300 máy dệt, 25 máy may công nghiệp, 3 doanh nghiệp là: Doanh nghiệp tư nhân Dệt Lợi Thành, Cty TNHH Thương mại Yến Hoàng, Cty TNHH Dệt may Hải Trung và 4-5 cơ sở sản xuất cung cấp nguyên liệu và nhận bao tiêu sản phẩm cho gần 100 hộ dân gia công sản phẩm vải màn. Sản phẩm của làng nghề cũng từng bước được đa dạng theo nhu cầu của thị trường như: vải màn (đơn và kẻ ô vuông), băng, gạc y tế. Nghề dệt truyền thống được khôi phục đã tạo việc làm cho hơn 400 lao động với mức thu nhập bình quân từ 2-2,5 triệu đồng/người/tháng. Được sự hỗ trợ của xã, doanh nghiệp tư nhân Dệt Lợi Thành đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng rộng trên 1.500m2, với 150 máy dệt, tạo việc làm cho 60 lao động với mức thu nhập bình quân 80-100 nghìn đồng/người/ngày. Mỗi tháng bình quân doanh nghiệp xuất bán hơn 100 nghìn mét vải màn cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Được xã tạo điều kiện cho thuê lại mặt bằng trong khuôn viên HTX dệt cũ, ông Vũ Duy Chỉnh đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng cải tạo nhà xưởng, mua và cải tiến 36 máy dệt, thành lập Cty TNHH Thương mại Yến Hoàng chuyên sản xuất các sản phẩm băng, gạc y tế, chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2013, mỗi tháng sản xuất trên 100 nghìn mét sản phẩm, tạo việc làm, thu nhập cho 20 lao động thường xuyên và gần 100 lao động nhận gia công (gấp gạc, cuốn băng) tại gia đình. Theo ước tính của UBND xã, tổng doanh thu của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng dệt truyền thống Quả Linh đạt gần 40 tỷ đồng/năm. Năm 2012, làng dệt Quả Linh đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống theo các tiêu chí của Bộ NN và PTNT.

Tuy nhiên hiện nay công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng dệt Quả Linh vẫn còn lạc hậu, sản phẩm đơn điệu, thị trường nhỏ hẹp. Phần lớn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa đủ năng lực để đầu tư nhà xưởng, thiết bị đồng bộ, hiện đại để đa dạng và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Để phát triển nghề dệt truyền thống theo hướng bền vững, ngoài sự quan tâm của Đảng uỷ, UBND xã, rất cần sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện về vốn, công nghệ của các ngành, các cấp./.

Bài và ảnh: Thành Trung
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com