Công tác khuyến nông, khuyến ngư ở Trực Ninh

08:09, 14/09/2013

Với vai trò là cầu nối chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp đến bà con nông dân, những năm qua, Trạm Khuyến nông huyện Trực Ninh đã chủ động phối hợp với các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới cho nông dân. Nhiều mô hình hiệu quả đã được nông dân trong huyện nhiệt tình hưởng ứng áp dụng và nhân rộng, góp phần đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế, tăng giá trị thu nhập cho nông dân.

Tham quan mô hình thâm canh lúa cao sản tại HTXDVNN Trực Hải, xã Liêm Hải. Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Tham quan mô hình thâm canh lúa cao sản tại HTXDVNN Trực Hải, xã Liêm Hải. Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Trong 8 tháng đầu năm 2013, Trạm Khuyến nông huyện đã phối hợp với Ban Nông nghiệp, HTXDVNN các xã, thị trấn tổ chức 10 lớp tập huấn về kỹ thuật thâm canh lúa, mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML); phối hợp với các Cty phân bón tổ chức 11 lớp tập huấn sử dụng phân bón hiệu quả; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh tổ chức 4 lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá truyền thống tại Thị trấn Cổ Lễ, các xã Trực Chính, Liêm Hải và Việt Hùng. Để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, gắn sản xuất với thị trường, hằng năm, huyện đều triển khai xây dựng nhiều mô hình khảo nghiệm và trình diễn các giống lúa mới để tìm ra một số giống có triển vọng phù hợp với điều kiện sản xuất địa phương như giống BC15, RVT, TBR45, TX111, NĐ5, TT750… Nổi bật là 2 mô hình trình diễn giống lúa OM5451 và BTE2, mỗi mô hình rộng 1ha tại HTXDVNN Tân Thái, xã Trực Thái. Kết quả các mô hình cho thấy, 2 giống lúa OM5451 và BTE2 có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu sâu bệnh và cho năng suất khá, có thể thay thế các giống lúa truyền thống đã sử dụng trong nhiều năm. Bên cạnh đó, Trạm Khuyến nông huyện còn xây dựng nhiều mô hình thâm canh lúa cao sản ở HTXDVNN Trực Hải, xã Liêm Hải; mô hình làm mạ khay - máy cấy với quy mô 1ha tại HTX Trực Mỹ, xã Trực Mỹ; một số mô hình trình diễn sử dụng phân bón tổng hợp năng suất cao hơn 5-7% so với bón phân đơn trên cây lúa. Vụ xuân 2012, Trạm Khuyến nông huyện đã phối hợp với Cty CP Phân bón Bình Điền xây dựng mô hình CĐML cấy giống D.ưu 527 với quy mô 60ha tại HTXDVNN Trực Tĩnh, xã Việt Hùng. Toàn bộ diện tích mô hình được thực hiện phương pháp gieo sạ hàng rộng, hàng hẹp. Mô hình CĐML đã khẳng định ưu thế vượt trội khi năng suất tăng trên 10% so với cấy lúa truyền thống và tiết kiệm chi phí, giảm công lao động nặng nhọc cho nông dân. Từ kết quả trên, vụ mùa 2013, toàn huyện đã xây dựng được 27 mô hình CĐML với tổng diện tích là 930ha tại 19 HTX của 15 xã. Trong đó có 6 CĐML cấy giống BC15 với tổng diện tích 225ha; 4 CĐML cấy giống RVT với diện tích 126ha; 4 CĐML cấy giống TT750 với diện tích 124ha; 3 CĐML cấy giống Bắc ưu 903 kháng bạc lá với diện tích 114ha; 10 CĐML cấy giống NĐ5, TBR45 và một số giống lúa khác với tổng diện tích 341ha. Từ vụ xuân 2013, Trạm Khuyến nông huyện đã thực hiện mô hình phát triển lúa gieo thẳng với quy mô 14ha tại HTXDVNN Trung Lao, xã Trung Đông với 140 hộ cấy giống BT7 tham gia. Hiệu quả từ mô hình đem lại sức thuyết phục cao khi rút ngắn thời gian sinh trưởng từ 7-10 ngày, tốc độ đẻ nhánh sớm, khỏe và tập trung hơn so với ruộng lúa cấy truyền thống, khắc phục được tập quán cấy thưa tại địa phương, năng suất lúa đạt bình quân 55 tạ/ha, cao hơn 5 tạ/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn 4,5 triệu đồng/ha so với ruộng cấy đối chứng. Nhằm mở rộng diện tích trồng cây vụ đông trên đất 2 lúa, từ vụ đông năm 2012, Trạm Khuyến nông huyện đã phối hợp với Cty CP Supe photphat và hóa chất Lâm Thao triển khai thực hiện mô hình “Trồng khoai tây theo phương thức làm đất tối thiểu phủ rơm, rạ kết hợp bón phân cân đối NPK Lâm Thao” tại xã Trực Chính. Kết quả cho thấy, mô hình có nhiều ưu điểm như cây phát triển đồng đều, ít bị bệnh héo xanh, củ khoai tây có mẫu mã đẹp, năng suất bình quân mỗi sào đạt 630kg, theo hạch toán, trồng khoai tây theo phương pháp này có lãi 22,3 triệu đồng/ha. Việc nhân rộng mô hình sẽ giảm thiểu được tình trạng đốt hoặc vứt rơm, rạ ra kênh mương gây ách tắc dòng chảy và ô nhiễm môi trường, đồng thời góp phần cải tạo đất, tiết kiệm lượng phân hóa học cho lúa vụ xuân; mở ra hướng sản xuất mới cho nông dân trong huyện. Trong lĩnh vực nuôi thủy sản, được sự quan tâm chỉ đạo của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện cùng với UBND Thị trấn Cổ Lễ triển khai xây dựng thành công mô hình nuôi cá nước ngọt theo phương thức bán thâm canh và thâm canh. Tham gia mô hình có 15 hộ nuôi các giống cá mè, chép, trắm, trôi với tổng diện tích 8.300m2. Trong quá trình nuôi, Trạm Khuyến nông huyện đã phân công cán bộ chuyên trách hướng dẫn các hộ quản lý, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cá. Với tỷ lệ cá sống đạt 72%, sản lượng của mô hình khi thu hoạch đạt trên 9,1 tấn cá, cho thu lãi 66 triệu đồng. Mô hình đã được đông đảo người nuôi thủy sản tại địa phương và các xã lân cận đến tham quan, học tập kinh nghiệm, tham khảo kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất.

Từ các mô hình khuyến nông hiệu quả đã góp phần khai thác tiềm năng đất đai và lao động ở địa phương, tạo sự chuyển biến về nhận thức của nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất nông sản hàng hoá, đã và đang tạo bước tiến mới trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện./.

Ngọc Ánh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com