Hiệu quả sau dồn điền, đổi thửa ở Hợp Hưng

08:09, 09/09/2013

Hợp Hưng là xã thuộc vùng trũng của huyện Vụ Bản nên sản xuất nông nghiệp, nhất là canh tác lúa gặp nhiều khó khăn. Trước khi thực hiện dồn điền, đổi thửa (DĐĐT), bình quân toàn xã còn 3,8 thửa/hộ; diện tích đất công và đất quy hoạch để phát triển hạ tầng chưa tập trung; hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng chưa thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Xây dựng các ao nuôi ba ba thương phẩm tại trang trại của ông Lương Minh Cường, khu chuyển đổi Thành Gang, xã Hợp Hưng.
Xây dựng các ao nuôi ba ba thương phẩm tại trang trại của ông Lương Minh Cường, khu chuyển đổi Thành Gang, xã Hợp Hưng.

Để giải quyết tình trạng ruộng đất manh mún và phân tán, tạo thuận lợi để đưa cơ giới hoá vào sản xuất, tăng giá trị thu nhập trong sản xuất nông nghiệp, Đảng uỷ, UBND xã Hợp Hưng đã tập trung chỉ đạo thực hiện công tác DĐĐT. Ngay sau khi cấy xong lúa vụ mùa năm 2012, toàn bộ 14 thôn trong xã đã tổ chức khảo sát thực địa, xây dựng phương án dồn, đổi, tổ chức lấy ý kiến nhân dân… Ban Chỉ đạo DĐĐT xã đã tổ chức hội nghị dân, quân, chính để thống nhất kế hoạch thực hiện công tác DĐĐT; thành lập các tiểu ban tuyên truyền, số liệu và hành động của xã cùng với 14 tiểu ban DĐĐT của 14 thôn. Để tạo thuận lợi cho DĐĐT, xã triển khai xây dựng hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng. Xã đã huy động 14 máy xúc và hàng nghìn ngày công để làm mới gần 3,8km đường giao thông nội đồng, với tổng khối lượng đào đắp gần 12,5 nghìn m3; tổ chức tu sửa, ấp trúc gần 45,3km đường nhánh nội đồng với tổng khối lượng đào đắp gần 107,5 nghìn m3; hoàn thiện trên 62,1km hệ thống thuỷ lợi nội đồng, với tổng khối lượng đào đắp trên 73,4 nghìn m3. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng của xã 2,3 tỷ đồng. Nhân dân trong xã đã tự nguyện đóng góp 290 nghìn m2 đất để tạo quỹ đất mở rộng đường giao thông, thuỷ lợi nội đồng. Sau khi hoàn thành hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, Ban Chỉ đạo DĐĐT xã đã chỉ đạo các tiểu ban tổ chức nghiệm thu, khảo sát thực địa diện tích ruộng, xây dựng và thống nhất phương án chi tiết và tổ chức giao ruộng thực địa cho nhân dân. Đến tháng 1-2013, công tác DĐĐT của xã Hợp Hưng đã cơ bản hoàn thành, số thửa bình quân toàn xã còn 2,79 thửa/hộ (trong đó có 1 thửa mạ), giảm 1,01 thửa/hộ so với trước khi DĐĐT; diện tích mảnh lớn nhất là 7.740m2 ở thôn Thám Hòa. Đánh giá về hiệu quả DĐĐT, đồng chí Triệu Huy Đậu, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: "Qua thực hiện DĐĐT, xã đã cải tạo, nâng cấp được hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng tương đối đồng bộ. Diện tích đất công được quy hoạch gọn vùng, tạo điều kiện để quy hoạch các vùng sản xuất tập trung theo yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa, từng bước cơ giới hoá các khâu sản xuất góp phần giải phóng sức lao động, thúc đẩy cơ cấu kinh tế của địa phương chuyển dịch theo hướng tích cực. Nhờ tập trung gọn vùng diện tích đất công xã có quỹ đất xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở như: trường mầm non; tiểu học; 2 khu chôn lấp rác thải, mỗi khu rộng trên 5.000m2 tại thôn Đồng Nguyên và Khả Chính; khu đất dịch vụ 8.000m2". Năm 2013, căn cứ vào quy hoạch vùng sản xuất, Ban Nông nghiệp xã đã xây dựng cơ cấu giống lúa theo tỷ lệ lúa thuần 70%, lúa lai 30% diện tích. Giống lúa thuần tập trung vào các giống chất lượng cao như: Bắc Thơm số 7, BC15; lúa lai tập trung vào giống Nhị ưu 838 và thực hiện cấy cùng một loại giống ở mỗi vùng quy hoạch. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được áp dụng vào thực tế sản xuất, khâu làm đất đã được cơ giới hóa 100%, khâu thu hoạch cũng đã được cơ giới hóa trên 50%. Vụ xuân năm 2013, năng suất lúa bình quân toàn xã đạt 62 tạ/ha, tăng trên 1 tạ/ha so với vụ xuân năm 2012 và là vụ có năng suất cao nhất từ trước đến nay. Ngoài ra, xã còn quy hoạch 10ha để làm khu chuyển đổi tập trung tại cánh đồng Thành Gang. Toàn xã có 2 trang trại, 20 gia trại chăn nuôi tổng hợp với tổng diện tích gần 30ha, trong đó có 1 trang trại, 7 gia trại có diện tích từ 1-2ha, đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm/trang trại, gia trại. Tiêu biểu như trang trại, gia trại của các ông: Mai Văn Thạo, Mai Công Chính, Vũ Đình Út ở thôn Lập Vũ; Trịnh Văn Lợi, thôn An Thứ; Nguyễn Trọng Tuệ, Phạm Văn Linh, thôn Tiên Chưởng; Triệu Đình Hợi, thôn Vụ Nữ… Ngoài ra còn có 1 trang trại nuôi ba ba rộng 8ha đang trong quá trình xây dựng tại khu chuyển đổi của ông Lương Minh Cường với tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng. Ông Cường cho biết, trang trại ba ba có tổng diện tích khu ao sản xuất trên 2,3ha, khu ao nuôi giống bố, mẹ có diện tích trên 4.000m2, khu ao điều hòa rộng 1ha, khu nuôi lợn 5.600m2… và các công trình phụ trợ, chuyên sản xuất ba ba giống, ba ba thương phẩm.

Phát huy hiệu quả sau DĐĐT, năm 2013, xã Hợp Hưng phấn đấu nâng giá trị thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích lên trên 80 triệu đồng/ha/năm, tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt trên 7.000 tấn, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân yên tâm ổn định đầu tư phát triển sản xuất lâu dài./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com