Sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững

07:08, 22/08/2013

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh ta phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, góp phần nâng cao đời sống cho nông dân. Tuy nhiên, việc lạm dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và các chất kích thích sinh trưởng để tăng năng suất, sản lượng cây trồng; việc xử lý các chất thải trong chăn nuôi và nước thải trong nuôi trồng thủy sản chưa triệt để đã và đang làm gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng cũng như sự phát triển bền vững của ngành.

Tình trạng sử dụng thuốc BVTV bừa bãi có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường (Trong ảnh: Nông dân xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc phun thuốc trừ sâu cho lúa mùa).
Tình trạng sử dụng thuốc BVTV bừa bãi có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường (Trong ảnh: Nông dân xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc phun thuốc trừ sâu cho lúa mùa).

Với diện tích đất canh tác nông nghiệp 89 nghìn ha, gồm 80 nghìn ha lúa và 9 nghìn ha đất màu, hằng năm, nông dân trong tỉnh sử dụng khoảng 170 nghìn tấn phân bón và hàng trăm tấn thuốc BVTV các loại, cùng các chất kích thích sinh trưởng có nguồn gốc hoá học. Việc lạm dụng nhiều thuốc BVTV, chất kích thích sinh trưởng, phân bón hoá học không đúng quy trình tác động đến các vi sinh vật, các thiên địch có ích trong môi trường, đồng thời làm phát triển thêm các sinh vật có hại và giảm đa dạng sinh vật có ích trong thiên nhiên, làm giảm độ phì nhiêu của đất trồng. Mặt khác, sau khi sử dụng, các loại hoá chất này một phần bị ô-xy hoá thành dạng khí bay lên, một phần được cây trồng hấp thụ vào nông sản, còn một lượng lớn được rửa trôi theo nguồn nước chảy vào kênh mương, ao, hồ và trầm tích ở đáy sông, ngòi. Đó là chưa kể đến số lượng lớn các loại chai, lọ, bao bì thuốc BVTV vốn là loại rác thải nguy hại nhưng hầu hết không được xử lý mà bị vứt bỏ bừa bãi. Những năm gần đây, có thêm tình trạng đốt rơm, rạ sau thu hoạch gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do khói, bụi. Trong chăn nuôi, phân và nước thải tuy chứa các thành phần NPK rất hữu ích cho cây trồng, nhưng chính các chất này lại sản sinh ra các loại khí CH4, H2S, CO2, NH3... gây ô nhiễm không khí và môi trường sống của con người và động vật. Theo ước tính của ngành chức năng, tổng khối lượng chất thải chăn nuôi ở tỉnh ta mỗi năm khoảng trên 1 triệu tấn. Ngày càng có nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn, khiến nguy cơ và mức độ ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, nhất là trong cơ sở chăn nuôi khép kín và tập trung chất thải vào những khu vực nhỏ. Tình trạng người chăn nuôi thiếu ý thức cộng đồng, vứt xác gia súc, gia cầm chết vì dịch bệnh ra môi trường cũng đang là vấn đề nhức nhối gây nguy hại cho môi trường, làm lây lan dịch bệnh. Trong nuôi trồng thủy sản, tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra do thức ăn dư thừa phân hủy thối rữa kết hợp với phân và các loại rác thải khác đọng lại dưới đáy ao nuôi. Ngoài ra, còn các hóa chất, kháng sinh được sử dụng trong quá trình nuôi tồn dư trong nước và đáy ao, đầm mà không được xử lý. Việc hình thành lớp bùn đáy do tích tụ lâu ngày của các chất hữu cơ, cặn bã là nơi sinh sống của các vi sinh vật gây thối, các vi sinh vật sinh các khí độc như NH3, NO2, H2S, CH4...; các vi sinh vật gây bệnh như: Vibrio, Aeromonas, Ecoli, Pseudomonas, Proteus, Staphylococcus... cùng nhiều loại nấm và nguyên sinh động vật. Việc xả bừa bãi nước thải không những gây ô nhiễm môi trường mà còn khiến dịch bệnh phát sinh, lây lan trên diện rộng cho các vùng nuôi.

Để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, những năm qua, các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp như: Tổ chức tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, dự báo viên BVTV ở cấp cơ sở về sử dụng thuốc BVTV, quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa và rau màu. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng đúng thuốc BVTV trong danh mục cho phép và thu gom, xử lý đúng cách bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng; xây dựng những mô hình trình diễn về sử dụng thuốc BVTV góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nông dân trong sản xuất theo hướng nông nghiệp sinh thái bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tại nhiều địa phương đã xây dựng mô hình thu gom rác thải sinh hoạt gắn với thu gom bao bì các loại thuốc BVTV đã sử dụng, từng bước khắc phục thói quen xả thải phế phẩm nông nghiệp bừa bãi. Để ngăn chặn, hạn chế việc đốt rơm, rạ sau thu hoạch, một số mô hình được nghiên cứu và triển khai như: sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm, rạ, phụ phẩm ngay tại ruộng để trả lại lượng mùn, chất hữu cơ cho đất; mô hình trồng khoai tây trên đất hai lúa bằng phương pháp phủ rơm, rạ… Về công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong chăn nuôi, các ngành chức năng thường xuyên phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức đánh giá hiện trạng, tác động của ô nhiễm môi trường đối với phát triển kinh tế - xã hội và có biện pháp xử lý đối với các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm; đồng thời vận động người dân đầu tư các nguồn lực để xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học như nuôi lợn trên nền đệm lót sinh thái, sử dụng công nghệ khí sinh học biogas để xử lý chất thải, giảm ô nhiễm, nâng cao hiệu quả chăn nuôi; phổ biến rộng rãi việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi để giảm mùi hôi thối, diệt khuẩn có hại và tăng khả năng phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi. Trong lĩnh vực thủy sản, Sở NN và PTNT tăng cường quản lý thức ăn, hóa chất, thuốc kháng sinh, chế phẩm sinh học sử dụng trong nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm túc quy trình nuôi, nhất là quy trình chuẩn bị ao nuôi. Tại các địa phương phát triển nuôi thuỷ sản, nhiều CLB, hội nghề nghiệp được thành lập nhằm nâng cao trách nhiệm và tính cộng đồng trong việc BVMT nguồn nước vùng nuôi. Hiện nay, nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản theo quy trình VietGAP đã và đang được nhân rộng.

Để BVMT bền vững, không bị ảnh hưởng nặng do sự lạm dụng thuốc hoá học trong sản xuất nông nghiệp, cần tiến hành đồng bộ các biện pháp trong tất cả các khâu của quy trình sản xuất. Đối với ngành trồng trọt, cần ứng dụng rộng rãi công nghệ IPM (công nghệ phòng trừ dịch hại tổng hợp) trong phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng. Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sạch vào sản xuất. Kiểm soát chặt chẽ việc lưu hành và sử dụng những loại thuốc BVTV không có trong danh mục cho phép. Sau khi phun thuốc phải bảo đảm đúng thời gian cách ly mới được thu hoạch sản phẩm. Để giảm bớt ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, các cấp, các ngành cần phối hợp với các địa phương tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch tổng thể cho cả vùng nuôi, đưa các trang trại ra khỏi các khu dân cư. Đối với nuôi trồng thủy sản, cần dựa trên các điều tra cơ bản về chất đất, chất nước của từng vùng trong địa bàn quản lý để có những quy định về đối tượng nuôi, hình thức nuôi phù hợp. Nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thủy sản theo quy trình VietGAP./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com