Hiệu quả từ vùng chuyển đổi ở Yên Hưng

09:09, 24/09/2013

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác, những năm qua, nhiều hộ nông dân xã Yên Hưng (Ý Yên) đã mạnh dạn đầu tư cải tạo vùng đất trũng, phát triển kinh tế trang trại, gia trại cho hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trang trại tổng hợp của anh Nguyễn Đình Dưỡng, xóm 4, xã Yên Hưng, mỗi năm cho thu lãi trên 150 triệu đồng.
Mô hình trang trại tổng hợp của anh Nguyễn Đình Dưỡng, xóm 4, xã Yên Hưng, mỗi năm cho thu lãi trên 150 triệu đồng.

Xã Yên Hưng có hơn 444ha đất nông nghiệp, trong đó có một phần diện tích đất ven sông Đáy chỉ cấy được một vụ lúa xuân. Sau dồn điền, đổi thửa, Đảng ủy, UBND xã đã quy hoạch chuyển đổi 120ha diện tích đất trũng cấy lúa kém hiệu quả và diện tích đất thùng đào, thùng đấu ven sông sang phát triển kinh tế theo mô hình trang trại, gia trại tổng hợp và mô hình lúa - cá. Hiện nay, toàn xã có 84 hộ tham gia phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại và mô hình lúa - cá tại vùng chuyển đổi. Nhiều hộ đã áp dụng mô hình nuôi thủy sản kết hợp nuôi gia súc, gia cầm, trồng các loại cây. Trong diện tích chuyển đổi, các giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế, dễ tiêu thụ được đưa vào sản xuất như: cá rô phi đơn tính, cá lăng, các loại cá truyền thống; cam đường Canh, thanh long ruột đỏ, sen… Trang trại của anh Nguyễn Đình Dưỡng, xóm 4 là một trong những trang trại quy mô lớn nhất với diện tích 3ha. Anh Dưỡng cho biết: Với 3 ao có tổng diện tích mặt nước 0,7ha, anh nuôi thả các giống cá trắm, trôi, chép, mè… Mỗi năm gia đình anh xuất bán trên 4 tấn cá thương phẩm, cho thu lãi trên 70 triệu đồng. Anh còn nuôi 15 con lợn nái, 3.000 con vịt, trên 300 con gà chọi, kết hợp tận dụng diện tích bờ ao trồng cây cảnh, chuối và một số loại cây ăn quả… Ước tính mỗi năm thu nhập từ mô hình sản xuất của gia đình anh đạt trên 150 triệu đồng. Chúng tôi đến gia trại của gia đình ông Trần Thanh Tuấn ở xóm 2 đúng vào lúc ông đang bận rộn với việc chăm sóc cho những cây cam đường Canh. Một khu gia trại được xây dựng, bố trí khoa học giữa vườn cam và các ao nuôi thuỷ sản. Để có được cơ ngơi như hiện nay, ngay sau khi xã có chủ trương khuyến khích chuyển đổi sản xuất, gia đình ông đã đầu tư 300 triệu đồng thuê máy xúc đào ao, cải tạo vườn. Qua đài, báo ông được biết Viện Giống cây trồng Trung ương có nhiều loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, năm 2010, ông lên Viện Giống cây trồng Trung ương mua 500 cây cam đường Canh giống và học kỹ thuật chăm sóc. Gần 2 năm chăm sóc với bao công ươm ghép, kích thích chồi lộc cho ra hoa, đậu quả, công sức của gia đình ông đã hiện hữu bằng một vườn cam trĩu quả. Ngay vụ thu hoạch đầu tiên, ông đã thu được hơn 1 tấn quả, với giá bán bình quân tại vườn 50 nghìn đồng/kg và hàng chục gốc cam cảnh bán cho người dân chơi trong dịp Tết, thu lãi 50 triệu đồng. Theo ông Tuấn, cam đường Canh là một loại đặc sản có hương vị thơm và vị ngọt thanh rất đặc trưng. Hiện nay, vườn cam đường Canh của gia đình ông đã phát triển lên tới 1.200 gốc. Từ hiệu quả của mô hình trồng cam của gia đình ông, có gần chục hộ ở vùng chuyển đổi cũng tiến hành cải tạo vườn để trồng cam. Không chỉ “độc canh” cây cam, ông Tuấn còn mạnh dạn đào ao nuôi cá nước ngọt. Với diện tích hơn 2.000m2 mặt nước nuôi cá, mỗi năm ông thu lãi 30-40 triệu đồng. Từ thành công của mô hình cam đường Canh kết hợp nuôi cá, năm vừa qua ông Tuấn lại nhận thầu hơn 2ha ở vùng chuyển đổi của xã để đào ao, mở rộng quy mô nuôi thủy sản nhằm tăng thêm thu nhập. Đến nay, hầu hết các hộ tham gia phát triển sản xuất ở vùng chuyển đổi xã Yên Hưng đều phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại và đạt được hiệu quả; nhiều mô hình sản xuất lúa - cá cho thu nhập gấp chục lần so với cấy 2 vụ lúa hiện đang được bà con nông dân nhân rộng. Thu nhập bình quân từ vùng chuyển đổi của xã đạt 50-80 triệu đồng/ha/năm, tạo việc làm cho trên 200 lao động địa phương, góp phần tạo sự chuyển biến mới trong sản xuất nông nghiệp của địa phương. Đặc biệt các trang trại, gia trại đều xa khu dân cư, bảo đảm vệ sinh môi trường, là điều kiện thuận lợi để kiểm soát vệ sinh thú y, phòng, chống dịch bệnh. Hiện nay, phong trào nuôi thủy sản tại vùng chuyển đổi của xã phát triển mạnh. Tổng diện tích nuôi thủy sản đến nay đạt 21ha. Đầu năm 2013, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I (Bộ NN và PTNT) đã phối hợp với Sở NN và PTNT, Phòng NN và PTNT huyện Ý Yên thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực nuôi trồng thủy sản và thương mại đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và phát triển bền vững vùng sản xuất thủy sản ở quy mô nông hộ” tại xã Yên Hưng. Sau khi khảo sát đánh giá hiện trạng, 4 hộ tại vùng chuyển đổi đã được chọn thực hiện 4 mô hình, gồm: “Mô hình nuôi chuyên canh cá rô phi”; “Mô hình nuôi ghép lấy cá rô phi làm đối tượng chính và một số loại cá truyền thống như cá chép, cá trắm cỏ”; “Mô hình nuôi một số đối tượng đặc sản có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá trắm đen, cá hô”; “Mô hình ương và lưu cá giống rô phi, chép lai và các loại cá có giá trị kinh tế qua đông”. Các hộ nông dân và cán bộ quản lý nuôi trồng thủy sản tại địa phương đã được tập huấn chuyển giao công nghệ nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung an toàn và được tham quan các mô hình nuôi tiên tiến tại huyện Hải Hậu và huyện Tứ Kỳ (Hải Dương). Mục tiêu của Dự án là phát triển nghề nuôi thủy sản tại xã Yên Hưng thành vùng sản xuất tập trung tạo sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao.

Để khai thác hiệu quả hơn nữa vùng chuyển đổi và phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm của người nông dân, thời gian tới Đảng ủy, UBND xã Yên Hưng tiếp tục phát triển kinh tế trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung, khép kín theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp; phát triển đa dạng các đối tượng cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và nâng cao thu nhập cho nông dân trong xã./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com