Phát triển hệ thống phân phối bán lẻ theo hướng kinh doanh hiện đại thông qua hệ thống trung tâm thương mại và siêu thị là xu thế tất yếu trong tiến trình CNH-HĐH. Cùng với sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho giao thương phát triển, tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư xây dựng siêu thị, trung tâm thương mại, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của nhân dân.
I - Thực trạng phát triển siêu thị
Thực hiện Nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh phát triển thương mại - du lịch giai đoạn 2011-2015 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch phát triển thương mại giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn đến năm 2025. Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Công thương đã quy hoạch phát triển hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020. Cùng với việc hoàn thiện các quy hoạch, UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực thương mại như: cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng thương mại; chính sách hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; áp dụng chính sách giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các chủ thể sản xuất, kinh doanh đầu tư xây dựng chợ, trung tâm thương mại và miễn, giảm thuế nhập khẩu đối với các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của các công trình hạ tầng thương mại... Hiện, trên địa bàn Thành phố Nam Định, ngoài hai siêu thị tổng hợp là Big C, Micom Plaza có một số cơ sở đầu tư dạng siêu thị chuyên doanh như: Sách Ngọc Bình, Đồ gỗ Tùng Lâm, Đồ gỗ Hoa Phương… đã đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng cao của nhân dân, góp phần hiện đại hóa đô thị và giúp người dân tiếp cận với các hình thức kinh doanh hiện đại và tiện ích. Sản phẩm bày bán trong siêu thị đều bảo đảm các quy định về quản lý hàng hóa thương mại như có trích dẫn nguồn gốc xuất xứ, chế độ bảo quản, thời hạn sử dụng cơ bản đáp ứng yêu cầu về ATVSTP. Các siêu thị chủ động xây dựng mối liên kết thu mua hàng hóa với các làng nghề CN-TTCN, vùng sản xuất nông, thủy sản tập trung trên địa bàn, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển “nóng” của các trung tâm thương mại và siêu thị trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập dẫn đến một số trung tâm thương mại, siêu thị phải ngừng hoạt động. Theo thống kê của ngành chức năng, trong tổng số 11 siêu thị trên địa bàn có 7 siêu thị kinh doanh tổng hợp (2 siêu thị hạng I, 5 siêu thị hạng III) và 4 siêu thị chuyên doanh đạt điều kiện kinh doanh hạng III. Cả 11 siêu thị này đều tập trung ở Thành phố Nam Định trong khi trên địa bàn còn có 19 chợ dân sinh truyền thống, 1 chợ đầu mối và nhiều chợ "xanh", chợ "cóc" tự phát trong khu dân cư cung ứng đầy đủ các loại hàng hóa phục vụ tiêu dùng. Mặt khác, phần đông người dân trên địa bàn có mức sống trung bình và thói quen mua sắm ở các chợ truyền thống… trong khi một số siêu thị chưa tiếp cận được với nguồn hàng từ gốc nên giá bán hàng luôn cao hơn sản phẩm cùng loại bán ở chợ. Do đó, lượng hàng hóa bán ra của siêu thị ít, hàng tồn kho nhiều khiến chi phí bảo quản sản phẩm, vận hành bộ máy nhân sự và các thiết bị phụ trợ lớn dẫn đến hoạt động kém hiệu quả. Một số siêu thị như Happymart, Bách Đại đã tổ chức thêm các dịch vụ gia tăng để thu hút khách hàng như tổ chức khu vui chơi cho trẻ em và trông giữ trẻ khi khách hàng có nhu cầu. Tuy nhiên do đầu tư thiếu chuyên nghiệp nên không hấp dẫn khách hàng. Chị Trần Thị Hoa, Khu đô thị Hòa Vượng cho biết: “Tuần nào gia đình tôi cũng cho các cháu đi siêu thị để kết hợp với tham quan, khảo sát giá trị, chất lượng hàng hóa; còn việc mua sắm chỉ lựa chọn một vài món đồ lạ mà ngoài thị trường khó kiếm, còn trong siêu thị thực phẩm không thể tươi ngon như mua ở chợ, hàng công nghệ phẩm, đồ gia dụng thường có giá cao hơn so với ở chợ, lại mất nhiều thời gian cho việc gửi xe, thanh toán hoặc đổi hàng khi có trục trặc…”. Đây là khó khăn ở hầu hết ở các siêu thị kinh doanh tổng hợp hạng III. Tuy nhiên, khi các siêu thị lớn như Big C, Micom Plaza khai trương với mức đầu tư lớn, nguồn hàng phong phú, hoạt động chuyên nghiệp thì các siêu thị nhỏ hạng III không thể cạnh tranh được, phải ngừng hoạt động. Hiện đã có 5 trong tổng số 11 siêu thị gồm: Thành Nam, May Thăng Long, Bách Đại, Happymart và An Nam Plaza ngừng hoạt động.
Khách hàng mua sắm đồ dùng học tập cho trẻ em tại Siêu thị Micom Plaza. |
II - Để các siêu thị phát triển bền vững
Trước thực trạng khó khăn, các siêu thị trên địa bàn đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp kinh doanh để cạnh tranh, với chiến lược phát triển kinh doanh dài hơi. Ra đời muộn nhất so với các siêu thị trên địa bàn nhưng Micom Plaza được đánh giá là siêu thị có triển vọng nhất về mức đầu tư, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, các công trình phụ trợ phục vụ cho việc vận hành siêu thị và tiện ích đối với khách hàng. Với quy mô 6 tầng, xây dựng kiên cố trên tổng diện tích sàn hơn 42 nghìn m2, trong đó 1 tầng hầm là khu gửi phương tiện của khách và 5 tầng nổi. Tháng 6-2012, Micom Plaza chính thức khai trương và đưa vào khai thác giai đoạn I. Ngoài tổ chức kinh doanh hàng tiêu dùng, hàng điện máy, nội thất, siêu thị bố trí tầng 3 làm trung tâm vui chơi, giải trí thu hút khá đông thanh, thiếu niên. Hiện, siêu thị đang cung cấp hơn 30 nghìn chủng loại sản phẩm các nhóm hàng chính: điện tử, điện lạnh, máy văn phòng, thiết bị nội thất, hàng tiêu dùng, hàng gia dụng và thực phẩm đóng gói; trong đó 70% là hàng Việt Nam. Để thu hút khách hàng, siêu thị đăng ký làm đại lý chính thức cho các sản phẩm có thương hiệu lớn để cung cấp sản phẩm đạt chất lượng cao và mức giá hợp lý mang tính cạnh tranh; ký hợp đồng mua hàng dài hạn, số lượng lớn để ổn định giá cả hàng hóa và giảm giá thành sản phẩm; tổ chức sản xuất và đặt hàng nhà sản xuất để có sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu Micom Plaza; thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mại và tham gia chương trình bán hàng bình ổn giá… Nhờ đó, trung bình mỗi ngày, siêu thị đón khoảng 10 nghìn lượt khách hàng đến tham quan, mua sắm, doanh thu hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó, Micom Plaza cũng đang xúc tiến xây dựng khu nuôi trồng, sản xuất nông sản sạch công nghệ cao để chủ động cung ứng nguồn thực phẩm sạch đến khách hàng và hoàn thiện chuỗi cung ứng sản phẩm hàng hóa trực tiếp từ sản xuất đến tay người tiêu dùng. Siêu thị Big C cũng đưa ra mô hình mới như: “Big C - Nơi mua sắm của cả gia đình” với việc cung ứng hàng hóa giá rẻ đã và đang thu hút nhiều khách hàng đến tham quan, mua sắm. Với nguồn hàng phong phú, giá rẻ, chất lượng được kiểm soát kèm theo nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá quy mô lớn cùng các dịch vụ hỗ trợ như giao hàng miễn phí, xe buýt đưa, đón khách liên tỉnh và thanh toán trực tiếp qua thẻ Visa, Master, Amex, JCB, Vietcombank, các ngân hàng liên minh. Đặc biệt thành công của Big C còn được ghi nhận qua việc vận hành luân chuyển sản phẩm giữa 16 siêu thị trên toàn quốc trong hệ thống Big C theo hướng nơi nào có nhu cầu cung ứng sản phẩm mạnh thì tập trung, đồng thời luân chuyển sản phẩm không phù hợp với văn hóa tiêu dùng của người dân địa phương, nên lượng hàng hóa của siêu thị luôn dồi dào, phong phú về mẫu mã và chủng loại, thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương. Bên cạnh đó, Big C đã tập trung cho công tác đào tạo nhân viên về kỹ năng bán hàng, giới thiệu sản phẩm và tư vấn khách hàng nên chiếm được cảm tình của khách hàng…
Để tháo gỡ khó khăn, phát triển các trung tâm thương mại và siêu thị theo hướng bền vững, cùng với sự nỗ lực của các siêu thị, tỉnh cần tiếp tục có cơ chế, chính sách hấp dẫn nhằm thu hút đầu tư xây dựng siêu thị và trung tâm thương mại. Tăng cường đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng xung quanh khu vực siêu thị và trung tâm thương mại, trong đó có hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc... Khuyến khích và tạo hành lang pháp lý cho việc liên kết giữa các siêu thị, trung tâm thương mại với các cá nhân, tổ chức trong việc tiêu thụ sản phẩm sản xuất tại địa phương… Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần quyết liệt hơn trong việc yêu cầu các đơn vị kinh doanh thực hiện đúng quy định phân cấp trong quản lý và dẹp bỏ các chợ cóc, chợ tạm. Phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có thêm 25 siêu thị từ hạng I đến hạng III và 6 trung tâm thương mại tại cả 10 huyện và thành phố, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trao đổi hàng hóa của nhân dân trong tỉnh./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương