Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm

07:08, 02/08/2013

Những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh và các ngành chức năng, ngành chăn nuôi của tỉnh tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá; chăn nuôi trang trại, gia trại đang dần thay thế chăn nuôi nhỏ lẻ tận dụng trong nông hộ. Đến thời điểm 1-4-2013, tổng đàn lợn toàn tỉnh đạt trên 698,4 nghìn con, đàn trâu bò 45 nghìn con, đàn gia cầm 6,5 triệu con. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của chăn nuôi, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm (GSGC) như cúm gia cầm, tai xanh ở lợn, lở mồm, long móng ở trâu, bò… thường xuyên diễn biến phức tạp, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Trong 6 tháng đầu năm 2013, ngành chăn nuôi của tỉnh tiếp tục gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá bán sản phẩm thấp, khó tiêu thụ, dịch bệnh hoành hành bao gồm cả cúm gia cầm, dịch lợn tai xanh. Dịch xảy ra chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ và chăn nuôi gia trại tại các xã có mật độ chăn nuôi cao, vùng nuôi lợn sữa, có nhiều người kinh doanh buôn bán lợn và các sản phẩm từ lợn. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, cấp ủy, chính quyền các địa phương và các hộ chăn nuôi trong tỉnh đã tập trung bao vây, khống chế dập dịch bệnh. Tuy nhiên, dịch bệnh đã gây thiệt hại cho chăn nuôi và tác động không nhỏ đến đời sống ở các địa phương có dịch. Qua thực tế phòng, chống dịch cho thấy, không chỉ có ý thức, trách nhiệm của người chăn nuôi còn hạn chế mà công tác quản lý Nhà nước về chăn nuôi, thú y cũng bộc lộ những bất cập, yếu kém. Đặc biệt những thiếu sót trong cách lãnh đạo, quản lý tổ chức chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch của cấp uỷ Đảng, chính quyền và hệ thống cán bộ thú y một số địa phương là những bài học cần rút kinh nghiệm nghiêm túc để nhanh chóng khắc phục.

Phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh.
Phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh.

Thời gian tới, ngành chăn nuôi sẽ phải tiếp tục đối mặt với những khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp dễ phát sinh dịch bệnh; chăn nuôi trong nước vẫn phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm nhập khẩu, dịch bệnh diễn biến bất thường và luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên diện rộng, nhất là dịch cúm gia cầm, dịch tai xanh trên lợn. Nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn GSGC trong những tháng cuối năm, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là người chăn nuôi hiểu được lợi ích của việc chủ động triển khai các biện pháp phòng dịch như: chọn, nuôi con giống khỏe mạnh, đảm bảo vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin. Các cấp, các ngành cần tăng cường phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật chăn nuôi; các quy định phòng, chống dịch bệnh, giám sát, phát hiện, báo cáo và xử lý dịch cho các tổ chức đoàn thể, lực lượng an ninh của xã, người chăn nuôi, người buôn bán, giết mổ, vận chuyển các sản phẩm GSGC… Các địa phương cần tổ chức tốt công tác tiêm phòng vắc xin theo quy định; đẩy sớm lịch tiêm phòng vắc xin định kỳ vụ thu từ ngày 15-8 đến 30-9 và tổ chức tiêm bổ sung hằng tháng cho những GSGC mới phát sinh để hạn chế dịch bệnh kế phát. Thú y xã phối hợp với trưởng thôn, xóm quản lý chắc đàn lợn đực giống và đàn lợn nái, xác định thời điểm thích hợp để tiêm đầy đủ cho cả lợn mẹ và lợn con. Tập trung mọi nguồn lực, chỉ đạo tiêm vắc xin đảm bảo đạt tỷ lệ 80% tổng đàn trở lên. Các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện số 04/CĐ-BNN-TY của Bộ NN và PTNT; Chỉ thị số 05/CT-UBND của UBND tỉnh về việc đẩy mạnh các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch lợn tai xanh và cúm gia cầm; vận động các hộ chăn nuôi gia cầm, nhất là các hộ nuôi vịt phải chủ động mua vắc xin cúm gia cầm A (H5N1) chủng Re-6 để tiêm phòng cho đàn gia cầm từ 14 ngày tuổi trở lên. Trong công tác giám sát, báo cáo, xử lý dịch, UBND các xã, thị trấn giao cho trưởng thôn, xóm chịu trách nhiệm rà soát, thống kê tổng đàn, giám sát dịch bệnh GSGC tại các hộ chăn nuôi của xóm, thường xuyên báo cáo tình hình tại cuộc họp giao ban tuần, tháng của xã và báo cáo đột xuất khi dịch xảy ra; khi phát hiện GSGC ốm chết bất thường phải báo cáo ngay cho trưởng thú y xã hoặc UBND xã để có biện pháp xử lý kịp thời, không để dịch lây lan ra diện rộng. Các địa phương cần chủ động bố trí nơi tiêu hủy GSGC; thành lập các tổ chuyên trách phòng, chống dịch của xã như: tổ tuyên truyền, tổ tiêu hủy, tổ phun hóa chất, tổ tiêm phòng… để triển khai kịp thời các biện pháp chống dịch ngay sau khi phát hiện dịch bệnh. Để nâng cao hiệu quả trong chỉ đạo phòng, chống dịch, các xã, thị trấn phải có phương án cụ thể, sâu sát tới tận thôn, xóm và hộ chăn nuôi; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, có biện pháp quản lý thú y để gắn trách nhiệm của người nuôi trong giám sát dịch bệnh, tiêm phòng vắc xin… Bên cạnh đó, cần có kế hoạch chủ động lấy mẫu giám sát huyết thanh học, mẫu bệnh phẩm xét nghiệm để cảnh báo sớm dịch bệnh. Về công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phải được thực hiện đồng loạt, thường xuyên theo chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn của Sở NN và PTNT. Theo đó, các địa phương phải thường xuyên tổ chức quét dọn vệ sinh, thu gom đốt rác thải; phun hóa chất, rắc vôi bột ở các chuồng trại chăn nuôi; các trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung, các chợ, cơ sở giết mổ GSGC, nhất là ở những xã có ổ dịch cũ, vùng nguy cơ cao; thường xuyên thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, thu gom chất thải. Hằng tháng, UBND các xã, thị trấn, các thôn, xóm tổ chức tổng vệ sinh môi trường nơi công cộng, đồng thời tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm soát điều kiện vệ sinh thú y cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ động vật; kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh con giống, buôn bán, vận chuyển, giết mổ GSGC và sản phẩm GSGC trên địa bàn tỉnh; yêu cầu các hộ kinh doanh giết mổ cam kết không giết mổ, vận chuyển GSGC mắc bệnh tại vùng có dịch. Tăng cường hoạt động 4 chốt kiểm dịch đầu mối giao thông của tỉnh. Thành lập đội kiểm dịch lưu động, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép ra, vào tỉnh./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com