Các doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý để phát triển

09:09, 16/09/2013

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế, một trong những vấn đề cần quan tâm là nâng cao năng lực quản lý ở các doanh nghiệp. Ý thức được điều đó, những năm qua, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý.

Sản xuất khăn xuất khẩu tại Cty CP Thúy Đạt, KCN Hòa Xá (TP Nam Định).
Sản xuất khăn xuất khẩu tại Cty CP Thúy Đạt, KCN Hòa Xá (TP Nam Định).

Cty CP Thúy Đạt (KCN Hòa Xá, TP Nam Định) chuyên sản xuất các sản phẩm khăn, xuất khẩu sang thị trường các nước: Nhật Bản, Đan Mạch, Thái Lan… và chế biến lương thực. Hiện Cty có 2 nhà máy là: nhà máy xay xát gạo có công suất chế biến 10 nghìn tấn/năm và nhà máy kéo sợi gồm các phân xưởng: sợi có công suất 3.600 tấn sợi các loại/năm; dệt có công suất tối đa gần 1.000 tấn khăn các loại/năm… với trên 800 lao động thường xuyên. Từ năm 2009, Cty đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý toàn bộ quá trình sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008. Để góp phần nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp, Cty đã chú trọng thu hút nhân tài và tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý. Đến nay, đội ngũ quản lý của Cty từ ban giám đốc đến các tổ sản xuất đều có trình độ cao đẳng, đại học; trong đó 3 người có trình độ thạc sĩ đang hưởng mức lương từ 19-24 triệu đồng/người/tháng. Sau khi tuyển dụng cán bộ vào các vị trí quản lý, Cty thực hiện chế độ đào tạo bổ sung chuyên môn phù hợp theo vị trí công tác. Hằng năm, Cty còn cử cán bộ quản lý tham gia các chương trình đào tạo ngắn hạn từ 10-15 ngày do Bộ Công thương, Bộ KH-CN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)… tổ chức. Nhờ không ngừng nâng cao năng lực của cán bộ quản lý, những năm qua, doanh thu của Cty luôn đạt mức tăng trưởng từ 25-30%. Năm 2013, Cty đặt mục tiêu doanh thu xuất khẩu đạt 5,3 triệu USD, 8 tháng đầu năm đã thực hiện được trên 4 triệu USD. Từ nhiều năm qua, các Cty thuộc Hiệp hội Cơ khí Đúc Ý Yên như: Cty TNHH Cơ khí đúc Thắng Lợi, Cty TNHH Cơ khí đúc Cửu Long, Cty TNHH Cơ khí đúc Toàn Thắng… cũng đã chủ động nâng cao năng lực quản lý chất lượng sản phẩm bằng cách liên kết với các viện nghiên cứu chuyên ngành tổ chức tập huấn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chuẩn hóa quy trình công nghệ theo hệ thống tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001:2008. Nhờ đó, các Cty đã nhanh chóng làm chủ các công nghệ tiên tiến trong sản xuất như: sử dụng lò đúc điện, đúc chân không, sử dụng máy phân tích quang phổ, máy đo độ cứng, máy kiểm tra khuyết tật bề mặt, máy bắn bi làm sạch, đánh bóng sản phẩm… Nhiều chi tiết bằng đồng với các thông số kỹ thuật tiêu chuẩn châu Âu như bạc, trục, chân vịt trong ngành công nghiệp tàu thuỷ, giàn khoan dầu khí… đã được nghiên cứu, sản xuất thành công, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đều tích cực cử cán bộ chuyên môn tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý, kế toán, lập dự án, quản trị nhân sự… do các ngành chức năng của tỉnh tổ chức. Đặc biệt, giám đốc, phó giám đốc các doanh nghiệp cũng ý thức không ngừng tự nâng cao trình độ về nhiều mặt để điều hành doanh nghiệp. Mặc dù đã có bằng Đại học Quản trị kinh doanh, có kinh nghiệm gần 2 năm là phó giám đốc điều hành một Cty may quy mô trên 1.000 lao động, doanh thu trên 100 tỷ đồng/năm tại huyện Giao Thủy nhưng khi quyết định đầu tư trên 6 tỷ đồng xây dựng dây chuyền may công nghiệp CCN Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) đầu năm 2012, anh Nguyễn Văn Trung vẫn tham gia một lớp đào tạo về quản lý doanh nghiệp tại Hà Nội. Đồng thời, anh thường xuyên nghiên cứu, học tập qua nhiều kênh để nâng cao năng lực quản lý tài chính, nhân lực. Với những kiến thức đã được đào tạo và kinh nghiệm thực tế, trong quá trình xây dựng nhà xưởng, anh đã tuyển dụng và tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý khung cho doanh nghiệp. Nhờ đó, ngay sau khi khai trương, Cty may T&C do anh làm giám đốc đã sản xuất, kinh doanh ổn định với năng lực thực hiện 80 nghìn sản phẩm/tháng, tạo việc làm cho 230 lao động với mức thu nhập 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Hầu hết doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó không ít doanh nghiệp xuất phát điểm là hộ sản xuất tại các làng nghề truyền thống. Thành lập doanh nghiệp là sự thay đổi lớn cả về “lượng” và “chất” giúp thuận lợi trong hoạt động trên thương trường về tư cách pháp nhân, vị thế… nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt năng lực tài chính, nguồn nhân lực chất lượng cao, năng lực quản lý, điều hành, từ đó dẫn tới các nguy cơ khác như: không cải thiện được chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, không tiếp cận, mở rộng được thị trường là những vấn đề doanh nghiệp cần ý thức được để sớm có giải pháp cải thiện. Bởi vậy, nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp là giải pháp tối ưu để các doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com