Trực Ninh chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ

08:08, 19/08/2013

Vào trung tuần tháng 8, trên cánh đồng gần 400ha lúa của xã Trực Tuấn (Trực Ninh) lúa đã đứng cái, chuyển sang màu xanh đậm. Đồng chí Mai Văn Lịch, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban nông nghiệp xã cho biết: "Vụ mùa này cả xã đều cấy sớm, gọn, đến nay lúa khá sạch sâu bệnh. Bà con nông dân đang tổ chức rút nước, lộ ruộng để hạn chế lúa đẻ nhánh vô hiệu, tạo bộ rễ bám sâu và cứng cây, chống đổ, phấn đấu giành năng suất cao”.

Là địa phương có truyền thống thâm canh lúa của huyện, vụ xuân 2013 năng suất lúa của xã đạt 75 tạ/ha. Do thu hoạch lúa xuân nhanh, gọn, cùng với cơ giới hoá toàn bộ khâu làm đất ngày 2-7 tất cả các hộ đổ ra đồng cấy lúa mùa trước lịch của xã 3 ngày và chỉ trong một tuần toàn bộ diện tích lúa mùa đã cấy xong. Vụ này, xã giảm gần một nửa diện tích cấy giống BC15 so với kế hoạch, tăng diện tích cấy giống lúa lai Bắc ưu 903 kháng bệnh bạc lá, đạt gần 40% diện tích. Vùng nếp đặc sản gieo cấy trên 20% diện tích, cấy tập trung, tiện cho chăm sóc và bảo vệ. Đây là diện tích gieo cấy đạt hiệu quả cao nhất trong vụ mùa của xã nhiều năm qua. Còn ở xã Việt Hùng, 492ha lúa mùa cũng đang được tiến hành rút nước lộ ruộng, lúa tốt đồng đều ngăn ngắt một màu xanh. Vụ mùa này, xã Việt Hùng kết thúc cấy trước ngày 10-7. Bài học "mất mùa riêng" do bệnh bạc lá lúa trong vụ mùa trước đã được rút kinh nghiệm, UBND xã quyết định không đưa giống lúa BT7 vào cơ cấu nhiều vụ mùa gần đây. Không riêng xã Việt Hùng, vụ mùa này trên địa bàn huyện Trực Ninh còn nhiều xã, HTX thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh và ngành Nông nghiệp không gieo cấy giống lúa BT7 như Thị trấn Cổ Lễ, các xã, HTX Đông Thượng, Trực Tuấn, Trực Thành, Trực Thái, Trực Phương… Ở các xã Trực Thắng, Trực Đại, Trực Thái, Trực Hùng… vụ này thêm nhiều vùng sản xuất lúa chuyên canh với mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML). Đặc biệt những CĐML chuyên sản xuất lúa giống, hạt lai F1 mẫu mực theo chương trình liên kết giữa nông dân và Cty TNHH Cường Tân theo phương thức đầu vào, đầu ra và cả kỹ thuật đều do doanh nghiệp đảm nhận mang lại hiệu quả kinh tế gấp 3-5 lần trồng lúa đại trà. Để cách ly về thời gian, các CĐML này được cấy sớm hơn các trà mùa sớm trên dưới 10 ngày, nên lúa đã có đòng lớn, chỉ gần nửa tháng nữa là trỗ bông, khoảng trung tuần tháng 9 sẽ cho thu hoạch. Nhiều năm nay trên 200ha này sau khi thu hoạch lúa mùa đều tổ chức trồng cây vụ đông với cây chủ lực là dưa chuột trung tử, bao tử, bí xanh, ngô ngọt… Trong đó với cây dưa chuột trung tử, bao tử, ngô ngọt được doanh nghiệp cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm. Do vậy chỉ riêng vụ đông nhiều hộ nông dân đã có nguồn thu lớn, ổn định, với cả trăm triệu đồng/ha. Vùng chuyên canh này đang thực sự là những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cả 3 vụ trong năm.

Không chỉ trong vụ xuân, mà cả vụ mùa 2013 huyện Trực Ninh chuyển đổi mạnh cơ cấu giống và cơ cấu mùa vụ. Huyện dẫn đầu toàn tỉnh về tiến độ gieo cấy. Đến ngày 12-7-2013, toàn bộ 7.874ha lúa mùa của huyện đã cơ bản cấy xong, sớm hơn kế hoạch 8 ngày và sớm hơn nửa tháng so với vụ mùa năm 2012. Chính vì vậy các đợt mưa lớn sau bão số 2, số 5, số 6 huyện không có diện tích lúa mùa phải cấy lại, cấy dặm. Lịch gieo mạ cũng được đẩy sớm hơn lịch của tỉnh và mỗi địa phương chỉ gieo 1 trà, kết thúc gieo mạ trước 25-6 để các địa phương tập trung cấy lúa mùa từ ngày 1 đến ngày 10-7-2013… Gieo mạ cùng trà, cấy cùng trà nên vụ mùa 2013 cả huyện cơ bản là trà mùa sớm và trà mùa trung sớm. Trà lúa mùa trung căn cứ vào thời gian sinh trưởng của từng loại giống, riêng trà đặc sản được đẩy sớm hơn, đầu tháng 6 các địa phương đã tổ chức gieo mạ, mạ "đủ tuổi" cấy ngay. Về cơ cấu giống lúa, nếu những vụ mùa các năm trước tỷ lệ gieo cấy giống lúa BT7 thường chiếm 30-50% diện tích thì vụ mùa 2013 giống BT7 chỉ là 19%; giống BC15 cả huyện chỉ còn 21% diện tích. Việc giảm diện tích gieo cấy các giống lúa BT7, BC15, đồng thời đưa các giống lúa tiến bộ kỹ thuật cho năng suất khá, chất lượng cao vào gieo cấy như RVT, NĐ5… với tỷ lệ trên 12% diện tích là cố gắng lớn của huyện Trực Ninh. Một số HTX như Đông Thượng, Trung Lao… còn gieo cấy 70-80% diện tích bằng giống lúa thuần chất lượng cao RVT. Mặc dù tập trung cho gieo cấy các giống lúa thuần năng suất khá, chất lượng cao, vụ mùa 2013 huyện Trực Ninh vẫn giữ được 35,14% diện tích cấy các giống lúa lai, tập trung ở vùng trũng như các xã Phương Định, Trực Phú, Trực Hùng và Thị trấn Cổ Lễ.

Chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, theo phương châm sử dụng các giống lúa năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu tốt, thời gian sinh trưởng ngắn thay thế các giống dài ngày, giống nhiễm bệnh và đẩy sớm thời vụ nhằm bảo đảm an toàn, hiệu quả, bền vững trong sản xuất, giải phóng đất sớm, tiến tới luân canh 3 vụ trong năm đang tạo ra nhiều lợi thế trong sản xuất nông nghiệp của Trực Ninh./.

Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com