Đứng giữa hồ sen bát ngát của ông Nguyễn Văn Thân, xóm Bói, Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc) vào một ngày mưa vẫn nghe phảng phất trong gió mùi thơm ngọt ngào của hương sen. Cơn mưa nặng hạt không ngăn nổi màu xanh của lá, màu hồng của hoa cứ rực rỡ. Hương thơm của sen gợi nhắc một liên tưởng thú vị, tôi nghĩ đến những câu thơ của nhà thơ Vũ Hoàng Chương “Nâng chén mừng anh thưởng vị trà. Đừng quên tan tác mấy đời hoa. Cạn từng hớp nhỏ cho sen đượm. Vớt lại trần ai một chút ta” (Qua áng hương trà). Cái thú thưởng trà sen nghe thì có vẻ thanh nhàn như vậy nhưng để ra được những thành phẩm sen, công sức của người trồng bỏ ra không ít. Và cây sen, không phụ công người cho “tận thu” ở mọi công đoạn, mang lại những giá trị kinh tế tích cực.
Cây “thương” người trồng
Trên chân ruộng đồng chiêm trũng của các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản từ hàng trăm năm nay cây sen tìm được môi trường thích hợp để phát triển. Nhờ đó, đời này qua đời khác, chỉ cần còn sót lại vài củ là sen có thể sinh sôi phát triển. Từ những củ ít ỏi, qua vài vụ, hình thành nên những ruộng sen, đầm sen. Theo những người trồng sen lâu năm ở đất Mỹ Lộc, hiếm có loại cây nào có sức sống bền bỉ, mạnh mẽ như sen là vì vậy. Và cũng hiếm loại cây nào “thương” người trồng như sen. Từ củ cho đến lá, thậm chí vỏ của hạt sen đều có thể dùng được. Người trồng sen lại không mất nhiều công sức gây giống, trồng một lần có thể cho thu hoạch nhiều vụ. Tuy nhiên, sen không phải là loại cây hoàn toàn “dễ tính”. Ông Thân, “lão nông tri điền” có kinh nghiệm trồng sen ngót nghét nửa đời người, gắn bó, tâm huyết với 8 mẫu sen cho biết: “Khoảng từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch hằng năm là thời điểm “đẹp” để chúng tôi trồng sen. Để trồng sen, người trồng cần có môi trường nước trong ao vừa phải (đủ để lá sen nổi lên mặt nước). Quan trọng nhất là phải có một cái ngó sen. Khi trồng, người trồng bó cả ngó cả lá lại với nhau. Chỉ bó tối đa khoảng 50 ngó/bó, khi bó phải nhẹ tay, tránh ngó bị dập dẫn đến thối ngó lúc gặp nước. Quá trình vận chuyển ngó đi trồng phải để ngó trên một cái ngáng (loại hay dùng để chở lợn) tránh tối đa ngó gẫy. Xong xuôi đâu đấy, người trồng nhẹ tay đặt ngó xuống nước, đi đến đâu, rạch bùn theo chiều dài của ngó, khỏa lấp bùn lên ngó. Thông thường, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, người trồng sen trồng 4m2/gốc cây. Trồng như thế, sen sẽ đẻ nhánh nhanh, trung tuần tháng 6, mỗi đài sen đã to như cái ấm chuyên, sen vào mùa thu hoạch. Vụ thứ 2, thứ 3 sau khi trồng sen sẽ cho năng suất cao nhất”. Lão nông già xởi lởi tâm tình. Lại hỏi lão, thế trồng sen “công phu” nhất chỉ ở công đoạn này thôi? Lão cười bảo, cũng không hẳn thế, trồng, chăm sóc như thế nào để sen cho hoa đẹp, nhiều hạt mới là mục đích của người trồng. Muốn như vậy, cũng phải cho sen “ăn” đầy đủ như người. Nghĩa là khi sen bắt đầu lên lá cũng phải bón đạm, lân cho sen. “Thức ăn” tốt nhất đối với sen là các loại phân gà, phân vịt. Khi sen nở rộ, người trồng chưa muốn bán thì cũng có nhiều cách để “hãm” hoa lại… Tuy nhiên đó là bí quyết riêng của từng người trồng, đòi hỏi phải có thời gian, kinh nghiệm trồng tích lũy qua nhiều đời sen.
Ảnh minh họa/Internet. |
Tháng 5 đến tháng 7, ấy là lúc sen vào vụ chính, khi sen đạt đến độ ngon nhất. Hạt sen to, chắc mẩy, bà nội trợ sử dụng hạt sen để nấu sẽ thấy sen bở, bùi. Để qua tháng 7, hạt sen dễ bị sượng, người ăn cảm giác sen không còn ngon. Người trồng sen, tùy tính toán mà quyết định sẽ bán hoa hay bán hạt. Hạt sen cũng lại tùy theo suy tính của người trồng mà nên để bán lúc sen còn bánh tẻ (hạt sen non nằm nguyên trong đài) hay bán sen chè (hạt sen được tách khỏi đài nhưng chưa hẳn già) hoặc sen não (sen già, hạt sen có vỏ ngoài màu đen bóng thường dùng để làm thuốc chữa bệnh).
Đến giá trị kinh tế
Trên diện tích 8 mẫu sen, lão nông già Nguyễn Văn Thân chia sẻ, mỗi năm lão thu về khoảng 12 tấn sen chè. Nếu để lên sen não thì 10 cân sen chè chỉ còn khoảng 6-7 cân sen não. Tùy từng năm, lão có thể bán hoa, bán sen chè hoặc sen não. 3, 4 năm trở lại đây là thời điểm sen được giá. Hiện, giá 1kg sen chè tại ao dao động trong khoảng 30-35 nghìn đồng/kg sen. Tính “sơ sơ” với 8 mẫu sen, lão thu về khoảng 100 triệu đồng/vụ. Trên là sen, dưới lão thả các loại cá thịt như trôi, trắm, mè. Ước tính mỗi năm 8 mẫu ao của lão cho thu nhập vài trăm triệu đồng. Cây sen cho tận thu ở tất cả các sản phẩm. Lão cho biết thêm giá của củ, ngó sen nếu bán trên thị trường thường có mức 16.000 đồng/kg, hoa sen bán 300 đồng/bông tại ao (giá ngày thường, ngày lễ tết có thể tăng gấp đôi). Lá sen khô có giá 50.000 đồng/cân. Anh Đặng Đình Nam, xóm Bói, xã Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc) hiện chỉ trồng “chơi” 2 sào sen lấy nguồn nước sạch dẫn về cho các ao nuôi cá cho biết thêm: “mỗi vụ tôi cũng thu được trên dưới dăm triệu đồng từ trồng sen. Vì diện tích ít nên tôi thường “tranh thủ” khi nào sen được giá nhất là bán cất luôn. Có năm tôi bán nguyên cả 2 sào hoa cũng sắm sửa được vài thứ có giá trị trong nhà. Quan trọng hơn là đàn cá thịt, cá cảnh dưới mỗi ao có môi trường thuận lợi để phát triển, có nguồn thức ăn thường xuyên từ lá sen rụng”. Nắm bắt được hiệu quả kinh tế từ việc trồng sen, nhiều nơi trong tỉnh nông dân tập trung phát triển loại cây này. Dọc các vùng ven đê không khó để bắt gặp những đầm sen, ruộng sen vươn mình xanh mát, trải dài mênh mông. Một số nơi, người nông dân còn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen kết hợp thả cá thịt, cá cảnh. Tuy nhiên người trồng sen không phải là không đối mặt với những khó khăn. Lão nông già buồn rầu cho biết thêm, vụ sen năm nay, lão đành phải bán cả 8 mẫu sen hạt thành phẩm sang bán… hoa sen. Mấy năm trước, khi mà sen chưa được giá người trồng vẫn phấn khởi, yên tâm và đỡ “bực mình” hơn. Bởi khi đó họ không bị lũ “giặc chuột, giặc cò” phá hoại mổ, cắn đài sen. “Lúc sen được giá, khi sen đang ở vào thời kỳ bánh tẻ, chúng tôi lại không trông được lũ chuột. Nhiều khi đành bất lực nhìn sau mỗi đêm, lũ chuột tàn phá, cắt ngang các đài sen. Năm nay quá “ngán” lũ chuột tôi không chờ được khi sen thành hạt mà bán cả 8 mẫu hoa. Mỗi mẫu bán cất được 1 triệu đồng, tính ra vụ sen năm nay tôi thất thu mấy chục triệu”, lão ngán ngẩm.
Anh Đặng Hữu Tiến, phường Cửa Nam (TP Nam Định) làm nghề “lái sen” từ 3 năm nay, mùa sen năm nào anh cũng ngược lên các vùng Lý Nhân (Hà Nam), Trúc Sơn (địa phận Hà Nam giáp chùa Hương, Hà Tây), xuôi các huyện trồng sen của Nam Định để nhập hàng. Cứ nghe đến vùng nào trồng sen là anh xuống tận nơi đặt mối. Có khi anh mua cả ao sen, đặt hàng cố định qua từng vụ. Mỗi ngày anh thu mua khoảng 3-4 tạ sen hạt, ngày nhiều có thể thu mua đến hàng tấn. Mua xong anh bán trao tay cho thương lái chợ Rồng. Trung bình mỗi lẫn bán trao tay 1 tạ sen hạt anh thu về khoảng 500.000-550.000 đồng/tạ. Công việc thu mua sen mang lại cho anh nguồn thu đáng kể mỗi vụ sen về. Anh cho biết thêm, thị trường sen hiện nay rất dồi dào. Từ hoa sen, đài sen, hạt sen, củ, ngó sen… đều được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Khách hàng hiện tại của anh chủ yếu là Thành phố Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng…
Tháng 7, khi những đầm sen mênh mông đã có dấu hiệu tàn thì tại các chợ trong thành phố như Mỹ Tho, chợ Rồng, chợ Hạ Long, chợ Đồng Tháp Mười… các bà, các chị vừa ngồi bán hàng tay vẫn thoăn thoắt bóc hạt sen, thông tâm… Sen sau khi được bóc sẽ có giá khác, khoảng 110.000-120.000/kg. Người bán bán hạt riêng, tâm sen riêng. Tâm sen sau khi phơi khô thường được các bà, các chị bán với giá 140.000 đồng/kg. Lớp vỏ ngoài cùng của hạt sen tùy các bà, các chị có thể… bán tiếp hoặc để dùng sao vàng hạ thổ hãm nước uống dùng dần trong năm. Chị em văn phòng tranh thủ lúc rỗi việc cũng mua hạt về bóc, vừa tiết kiệm được giá thành mua, vừa có thể chọn được sen ngon đúng theo yêu cầu… Nghề trồng sen, buôn bán sen vì vậy đang mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho nhiều người./.
Hoa Xuân