Giải thưởng của những nỗ lực thoát nghèo

08:09, 27/09/2013

Chúng tôi vừa có dịp gặp gỡ 5 “triệu phú nhà nông” đại diện cho những thanh niên nông thôn tiêu biểu trong tỉnh vinh dự được nhận Giải thưởng Lương Định Của lần thứ 8 của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Không đầu hàng trước khó khăn, năng động, dám nghĩ, dám làm, họ đang chứng minh cho sức mạnh của tuổi trẻ với quyết tâm “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.

Các anh Mai Thanh Tùng, Nguyễn Văn Thành, Bùi Văn Hải, Nguyễn Đức Huân (từ trái sang phải) nhận Giải thưởng Lương Định Của lần thứ 8 tháng 9-2013 tại Thành phố Vinh (Nghệ An). Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Các anh Mai Thanh Tùng, Nguyễn Văn Thành, Bùi Văn Hải, Nguyễn Đức Huân (từ trái sang phải) nhận Giải thưởng Lương Định Của lần thứ 8 tháng 9-2013 tại Thành phố Vinh (Nghệ An). Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Nguyễn Đức Huân, xã Yên Phong, Bùi Văn Hải, xã Yên Tiến (Ý Yên); Nguyễn Văn Thành, xã Hải Chính (Hải Hậu); Hoàng Xuân Nguyên, xã Xuân Hoà (Xuân Trường); Mai Thanh Tùng, xã Nghĩa An (Nam Trực) có chung xuất phát điểm kinh tế thấp và khát khao làm giàu, đổi đời. Khát khao và trách nhiệm thôi thúc buộc những con người trẻ tuổi phải có hành động cụ thể. Vì “miếng cơm manh áo” của gia đình không phải chuyện đùa, vì thanh niên “sức dài vai rộng” không thể cứ mãi chịu cảnh nghèo khó(!). Năm 2010, trên diện tích đất đấu thầu của xã Yên Phong khi đó hãy còn là đồng trắng nước trong, cỏ năn, cỏ lác mọc đầy, anh Nguyễn Đức Huân bàn với gia đình nhận đất đào ao nuôi cá. Trên diện tích 1,1ha anh Huân đào 5 ao, trong đó 2 ao thả cá giống, 3 ao thả các loại cá thịt như trắm, chép lai, trôi, mè… Hằng năm anh thu hoạch từ 3 đến 4 tấn cá thịt. Trên bờ anh trồng khoảng 400 gốc chuối tiêu và chuối goòng (chuối tây), bạch đàn dọc bờ ao, xây 6 chuồng trại nuôi 40 con lợn, gần 500 con gà, vịt… Lợi nhuận từ chăn nuôi, anh góp vốn cùng anh vợ mở thêm xưởng cơ khí làm hàng nhôm kính. “Quả ngọt” ngày hôm nay của anh Huân được đổi bằng mồ hôi, công sức của hai vợ chồng với những nhọc nhằn sớm hôm, cả những cái “lắc đầu ngán ngẩm” của một số người khi cho rằng vợ chồng anh “gàn dở” mới thuê nhiều đất hoang hóa để khởi nghiệp. Hoàng Xuân Nguyên cũng nhận được không ít sự nghi ngại của nhiều người dân xã Xuân Hòa khi mở xưởng cơ khí. Bởi thời điểm năm 2010, cả xã Xuân Hòa chưa có xưởng cơ khí, mà Nguyên lại muốn “đã làm phải hoành tráng” tổng hợp các sản phẩm cơ khí nhôm, sắt, thép, inox... Học xong lớp 9, Nguyên không thi vào THPT như các bạn cùng trang lứa. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, Nguyên xác định phải đi học nghề để nhanh kiếm tiền giúp đỡ bố mẹ. Hai năm miệt mài học nghề hàn sắt cho Nguyên vốn kiến thức kha khá về nghề hàn. Ra trường không xin được việc làm, Nguyên về nhà đi chạy máy vò lúa, nhưng chỉ đến mùa mới có việc. Xin vào một số xưởng đóng tàu ở huyện làm được vài năm lại khó khăn, anh “xoay” sang gò, sơn ô tô. Nguyên chia sẻ: “Trong cái rủi có cái may, công việc bấp bênh lúc đó, cũng là thời điểm tôi học được rất nhiều kiến thức có ích cho việc kinh doanh sau này. Nghề cơ khí đòi hỏi tính cẩn thận, tỉ mỉ cao. Sau này khi mở xưởng, sản phẩm của tôi đều đặt tiêu chuẩn cẩn thận, chắc chắn đến từng chi tiết lên hàng đầu nên đã tạo được uy tín với khách hàng”. Với 100m2 nhà xưởng, 15 công nhân làm ổn định với mức lương từ 3,5-4,5 triệu đồng/người/tháng, Nguyên đã “đánh tan” những nghi ngại ban đầu của nhiều người dân trong xã. Chỉ với 20 triệu đồng vốn vay ban đầu, Nguyên đang có một cơ sở cơ khí lớn nhất xã, đơn đặt hàng làm không xuể. Ngoài khách hàng ở huyện Xuân Trường, Nguyên còn nhận được những đơn đặt hàng của khách ở các huyện lân cận. Anh Bùi Văn Hải hiện là giám đốc Cty TNHH Nam Hải chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu ở xã Yên Tiến (Ý Yên). Diện tích xưởng sản xuất 6.000m2, tạo việc làm thường xuyên cho 150 lao động và 2.000 lao động vệ tinh. Trong đó, có 130 thanh niên có mức lương ổn định từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Hằng năm, Cty đạt tổng doanh thu 35 tỷ đồng, với mức lợi nhuận 5 tỷ đồng/năm… Thu nhập bình quân lao động từ 2,5-6 triệu đồng/người/tháng. Trước khi trở thành giám đốc, con đường dẫn đến thành công của anh Hải cũng lắm gian nan. Nghề gia truyền chuyên làm đồ mỹ nghệ với những mâm, quả dùng cho đám cưới từ đời ông, đời bố anh chỉ đủ lo “ngày hai bữa ăn” cho gia đình. Quyết tâm “bứt” lên làm giàu, năm 2004, anh Hải gom góp vốn liếng, vay thêm anh em, họ hàng, bạn bè mở xưởng sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ. Vừa là ông chủ, anh vừa trực tiếp đứng máy chính cùng với 9 công nhân ngày đêm tìm kiếm những mẫu mã mới, đưa thêm máy móc vào sản xuất nhằm hạn chế sức người, tăng năng suất. Hiện anh Hải nhận được đơn đặt hàng từ nhiều nước trên thế giới, chủ yếu là các nước khối EU và khu vực Đông Nam Á. Cũng với ý chí làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, Nguyễn Văn Thành, xóm Sơn Đông, xã Hải Chính (Hải Hậu) đã  đầu tư xây dựng mô hình trồng nấm Linh chi, mộc nhĩ trên diện tích 2.000m2, đem lại hiệu quả kinh tế cao với doanh thu trên 1 tỷ đồng/vụ. Sau khi học xong phổ thông cũng như bao thanh niên địa phương khác, anh Thành cũng chỉ biết nghề “truyền thống” của địa phương là làm muối và đánh bắt thuỷ sản. Anh biết đến nghề trồng nấm trong thời gian tại ngũ khi về nhà một người bạn ở Hải Phòng thấy gia đình trồng nấm Linh chi. Xuất ngũ về quê, anh Thành cùng với người anh trai là Nguyễn Văn Nguyên đi học hỏi thêm kỹ thuật trồng nấm Linh chi và mộc nhĩ tại các mô hình thành công ở Hải Phòng, Hưng Yên, Đồng Nai, tìm hiểu thêm thị trường tiêu thụ. Tháng 4-2011, hai anh em quyết định đầu tư trồng nấm Linh chi và mộc nhĩ. Anh Thành chia sẻ: “Tôi vào nghề với nhiều khó khăn về vốn, để mở lán trại, tôi phải đi vay. Thời điểm đó, với số tiền vay tới 800 triệu đồng, nếu mô hình thất bại, có lẽ chỉ còn nước phải… bỏ trốn khỏi quê hương”. Ý tưởng và tâm huyết của anh đã được chính quyền địa phương quan tâm nâng đỡ kịp thời, xã Hải Chính tạo điều kiện cho anh thuê 2.000m2 tại khu trường mầm non cũ. Nhờ nắm vững và áp dụng đúng quy trình sản xuất nấm từ khâu chọn, pha chế nguyên liệu, đến khâu hấp sấy thanh trùng trước và trong khi cấy giống cho đến khâu chăm sóc, đến nay 3 vạn phôi nấm Linh chi và 4 vạn phôi mộc nhĩ của cơ sở nấm Nguyên Thành đang phát triển rất khả quan. Hiện, cơ sở đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho 3 Cty chuyên thu mua, chế biến nấm Linh chi tại Hải Phòng, Hà Nội và Hưng Yên… Anh Thành tự tin khẳng định: “Trừ chi phí, vụ nấm này chúng tôi sẽ thu lãi trên 1 tỷ đồng là điều hoàn toàn có thể”. Cơ sở đang tạo việc làm cho 22 lao động, chủ yếu là nhân dân địa phương với mức thu nhập từ 2-3 triệu đồng/người/tháng. Năm 2010 với mặt bằng sẵn có, anh Mai Thanh Tùng mở xưởng sản xuất “Trang phục đấu kiếm thể thao” tại nhà. Đến nay xưởng sản xuất của anh tạo việc làm thường xuyên cho 20 công nhân với mức thu nhập 2,5 triệu đồng/người/tháng. Có tiền lãi từ xưởng may, cộng thêm đam mê VAC, năm 2012 anh Tùng đầu tư xây dựng mô hình nuôi chim bồ câu công nghiệp, kết hợp trồng các loại cây cảnh như xi, sanh, phong lan, hải đường. Mỗi năm, anh có thêm nguồn thu vài chục triệu đồng từ chim bồ câu và cây cảnh.

Trên con đường làm giàu, những triệu phú, tỷ phú nông dân trẻ chưa hết khó khăn, nhưng với sự chăm chỉ, quyết tâm, nghị lực, có thể tin tưởng họ sẽ thành công. Các anh không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương có thu nhập, ổn định cuộc sống. Họ, góp phần hình thành nên một thế hệ thanh niên NTM năng động, đóng góp tích cực, hiệu quả vào quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com