Văng vẳng chuông ngân

06:08, 10/08/2013

Gặp thợ đúc Lê Cao Lượng, xóm 9, xã Xuân Tiến (Xuân Trường) hậu duệ 7 đời của dòng họ Lê, nghe ông mải miết kể về quy trình đúc chuông, mới biết để làm ra một quả chuông không hề đơn giản. Theo ông, ngoài yếu tố kỹ thuật nếu không có hiểu biết về lửa, tỉ lệ đồng pha trộn với thiếc; và đặc biệt nếu không để… tâm hồn mình vào bất kỳ công đoạn nào trong quá trình làm chuông, thì sẽ không thể cho ra đời một sản phẩm hoàn hảo. Để tâm hồn mình vào mỗi quả chuông, vì vậy những thợ đúc Xuân Kiên, Xuân Tiến (Xuân Trường) đã làm nên làng đúc chuông độc đáo nhất nhì miền Bắc, đưa những tiếng chuông thánh thót vang xa, vang ngân…

Văng vẳng chuông ngân

Dòng họ Lê sinh sống rải rác ở các xã Xuân Kiên, Xuân Tiến biết đúc chuông, giữ nghề đúc chuông hiện nay đều là “nối dõi tông đường” của cụ Lê Văn Nghiễm. Cụ Nghiễm lấy vợ, ra lập nghiệp ở đất Xuân Trường từ bao lâu thì cháu, chắt, chút, chít của cụ không còn nhớ rõ. Họ chỉ truyền tai nhau, khoảng 200 năm trước, cụ là một thợ đúc trống đồng Đông Sơn có hạng ở đất Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Trên con đường sinh cơ lập nghiệp, cụ dừng chân tại Nam Định, truyền lại cho con cháu nghề đúc chuông. Kinh nghiệm của một thợ đúc lành nghề qua từng cách nhóm lò, tỉ lệ pha đồng, thiếc, vẽ hoa văn… được cụ truyền lại tỉ mỉ và cứ thế ngấm vào đám con cháu cụ. Cứ như vậy, đời này đến đời khác, họ chăm chỉ học nghề, trân trọng, giữ gìn nó như nghề gia truyền, “bảo bối” kiếm cơm. Cứ như vậy, họ đưa những quả chuông vượt ra khỏi ranh giới lũy tre làng sang đến tận trời tây bên đất Pháp, đất Mỹ…

Chúng tôi đi dạo một vòng quanh xã Xuân Tiến, thỉnh thoảng ghé lại một cửa hàng bày bán các sản phẩm làm từ đồng như chuông, khánh, tượng thờ… ngắm nghía rất kỹ các hoa văn trang trí; lòng không khỏi cảm phục sự tinh tế, khéo léo của người thợ thủ công. Tuy nhiên để có được những sản phẩm như ý, thợ đúc phải chịu nhiều vất vả. Để làm nên một quả chuông, thợ đúc trước hết cần đắp khuôn. Khuôn được làm bằng đất, thợ đúc chọn loại đất sét trắng tinh trộn với trấu sau đó phơi đất khô cong mới tạo khuôn. Tùy yêu cầu khách hàng đặt kích cỡ chuông ra sao, thợ đúc sẽ tạo khuôn đó. Đắp xong khuôn, thợ đúc mang vào lò nung đỏ. Nung đỏ, để nguội họ mới vẽ hoa văn trang trí lên khuôn và tiếp tục cho vào lò nung lại lần nữa. Phải làm như vậy vì các thợ đúc muốn loại bỏ hoàn toàn hơi nước còn lại trong khuôn. Bởi họ biết, nếu còn nước khuôn sẽ bị hỏng, khuôn hỏng thì các công đoạn tiếp theo coi như… vô nghĩa. Sau khi đã lo xong phần khuôn, thợ đúc chuông tiến hành công đoạn nấu đồng. Lò than được đốt lại lần nữa. Khi nấu đồng, thợ đúc quan trọng nhất là pha tỉ lệ đồng với thiếc làm sao cho hợp lý. Tỉ lệ pha quyết định tiếng ngân của chuông. Tùy theo bí quyết và trình độ học nghề của từng người mà chuông làm ra đạt chuẩn đến đâu. Khi nấu đồng, những thợ đúc lành nghề chỉ cần xem thời gian lửa cháy là biết đồng đã đạt đến độ trong, độ loãng. Thường họ sẽ nấu đồng trong khoảng 1 giờ đồng hồ. Khi nước đồng trong lò đã trong và loãng, thợ đúc lấy đồng rót vào khuôn, tiếp tục công đoạn làm nguội đồng trong khoảng 2 giờ đồng hồ. Xong đâu đấy, họ rỡ khuôn, làm sạch đất cát, “tỉa tót” hoàn chỉnh sản phẩm giao cho khách hàng. Tóm lược cơ bản quy trình làm một quả chuông của thợ đúc là như vậy nhưng khi thực "mục sở thị”, ông Lượng cho rằng còn tỉ mỉ hơn nhiều. Theo ông, đây là công việc “nhẩn nha” đòi hỏi sự kiên trì và mất rất nhiều thời gian. Và đương nhiên không thiếu sự tài hoa khéo léo đạt đến trình độ… nghệ sĩ của thợ đúc. Thợ đúc nơi đây chia chuông ra làm 2 loại: chuông Tây và chuông Nam. Chuông Tây dùng dây để kéo và được treo tại các nhà thờ. Chuông Nam dùng vồ hoặc lao để đánh treo ở nhà chùa. 2 loại chuông này khi đánh phát ra “thanh” hoàn toàn khác nhau. Nếu chuông nhà thờ vang ngân thì chuông nhà chùa ngược lại có “thanh” âm u, trầm mặc.

Thợ đúc kiểm tra chất lượng khuôn trước khi đúc đồng tại cơ sở đúc đồng của ông Đinh Kim Tính, xóm 11, xã Xuân Tiến (Xuân Trường).
Thợ đúc kiểm tra chất lượng khuôn trước khi đúc đồng tại cơ sở đúc đồng của ông Đinh Kim Tính, xóm 11, xã Xuân Tiến (Xuân Trường).

Một ngày đầu tháng 8, tiết trời vẫn còn rất nóng nực, chúng tôi theo thợ đúc Lê Cao Lượng xuống cơ sở sản xuất của ông chuẩn bị nhóm lò nấu đồng cho quả chuông nặng gần nửa tạ. Nghe ông kể, đây là đơn đặt hàng của một vị khách tận miền Trung, là quả chuông thứ “vài trăm” mà ông trực tiếp đúc. Mồ hôi nhễ nhại, ông Lượng nhóm lò, mắt không rời khỏi khối màu đỏ của than đang bắt lửa. Ông bảo: “phải quan sát thật kỹ, không được rời mắt khỏi lửa. Lửa không đều là không thể trong được đồng, ảnh hưởng đến độ ngân của chuông. Làm thợ đúc vất vả lắm, mùa hè ngồi trong nhà bật quạt mát đã thấy nóng, đằng này chúng tôi ngồi suốt bên lò than. Nghe tiếng sôi của nước đồng đã thấy ngốt hết người”. Một quả chuông hoàn hảo, theo ông phải đạt được 2 yếu tố cơ bản là “thanh” và “sắc”. “Sắc” là ở phần tạo hình dáng, họa tiết, hoa văn bên ngoài, “thanh” là thanh âm quả chuông phát ra. Dù chuông Tây hay chuông Nam khi thỉnh lên tiếng phải trong, ngân nga, âm vang trong thinh không tưởng chừng không bao giờ dứt... Sản phẩm đúc khác khiếm khuyết chỗ kín có thể bỏ qua hoặc sửa chữa được. Còn quả chuông đúc xong đòi hỏi phải tròn trịa cả “thanh” và “sắc”. Do sơ suất kỹ thuật, người đúc “sơ ý” ở công đoạn nào đó, quả chuông đúc ra sẽ lộ nhược điểm hoàn toàn. Tiếng chuông đánh nghe rè, không trong tiếng là phải bỏ đi đúc lại. Nói chung nếu làm một quả chuông không đạt yêu cầu, người thợ không thể chỉnh sửa được, chỉ còn cách bỏ đi. Đây là yêu cầu khắt khe nhất đối với thợ đúc, đòi hỏi phải đặc biệt cẩn trọng lúc làm. Cũng vì tiếng chuông dù ở nhà thờ hay nhà chùa khi đã vang lên không chỉ âm vang tại làng, xã mà còn tới tai khách thập phương. Nếu tiếng chuông vang càng xa, thì thánh đường hay nơi lễ Phật càng được tôn vinh và là niềm tự hào của con chiên, đệ tử… Qua đó, người thợ đúc càng thấy giá trị tinh hoa nghề truyền thống bậc tiền nhân truyền lại, công sức lao động, sự tinh tế, cẩn trọng trong từng chi tiết mình làm để trân trọng, giữ gìn.

Tìm hướng… xuất ngoại cho các sản phẩm làng nghề

Đến nay, con cháu dòng họ Lê ở Xuân Kiên, Xuân Tiến có khoảng chục người theo đuổi nghề đúc, trong đó có những người có thâm niên trong nghề, được coi là “bàn tay vàng” của dòng họ như các ông Lê Xuân Đình, Lê Văn Riệp, Lê Văn Hiệp, Lê Văn Hiến, Lê Văn Vượng (con rể dòng họ Lê: Mai Văn Hậu, Mai Huy Hà)… Chọn ngày 27-2 âm lịch hằng năm làm giỗ tổ, con cháu làng đúc chuông đồng từ mọi miền đất nước lại tụ họp về dâng hương. Đó cũng là cách họ “tri ân” với cha ông. Để duy trì nghề, những người đúc chuông đồng họ Lê tìm mọi cách đa dạng hóa sản phẩm.  Đúc chuông vẫn là cơ bản, ngoài ra còn đúc cả đồ thờ, khánh, đúc tượng, các đồ gia dụng nồi, mâm, xoong, chảo… Những năm gần đây, thợ đúc tập trung vào hai loại sản phẩm chủ yếu: chuông và đồ thờ. Danh tiếng nghề đúc chuông Xuân Kiên, Xuân Tiến được cả nước biết đến. Vì vậy, các sản phẩm từ làng nghề này đã có cơ hội… xuất ngoại ra khỏi lũy tre làng. Những quả chuông ở đây không chỉ phục vụ cho các chùa, nhà thờ miền Bắc, miền Trung mà vươn tới tận những vùng đất xa xôi khác của đất nước như Cà Mau, Côn Đảo. Cũng là cách ghi nhận thành quả của những người thợ khéo tay, tài hoa. Chúng tôi còn có dịp đến thăm cơ sở đúc chuông đồng của anh Mai Văn Hậu, cơ sở của anh hầu như lúc nào cũng có 4, 5 thợ làm việc quanh năm. Yêu nghề, say mê, tâm huyết với nghề giúp anh từ một người ngoại đạo đã có những “tác phẩm” để đời. Đó là bức tượng Phật đúc cho chùa Vàng (Tam Đảo), tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo do chùa Thăng Phúc (TP Hải Phòng) đặt. Ngoài ra, quả chuông anh đúc cho chùa Núi Một (Côn Đảo) cũng được người làm nghề đánh giá cao… Sản phẩm từ xưởng của anh còn có mặt tại những di tích lịch sử non thiêng của đất nước như: đền thờ Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Trường Sơn… Đặc biệt, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội quả chuông mang tên “Đại hồng chung Thăng Long linh tụ” do cơ sở Mai Văn Hậu đúc được trang trọng treo tại điện Kính Thiên trong Hoàng thành Thăng Long… Sản phẩm của anh Hậu chỉ là số ít trong nhiều sản phẩm khác của làng nghề được thị trường trong nước, thậm chí nước ngoài ưa chuộng. Tuy nhiên, không phải sản phẩm… xuất ngoại được là người dân làng nghề có thể yên tâm sản xuất. Ông Lượng cho chúng tôi biết về khó khăn của những thợ đúc nơi đây đang gặp phải: “Cách đây khoảng dăm năm, những người thợ đúc chúng tôi làm ăn rất thuận lợi. Khi đó thợ đúc nhận được nhiều đơn đặt hàng của nhà thờ, nhà chùa và của cá nhân. 2 năm trở lại đây, khi kinh tế khó khăn, công việc của thợ đúc chúng tôi ít đi hẳn. Một năm chỉ nhận được vài ba đơn đặt hàng mà hầu hết lại là đơn hàng nhỏ và vừa. Khác với nghề cơ khí, có thể làm hàng quanh năm để bán “câu dầm”, chi phí làm một quả chuông rất tốn kém trong khi vốn lại không có nên chúng tôi chỉ dám làm khi có người đặt. Có cơ sở, cả vài tháng trời không nhận được đơn đặt hàng, không bán được sản phẩm nào là bình thường”. Không có đơn đặt hàng, một số cơ sở đúc chuông của thợ đúc nằm trong tình trạng “tắt lửa” suốt tháng. Trong khi đó giá đồng nguyên liệu khá cao (300.000 đồng/kg), thợ đúc cũng không dám mua để đúc bày sản phẩm. Hơn nữa, theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các cơ sở đúc đồng đều nằm trong khu dân cư, ngay tại nhà của thợ đúc nên mặt bằng sản xuất còn rất hạn chế, ảnh hưởng môi trường. Nhiều hộ làm nghề có năng lực nhưng không có vốn, điều kiện mở rộng sản xuất. Sản lượng hằng năm làm ra, vì vậy chưa tương xứng với khả năng của một trong những nghề truyền thống lâu đời nhất nơi đây… Thực tế này đặt ra bài toán nan giải khi năng lực, tâm huyết người làm nghề có, sản phẩm đã được thị trường công nhận nhưng vẫn không quyết định được những quả chuông sẽ thành hình hài cụ thể hay vẫn nằm ở dạng đồng nguyên liệu./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com