Nhắc đến Tống Xá , xã Yên Xá (Ý Yên), ai cũng nghĩ đến làng nghề đúc đồng truyền thống có thương hiệu trong và ngoài nước với những sản phẩm tinh tế, chất lượng cao. Nhưng ít ai biết rằng nơi đây còn là cái nôi của nghề truyền thống làm trống da trâu của dòng họ Nguyễn Văn. Hiện tại, dù nghề không còn thu hút lực lượng lao động lớn ở địa phương, làng nghề cũng không tạo được thương hiệu riêng về nghề nhưng về Tống Xá hôm nay vẫn còn những cụ già “tiếc nghề”, hằng ngày, hằng giờ quay quắt với nghề làm trống để giữ nghiệp cha ông.
Văn hóa làng...
Theo ông Nguyễn Văn Thượng, trưởng họ (đời thứ 14) của dòng họ Nguyễn Văn, cho biết: Hai cụ tổ nghề (cũng là tổ họ) là cụ Nguyễn Văn Cường (tự Phúc Cường) và cụ Nguyễn Văn Nhân (tự Thanh Nhàn). Hai cụ vốn là người xã Yên Thắng (Ý Yên) sau chuyển về Tống Xá “an cư lạc nghiệp”, dạy và truyền nghề cho con cháu. Đến nay, nghề làm trống họ Nguyễn Văn làng Tống Xá đã trải qua 14 đời với gần 300 năm làm nghề. Ngày đó, nghề làm trống cứu sống dòng họ Nguyễn Văn. Để tưởng nhớ ông tổ nghề trống cũng như tổ họ, người dân đã xây dựng từ đường để thờ cúng, lấy ngày 10-3 âm lịch là ngày giỗ tổ. Lễ giỗ tổ thường diễn ra 3 ngày (một ngày rước, hai ngày tế) với các hoạt động: khai trống khuyến học, trống tế, trống rước. Ngoài ra, trong đêm diễn văn nghệ, đoàn chèo của huyện diễn tích cụ tổ đang dạy nghề cho con cháu, khơi dậy lòng biết ơn và quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống cha ông. Tiếng trống dòng họ Nguyễn Văn, “lẩn” trong cuộc sống của con cháu dòng họ nói riêng, trở thành âm thanh quen thuộc của người dân làng Tống Xá nói chung. Từ ngày rằm, mồng một, đến ngày lễ tết trong năm; từ sinh đẻ đến ngày cưới xin, dạm ngõ, tang ma; từ học hành báo công đến ngày “vinh quy bái tổ”... tất cả đều có sự hiện diện của tiếng trống như để nhắc nhở con cháu nhớ đến tổ nghề; nhớ đến những người có công gây dựng nên cuộc sống tốt đẹp ngày hôm nay; nhớ đến cái tâm, cái đức của người làm nghề trống.
Nghề thủ công truyền thống
Người làm nghề Tống Xá làm trống theo đơn đặt hàng của khách hàng gần xa, phong phú về chủng loại và kích cỡ: trống chèo, trống trường, trống trung thu, trống con, trống cóc, trống chùa, trống cơm... đường kính bé nhất 10 phân, 20 phân, 30 phân đến lớn nhất là 1,3m đến 1,5m. Mỗi năm, làng nghề tiêu thụ hàng trăm trống các loại ra thị trường trong nước. Nghề làm trống làng Tống Xá, đến nay, vẫn là nghề thủ công làm hoàn toàn bằng tay. Không phải ai cũng đủ kiên trì để học và theo đuổi nghề. Được biết, để làm được một chiếc trống đòi hỏi sự kỳ công, khéo léo và am tường nghề của người thợ. Để hoàn thành xong một cái trống theo đúng yêu cầu, người làm nghề trống cần trải qua các giai đoạn làm da, làm tang và bưng trống (hay còn gọi là căng mặt trống). Giai đoạn nào cũng quan trọng, cần có sự kiên trì tuyệt đối. Bất cứ người làm nghề nào lơ là một trong ba công đoạn này sẽ dẫn đến sự không như ý đối với chất lượng âm thanh tiếng trống. Để có nguyên liệu, người làm nghề nhập da trâu ở vùng Gôi (Vụ Bản) về làm. Muốn chọn loại da tốt, người làm nghề phải chọn da cật loại 1, vừa mổ xong, còn tươi chưa trải qua bất cứ một công đoạn bảo quản hay tiếp xúc với hóa chất nào. Da lấy về cần bào nạo hết lớp màng bên trong, sau đó, đem xử lý để da mất mùi hôi, tạo được độ đàn hồi cao. Da phải bào sao cho đều, không chỗ dày, chỗ mỏng. Da quá dầy sẽ dẫn đến tiếng kêu bịch bịch, không trong vang. Da quá mỏng dẫn đến dễ thủng trong quá trình sử dụng, trống không được bền. Với những người mới vào nghề, giai đoạn làm da cũng là một trong những giai đoạn vô cùng phức tạp. Gỗ làm trống chủ yếu là mít. Gỗ mít mềm, không bị cong vênh, ít co giãn, đàn hồi theo thời tiết. Khi đóng đinh nhiều, các tang gỗ mít không bị toác, không làm hở tang. Ngoài ra, gỗ mít còn cho âm thanh trong và hay. Mặt trống phải tỷ lệ thuận với chiều cao. Chiều cao bao nhiêu, mặt trống phải rộng, độ dầy bấy nhiều. Phải làm sao để cái trống nhìn cân đối, hài hòa về hình thức; trong vang hay về chất lượng âm thanh; đảm bảo về yêu cầu.
Ông Nguyễn Văn Mọc đang đóng đinh căng mặt trống. |
Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Mọc, xóm 1, thôn Tống Xá khi ông đang dùng búa gõ mạnh vào con xám đang được nêm chặt ở mép khung néo và da. Sau mỗi lần gõ, chiếc trống được kích lên, những sợi dây buộc vào tấm da căng dần để miếng da bịt trên mặt trống căng hết cỡ. Dùng con xám gõ mạnh vào mặt trống, tiếng kêu tùng tùng vang lên. Lúc này, ông mới dừng tay, ngẩng đầu lên nói với người lạ như nói với chính bản thân mình: Chỉ còn đóng đinh để giữ độ căng của da, sơn lên bề mặt nữa là trống có thể xuất xưởng. Việc bưng trống là giai đoạn cuối cùng cũng là quan trọng nhất quyết định chất lượng của trống. Da trâu khi đã qua sơ chế, làm mất mùi thường được đục xung quanh viền với những lỗ 4cm. Sau đó, người làm nghề luồn dây ở que néo vào các lỗ vừa đục; kéo căng, đặt bàn néo chùm da lên khung trống; kích, rồi dùng xám đóng xuống sao cho da căng mỏng đạt yêu cầu. Tiếp đó, người thợ dùng đinh chốt được làm từ thân tre già đóng cố định vào thân trống, cắt viền da thừa là xong. Nói chung, kỹ thuật ở các công đoạn đều là cảm tính được rút ra từ kinh nghiệm làm nghề, không có một con số cụ thể nào. Do vậy, để làm được trống phải thật sự là những người đam mê với nghề. Công đoạn cuối cùng đòi hỏi người làm nghề có một đôi tai “rất thính” để thẩm âm. Ông Mọc cho biết: Trống dù bề ngoài có đẹp nhưng âm thanh không đạt yêu cầu thì đó là một sản phẩm khuyết và không thể đưa ra thị trường để tiêu thụ. Đó là cái tâm, cái đức của người làm nghề. Trống không những phải đẹp về hình dáng mà còn phải hay về âm thanh. Để đạt yêu cầu, người làm nghề phải “bưng thật kiệt” để tiếng trống vang, trong, tròn, lẳn chất lượng.
Mai một theo thời gian
Theo những người làm trống dòng họ Nguyễn Văn thì từ xưa đến nay, người làm nghề chỉ đủ ăn, đủ tiêu chưa thể làm giàu từ nghề. Người làm nghề chủ yếu đi mua khung trống làm sẵn ở Hà Nam về bịt đầu, quét sơn là xong. Cô Vũ Thị Lan ở xóm 1, Tống Xá cho biết: Để làm ra một cái trống loại to cần làm trong 10 ngày. Tiền mua nguyên liệu da, tang... để làm ra sản phẩm là 800 nghìn đồng. Giá bán sản phẩm tùy thuộc thị trường được từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng. Trừ chi phí, người làm nghề có công từ 400 đến 700 nghìn đồng/trống. Mỗi tháng làm 3 cái thu nhập từ 1,2 đến 2,1 triệu đồng. Ông Mọc dù tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn “say nghề như điếu đổ” (theo lời nói vui của ông). Ông nhập gỗ ở Cát Đằng về tỉ mẩn tự xẻ tang làm khung trống (không mua ở Hà Nam như những hộ làm nghề khác). Từ khâu chẻ gỗ, làm tang với bao nhiêu mồ hôi công sức, tuy không vất vả nhưng tỉ mẩn và chiếm toàn bộ thời gian ông có được. Vào dịp thường trong năm, mỗi tháng ông cũng thu lại 2 đến 3 triệu đồng. Vào dịp Trung thu đông khách, mỗi tháng, ông thu lại 5 triệu đồng. Với số tiền ấy, ông bà có đồng ra, đồng vào đảm bảo cuộc sống với những ma chay, cưới xin, giỗ chạp... không phải phụ thuộc con cháu.
Những năm gần đây, đời sống kinh tế, văn hoá của người dân được cải thiện, mặt khác các lễ hội văn hoá dân gian, hoạt động tín ngưỡng, mỹ tục được khôi phục... nên nhu cầu trang bị trống theo đó cũng tăng cao. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là người làm nghề làng Tống Xá ngày càng ít dần. Trước đây, 100% con cháu dòng họ Nguyễn Văn làm nghề nhưng vài chục năm trở lại đây vì nghề đem lại thu nhập không cao nên thanh niên trai tráng bỏ nghề trống theo nghề đúc đồng làng trên. Dòng họ hiện tại chỉ còn lại khoảng chục hộ theo nghề. Người làm nghề chủ yếu là những bác “tuổi cao sức yếu”, lại “tiếc nghề” muốn giữ nghề như ông Mọc. Chúng tôi thấy tiếc cho một làng nghề thủ công truyền thống từ lâu đời mà đến nay có nguy cơ “mất nghề” cao. Đem vấn đề này đến với những người làm nghề Tống Xá chúng tôi nhận được nhiều trăn trở chân thành của người làm nghề nơi đây. Khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là đầu ra, là khâu tiêu thụ sản phẩm. Người làm nghề trống Tống Xá “tiếp thị” sản phẩm của mình cũng rất “thủ công”. Họ đi khắp các cửa hàng giới thiệu sản phẩm của các tỉnh, thành cả nước. Những người làng đi làm ăn xa mang đi biếu bạn bè, đồng nghiệp đặc biệt là nhân dịp Tết Trung thu. Đó cũng là một cách giới thiệu sản phẩm làng nghề quen thuộc. Do vậy, sản phẩm làng nghề trống Tống Xá bán ra thị trường nhỏ giọt, thu nhập không cao. Người trong dòng họ Nguyễn Văn từ 18 tuổi đến các cụ già, ai cũng biết làm trống, nhưng đến nay, chẳng mấy ai trong lớp trẻ tha thiết với nghề. Tiếp chuyện chúng tôi, ánh mắt ông Mọc mang một nét buồn xa xăm khó gọi thành tên. Ông rất muốn gìn giữ và khôi phục nghề truyền thống của tổ tiên dòng họ nhưng “lực bất tòng tâm”. Vì yêu nghề, vì “tiếc nghề”, vì không muốn mất nghề nên đến nay dù đã ở cái tuổi 73 đôi tay ông vẫn nhanh nhẹn, đôi tai ông vẫn rất thính. Ông vẫn quyết tâm theo nghề đến khi “sức cùng lực kiệt”. Mong muốn của ông cùng những người dân Tống Xá là được hỗ trợ, giúp đỡ về nguồn vốn, bao tiêu sản phẩm để người dân yên tâm nối nghiệp cha ông phát triển nghề truyền thống và xây dựng được thương hiệu làng nghề. Để mỗi khi nhắc về Tống Xá, người dân trên khắp các tỉnh, thành cả nước không chỉ nhắc về nghề đúc đồng mà còn nhắc về một nghề truyền thống khác - nghề làm trống./.
Bài và ảnh: Hoàng Dung