Xã Trực Tuấn (Trực Ninh) hiện có 730 hộ chăn nuôi theo quy mô gia trại với 4.756 con lợn; 40 nghìn con gia cầm các loại. Vào thời điểm dịch lợn tai xanh bùng phát tại tỉnh ta, từ ngày 17-4 đến ngày 9-5-2013, trên địa bàn xã đã có 166 con lợn bị ốm, chết phải tiêu hủy, tổng trọng lượng tiêu hủy là 2.551kg của 38 hộ thuộc 10 xóm. Ngay sau khi phát sinh dịch tai xanh trên đàn lợn, xã đã tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt công tác dập dịch. Các lực lượng chức năng của xã đã tuần tra, kiểm soát bắt và tiêu hủy 10kg thịt lợn vận chuyển trái phép trên địa bàn. Xã đã tổ chức tiêm phòng vắc xin tai xanh cho 100% số lợn trong diện tiêm phòng; công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng được thực hiện đồng loạt nên dịch lợn tai xanh trên địa bàn nhanh chóng được khống chế.
Gia đình anh chị Vũ Đình Trọng, xóm Bắc Sơn, xã Trực Tuấn thường xuyên vệ sinh chuồng nuôi, phòng ngừa dịch bệnh. |
Để ngăn ngừa dịch lợn tai xanh tái phát nhằm bảo vệ sản xuất và sức khỏe người dân, giữ ổn định thị trường thực phẩm, ngay khi có kế hoạch của UBND huyện Trực Ninh về công tác tiêm phòng vắc xin định kỳ vụ thu, xã Trực Tuấn đã kiện toàn Ban Chỉ đạo (BCĐ) tiêm phòng vắc xin giúp UBND xã xây dựng kế hoạch, tổ chức công tác tiêm phòng, phân công các thành viên phụ trách từng thôn, đội và cùng với trưởng thôn thống kê chi tiết đàn vật nuôi; tổ chức rà soát, thống kê chính xác tổng đàn lợn, số lợn nái, lợn thịt và lợn sữa. Để đảm bảo tiêm phòng triệt để 100% đàn lợn trên địa bàn, UBND xã tổ chức 2 đoàn công tác xuống tận các hộ nuôi lợn, yêu cầu phải tiêm phòng. Bên cạnh đó, xã thành lập tổ phun thuốc tiêu độc, khử trùng, phân công lãnh đạo xã trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra công tác tiêu độc, khử trùng trong đợt phát động “vệ sinh, tiêu độc, khử trùng”, đảm bảo đúng quy trình. Rút kinh nghiệm của đợt dịch lợn tai xanh vừa qua, xã đã thực hiện tốt việc nắm chắc tổng đàn; tập trung giám sát tình hình dịch bệnh, cụ thể số lợn ốm, số hộ có lợn ốm, phân loại mức độ nặng hay nhẹ, từ đó chỉ đạo trực tiếp cán bộ thú y theo dõi, cập nhật diễn biến bệnh của đàn lợn theo từng ngày để đề ra biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Trong công tác kiểm soát hoạt động vận chuyển, giết mổ động vật, xã đã tổ chức cho các hộ giết mổ, kinh doanh, vận chuyển lợn ký cam kết không được giết mổ, buôn bán vận chuyển lợn mắc bệnh tại vùng có dịch; thành lập tổ tuần tra cơ động thường xuyên tuần tra, kiểm soát việc lưu thông, giết mổ. Các ngành, đoàn thể tăng cường vận động đoàn viên, hội viên tích cực dọn vệ sinh môi trường, tổ chức rắc vôi bột đầu đường làng, ngõ xóm, vận động các hộ có lợn ốm khai báo kịp thời về BCĐ phòng chống dịch bệnh GSGC xã để cập nhật báo cáo về BCĐ của huyện. Xã tổ chức tuyên truyền thường xuyên trên Đài truyền thanh xã mỗi ngày 2 buổi vào buổi sáng và buổi tối về cách phòng, chống dịch bệnh; biện pháp tăng cường sức đề kháng cho lợn, không vận chuyển, bán chạy lợn ốm, không sử dụng thực phẩm từ lợn ốm, công khai danh sách các hộ có lợn ốm và các hộ có lợn ốm phải tiêu hủy để mọi người biết, giám sát; tác dụng của việc tiêm phòng vắc xin cho đàn lợn… để người dân tự giác chấp hành, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả. Gia đình anh Vũ Đình Trọng, xóm Bắc Sơn mỗi năm xuất chuồng trên 100 con lợn thịt. Hiện tại, khu chuồng nuôi của gia đình anh có trên 70 con lợn. Anh Trọng cho biết: “Hằng ngày, ngoài dọn sạch chất thải trong chuồng trại, tôi còn bơm nước rửa lại nhiều lần, sau đó rắc vôi bột xung quanh khu chuồng nuôi để sát khuẩn. Bên cạnh đó, tôi còn thường xuyên phun hoá chất khử trùng, tiêu độc để vệ sinh chuồng trại, nên trong đợt dịch lợn tai xanh vừa qua, đàn lợn của nhà tôi không bị ảnh hưởng”.
Hiện nay, xã Trực Tuấn đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị dự phòng chống dịch như vôi bột, bình bơm điện, thuốc khử trùng, tiêu độc, ủng, găng tay, khẩu trang, kim tiêm và các dụng cụ khác nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn GSGC cũng như ngăn ngừa dịch lợn tai xanh tái phát trên đàn lợn./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh