Xã Nam Thắng (Nam Trực) có 160ha đất bãi ven sông Hồng. Nhằm khai thác tiềm năng vùng đất bãi, những năm qua, xã đã đưa nhiều cây trồng mới như: cây cỏ Nhật, cây kê… vào trồng. Cây cỏ Nhật dùng cho trang trí, hiện đang được nông dân trong xã mở rộng diện tích vì cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác. Đến nay, toàn xã có trên 15ha với 110 hộ chuyên canh cây cỏ Nhật, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương. Anh Lâm Văn Tiu ở xóm 2 trồng 0,8ha cây cỏ Nhật cho biết: Cây cỏ Nhật không phải chăm sóc nhiều vì không bị sâu bệnh, chỉ cần giữ ẩm thường xuyên. Khi cỏ lên dày thì cắt thành từng ô, khi thu hoạch thì dùng thuổng xúc cỏ thành từng phên, cuộn cỏ lại gọn gàng, mỗi năm có thể thu hoạch 3 vụ, cho thu lãi từ 180-200 triệu đồng/ha. Cây cỏ Nhật ở Nam Thắng được tiêu thụ rộng rãi ở thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương... góp phần làm đẹp cho các cơ quan, đơn vị, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí... Bên cạnh việc phát triển những cây trồng mới, xã vẫn duy trì ổn định nghề trồng dâu, nuôi tằm truyền thống với 70ha diện tích đất bãi trồng dâu xen với cây ngô. Xã khuyến khích các hộ dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật từ khâu chọn lựa giống dâu, giống tằm và sử dụng đồng nhất một loại dâu tằm, phân bón, thuốc BVTV, thuốc thú y trong chuỗi sản xuất để tạo hiệu quả kinh tế cao. Là địa phương có vùng đất bãi trồng màu lớn và trình độ thâm canh cao, xã Trực Chính (Trực Ninh) đã xây dựng phương án chuyển đổi hình thức canh tác, đưa các giống cây trồng mới vào thâm canh để nâng cao thu nhập cho nông dân. Những cánh đồng màu của xã Trực Chính luôn đem lại nguồn thu ổn định cao gấp 3 lần so với cấy lúa. Để thực hiện luân canh, tăng vụ, mở rộng diện tích trồng cây màu vụ xuân, hè thu và vụ đông, xã ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông, thủy lợi, khuyến khích cơ giới hóa nông nghiệp. Những diện tích trồng ngô, lạc năng suất thấp, nông dân đã chuyển sang trồng ngô lai VN99; giống lạc Sán Dầu 30, Sán Dầu 207, L18… cho chất lượng, năng suất cao, sản phẩm tiêu thụ thuận tiện... Ngoài ra, HTXDVNN Trực Chính còn liên kết với Trung tâm Giống cây trồng Nam Định sản xuất khoai tây giống Đức, Hà Lan cho thu nhập 2-3 triệu đồng/sào. Những năm gần đây, xã tiếp tục thực hiện luân canh theo công thức trồng ngô, lạc vụ xuân + lúa mùa và trồng khoai tây, rau màu vụ đông. Với công thức luân canh 3 vụ bền vững, giá trị thu nhập bình quân trên 1ha đất canh tác của Trực Chính đã đạt trên 100 triệu đồng/năm. Cùng với phát triển trồng trọt, hiện ở khu vực chuyển đổi sản xuất ngoài đê Trực Chính đã hình thành hàng chục trang trại, gia trại chăn nuôi và nuôi thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhiều hộ nông dân.
Một trang trại tổng hợp tại vùng đất bãi xã Yên Nhân (Ý Yên). |
Trên địa bàn tỉnh có 28 bối, với tổng diện tích tự nhiên 5.226ha, trong đó diện tích đất canh tác ngoài bãi 3.326ha. Với lợi thế về đất đai màu mỡ, một số địa phương có vùng đất bãi đã có nhiều cách làm hiệu quả, khai thác được tiềm năng đất đai, đem lại thu nhập cao cho nông dân. Những năm qua, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở các vùng đất bãi phát triển mạnh, đã hình thành những khu vực chuyên canh hàng hóa lớn, thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia, từng bước hình thành thị trường hàng hóa tại chỗ như vùng cây cảnh, cây thế ở xã Điền Xá (Nam Trực); vùng sản xuất rau ở các xã Tân Thành, Thành Lợi (Vụ Bản); vùng trồng hoa ở xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc)... Đối với những diện tích đất bãi ngoài bối, nông dân đã chủ động bố trí trồng sớm để đảm bảo thu hoạch trước mùa lũ bằng các cây rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày, năng suất và giá trị kinh tế cao như: ngô, đậu tương, lạc, mía, dâu tằm, các loại cây ăn quả, cây dược liệu… Do có nguồn thức ăn xanh như bãi cỏ, phụ phẩm nông nghiệp và nguồn thức ăn tinh phong phú như ngô, lạc, đậu tương…, cùng với điều kiện về bãi chăn thả nên chăn nuôi gia súc vùng đất bãi có nhiều lợi thế để phát triển. Chăn nuôi trâu, bò đang trở thành “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế của nhiều hộ nông dân vùng bãi. Tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh đạt 45 nghìn con, tập trung chủ yếu ở các xã ven đê thuộc huyện: Ý Yên, Vụ Bản, Nghĩa Hưng, Nam Trực. Hiện nay, chăn nuôi lợn, gà, vịt, ngan tại các địa phương vùng đất bãi đang có xu hướng phát triển theo hình thức trang trại, gia trại tổng hợp tại các xã: Yên Nhân, Yên Trị (Ý Yên), Tân Khánh (Vụ Bản), Nghĩa An (Nam Trực)... Diện tích nuôi thủy sản theo mô hình trang trại, gia trại tổng hợp được nông dân chú trọng mở rộng. Ngoài các giống cá nước ngọt thông thường, nông dân đã tập trung nuôi các giống cá lóc bông, rô phi đơn tính… cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức sản xuất, khai thác tiềm năng vùng đất bãi trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn cần sớm được giải quyết như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi diễn ra không đồng đều giữa các vùng, địa phương; hiệu quả sử dụng đất bãi còn chưa tương xứng với tiềm năng. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất còn thiếu, đời sống nông dân còn nhiều khó khăn, đặc biệt hệ thống thủy lợi chưa được quan tâm đầu tư; chất lượng, khối lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường; khâu tiêu thụ, phân phối sản phẩm tổ chức chưa tốt làm giảm hiệu quả sản xuất. Sự kết hợp giữa người sản xuất và nhà phân phối, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ, chưa có hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Để tiếp tục khai thác tiềm năng vùng đất bãi ven sông, các cấp, các ngành và các địa phương cần có các chương trình, dự án sản xuất thích hợp theo mô hình trang trại, gia trại tổng hợp, trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả đặc sản, trồng cỏ chăn nuôi; thực hiện xây dựng các vùng sản xuất rau an toàn, hàng hóa tập trung, xây dựng các điểm nông nghiệp phục vụ du lịch sinh thái. Những vùng có điều kiện về thị trường, kinh nghiệm sản xuất cần đầu tư phát triển trồng các cây có giá trị và hiệu quả kinh tế cao như cây dược liệu, rau sạch… Trong chăn nuôi, cần xác định vật nuôi chủ lực là bò thịt, vì thế cần cải tạo đàn bò theo hướng Sind hóa. Đầu tư củng cố hệ thống đê, cải thiện hệ thống thuỷ lợi để bảo đảm an toàn cho sản xuất cũng như công tác PCLB./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh