Tập trung bảo vệ lúa mùa

07:08, 22/08/2013

Hiện nay 78.300ha lúa mùa của tỉnh đang trong giai đoạn đứng cái làm đòng. Theo thống kê của Sở NN và PTNT, trên 90% diện tích lúa tốt, độ đồng đều cao, số dảnh hữu hiệu đã đạt 400 dảnh/m2 trở lên, không có diện tích lúa xấu. Các địa phương đang tiến hành rút nước lộ ruộng 10-12 ngày bảo đảm cho lúa cứng cây, bộ rễ bám sâu, chống đổ tốt và hạn chế lúa đẻ nhánh vô hiệu. Căn cứ vào lịch gieo cấy, toàn tỉnh sẽ có 6.300ha lúa mùa trỗ trước ngày 31-8 và 21.300ha trỗ trước ngày 5-9 (chiếm 27,2% diện tích) và cho thu hoạch trước ngày 5-10.

Nông dân xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) đặt bẫy sập diệt chuột, bảo vệ lúa mùa 2013.
Nông dân xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) đặt bẫy sập diệt chuột, bảo vệ lúa mùa 2013.

Để giành vụ lúa mùa thắng lợi, trong thời gian tới các địa phương cần làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh hại lúa đến lúc thu hoạch. Đặc biệt phải chú trọng diệt chuột và chống úng, ngập do vụ mùa năm nay mưa, bão nhiều... Theo nhận định của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, đối tượng sâu bệnh chính hại lúa mùa năm nay chủ yếu là sâu cuốn lá nhỏ lứa 6, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân… có mật độ cao hơn trung bình nhiều năm; các loại bệnh đạo ôn lá, đốm sọc vi khuẩn, bạc lá… gây hại cục bộ. Chi cục đã dự kiến mật độ, thời gian gây hại, cách phòng trừ, những loại thuốc đặc hiệu cụ thể để các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế để triển khai phòng trừ theo nguyên tắc “4 đúng”. Riêng bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn hiện chưa có thuốc đặc trị nên các địa phương chỉ đạo các hộ nông dân không phun thuốc phòng trừ, tránh lãng phí và ô nhiễm môi trường. Nếu các loại sâu: cuốn lá nhỏ, rầy lưng trắng và bệnh khô vằn cùng xuất hiện thì các địa phương hướng dẫn để nông dân phối hợp phun đồng thời 3 loại thuốc và giữ nguyên nồng độ của mỗi loại. Nếu sâu cuốn lá và sâu đục thân cùng xuất hiện thì chỉ cần phun thuốc trừ sâu đục thân và phun theo lúa trỗ sẽ trừ được cả hai đối tượng này. Đặc biệt, nạn chuột năm nay xuất hiện và gây hại lớn. Từ đầu vụ đến nay, các địa phương đã sử dụng 1.398kg thuốc chuột, 9.500kg bả thuốc và hàng chục vạn bẫy kẹp, bẫy sập… để diệt chuột. Ở một số địa phương thực hiện thu mua đuôi chuột để khuyến khích diệt chuột, đã thu được tới 64.900 đuôi. Đến nay, toàn tỉnh có 264ha lúa bị chuột phá ở mức 3-5%, cao hơn cùng kỳ năm trước và đang có chiều hướng gia tăng. Hiện các địa phương đang tăng cường chỉ đạo bà con nông dân diệt chuột bằng nhiều biện pháp để bảo vệ sản xuất. Những năm qua công tác làm thuỷ lợi đã được các địa phương tập trung thực hiện theo hướng từng bước hoàn chỉnh hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Riêng năm 2012, cùng với việc dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, các địa phương, các Cty TNHH một thành viên KTCTTL trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đào đắp, nạo vét gần 4 triệu m3 thuỷ lợi nội đồng, tăng gấp đôi so với các năm trước. Ngoài ra, ở các huyện, thành phố đều triển khai các dự án củng cố hệ thống thuỷ lợi với giá trị hàng chục tỷ đồng góp phần nâng cao năng lực tưới, tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trục tiêu chính trên địa bàn tỉnh như sông Tiên Hương, T3, T5 thuộc hệ thống thuỷ lợi Cốc Thành; các sông tiêu S48, S40 thuộc hệ thống thuỷ lợi Cổ Đam; kênh Quỹ Nhất, Long Thành (Nghĩa Hưng); các sông Ngòi Cau, Doanh Châu, Đối, Trệ (Hải Hậu); kênh Bà Nữ - Cát Chử, Bà Nữ - Cổ Lễ thuộc 2 huyện Nam Trực, Trực Ninh… chưa có kinh phí nạo vét hoặc mới nạo vét được từng đoạn cục bộ. Trường hợp mưa lớn vượt tần suất thiết kế sẽ gây úng, ngập ảnh hưởng không nhỏ đến lúa mùa, nhất là khi lúa chuẩn bị chín. Vụ mùa năm 2013 nhiều mưa, bão, chỉ riêng từ đầu vụ đến nay, tỉnh ta đã chịu ảnh hưởng của 3 cơn bão với lượng mưa trung bình toàn tỉnh đạt trên dưới 100mm, gây ngập, úng diện rộng. Nhờ đẩy sớm thời vụ gieo cấy nên úng, ngập gần như chưa ảnh hưởng đến lúa mùa, nhưng cũng làm một số diện tích lúa gieo cấy muộn phải dặm tỉa cục bộ. Đặc biệt, các Cty TNHH một thành viên KTCTTL đã tiêu rút nước đệm trước khi có bão và huy động tất cả các trạm bơm, các máy bơm dã chiến chống úng ngay trong mưa bão nên đã bảo vệ an toàn được toàn bộ diện tích lúa mùa.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, tháng 9 vẫn có thể xảy ra các trận mưa lớn. Vì vậy, các địa phương và các Cty TNHH một thành viên KTCTTL cần tập trung chống úng với phương châm “vụ mùa lấy chống úng là chính”. Ngoài việc bảo đảm đủ điện cho các trạm bơm, các cống tiêu lớn hoạt động, các Cty TNHH một thành viên KTCTTL phải thường xuyên kiểm tra, sửa chữa khắc phục kịp thời các sự cố, hư hỏng trên hệ thống công trình, nhất là các cống đầu mối, các trạm bơm, các đập điều tiết quan trọng, các trục kênh chính; phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, phân loại, lập phương án giải toả các vi phạm, khơi thông dòng chảy. Vận hành công trình bảo đảm đúng quy trình, sát với diễn biến của thời tiết, thuỷ văn và phù hợp với thực tiễn sản xuất. Vùng tưới tiêu bằng động lực, lấy nước tưới chủ yếu qua kênh nổi, hạn chế lấy nước tưới qua kênh tiêu, duy trì đúng mực nước khống chế trong hệ thống theo từng thời kỳ, chủ động tiêu rút nước đệm khi có dự báo thời tiết xấu. Vùng tưới tiêu tự chảy thực hiện lấy nước nhanh, tiêu nước nhanh; việc đóng, mở cống dưới đê phải thực hiện đúng quy định PCLB và quy trình vận hành. Các Cty sẵn sàng đưa máy bơm dự trữ vào hoạt động khi có úng lớn xảy ra. Các xã, thị trấn tiếp tục củng cố, ấp trúc bờ vùng, bờ thửa; chủ động phòng, chống úng, chuẩn bị thêm các máy bơm dầu, bơm điện sẵn sàng tham gia chống úng. Khi lúa đã chín huy động mọi lực lượng, phương tiện tổ chức thu hoạch nhanh, gọn theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, triển khai đồng bộ các biện pháp để giành thắng lợi vụ lúa mùa năm 2013./.

Bài và ảnh: Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com