Nghề chạm khắc gỗ Yên Mỹ

05:08, 31/08/2013

La Xuyên (xã Yên Ninh, huyện Ý Yên) là địa chỉ của những sản phẩm thủ công chạm khắc gỗ nổi tiếng trong và ngoài nước. Có điều, ít người biết rằng, để phát triển thương hiệu chạm khắc gỗ La Xuyên có sự góp sức không nhỏ từ sản phẩm của làng nghề chạm khắc (dân gian gọi là đục lèo) lân cận như xã Yên Mỹ. Người dân trong xã tự nhận mình là “vệ tinh” nhỏ của “ông chủ” lớn La Xuyên. Nghề chạm khắc gỗ đã giúp người dân Yên Mỹ có “của ăn của để”, tạo sự khởi sắc cho một xã nghèo thuần nông.

Làng nghề vệ tinh

Đi khắp các “hang cùng ngõ hẻm” của Yên Mỹ, đâu đâu, chúng tôi cũng nghe tiếng đục cạch cạch, tiếng cười nói râm ran vọng ra như bản nhạc nền, khuấy động cả một làng quê thanh bình, yên ả. Từ trong nhà ra mái hiên, từ ngoài sân đến ven đường làng ngõ xóm đều được người dân tận dụng làm nơi sản xuất. Những cái đục lưỡi sắt, sắc mỏng dưới sự điều khiển của người thợ “lành nghề” đang tạo hồn cho từng mảnh gỗ thô ráp. Đục, chạm là thao tác tạo hình khối và tạo hồn cho sản phẩm. Đây là công đoạn quan trọng nhất trong cả một hệ thống những công đoạn hoàn thiện sản phẩm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Sản phẩm chủ yếu của làng nghề là vai sập bao gồm 1 vai tiền và 2 vai ngang. Sập lại có ba bẩy loại sập: sập ba bông, sập cây (cây cảnh và cây rậm), sập vải, sập phúc... Sập có những họa tiết thanh tao, quý phái, đậm nét văn hóa truyền thống của làng quê Việt Nam. Các loại hoa, cây cảnh như tùng, trúc, cúc, mai; chim muông; các chữ cổ như phúc, lộc, thọ được đục, chạm khắc bằng tay rất tinh tế. Chúng vừa mang cốt cách của thú chơi tao nhã, vừa sang trọng. Do vậy, sập là thú chơi “sành” của những đại gia nhiều tiền lắm của. Các sản phẩm có bàn tay của người làm nghề Yên Mỹ được phân phối không những trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản và một số nước Đông Âu.

Cô thợ trẻ làng nghề.
Cô thợ trẻ làng nghề.

Mười lăm năm nay, làng chạm khắc gỗ Yên Mỹ luôn là “vệ tinh” đắc lực cho sự phát triển của thương hiệu làng nghề La Xuyên. Người dân có sẵn kinh nghiệm nghề mộc của cha ông truyền lại nên học và làm nghề không phải quá khó. Người làm nghề chủ yếu học 2 năm từ các nghệ nhân làm nghề “sừng sỏ” ở La Xuyên. Phương pháp truyền và học nghề là quan sát và thực hành trực tiếp trên gỗ nên ra nghề được, đều là những người vững về tay nghề. Người làm nghề chỉ dùng các dụng cụ đơn giản như tràng tách, đục đẩy, đục phá, đục tinh đã có thể tạo nên các sản phẩm mỹ thuật, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ ngày một cao của thị trường tiêu dùng. Tiếp chuyện chúng tôi, anh Bùi Ngọc Hiếu ở xóm Giữa, tay vẫn mềm mại phác thảo mẫu ra giấy cho biết: Từ những khúc gỗ tự nhiên, muốn biến thành sản phẩm có hồn, có vẻ là điều không hề dễ. Con mắt quan sát và óc tư duy hình khối quyết định đến sự thành công, giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật cho sản phẩm. Để tạo ra sản phẩm bước đầu, người làm nghề cần trải qua các công đoạn: phác thảo hình, vỡ cho ra hình vẻ (gọi là đục thô), gọt cho mềm và cuối cùng là quật cho mịn. Người làm nghề “cứng” chỉ cần dùng con mắt để phác thảo hình khối lên bản gỗ là vỡ được. Phác thảo có đúng, chuẩn, công đoạn vỡ mới dễ dàng và bớt vất vả. Ở Yên Mỹ, công đoạn này là do nam thanh niên có sức khỏe đảm nhiệm. Những người phụ nữ làm nghề được giao trọng trách đảm nhiệm công đoạn gọt cho mềm sản phẩm. Bởi, đây là công đoạn cần sự tinh tế, mềm mại và yêu cầu những “ngón nghề” riêng. Dù ở công đoạn nào, người làm nghề quan trọng nhất cần phải có sự kiên trì, say mê với công việc. Họ phải cặm cụi tối ngày, tỉ mẩn bóc tách, bỏ phần gỗ thừa, tạo ra những hình ảnh sống động, tinh xảo. Sự thông minh, ứng biến linh hoạt của những người làm nghề sẽ tạo ra một sản phẩm tinh tế mang tính nghệ thuật.

Nghề chạm khắc gỗ không kén chọn giới tính nhưng người làm nghề cần phải có sức khỏe. Mắt không tinh, sức khỏe không tốt thì có “lành nghề” đến đâu người làm nghề cũng không thể nào làm ra một sản phẩm đạt chất lượng. Do vậy, phần lớn người làm nghề Yên Mỹ ở trong độ tuổi từ 18 đến 45. Đây là độ tuổi sung sức nhất, nhiệt tình, hăng say và có đôi mắt tinh tường nhất của người làm nghề. Ngoài độ tuổi này, dù có tâm nhưng “mắt mờ chân chậm” người làm nghề chỉ có thể chuyển sang những công đoạn khác nhẹ nhàng hơn. Vì thế người làm nghề Yên Mỹ vẫn đùa nhau đây là nghề “đục đẽo” tuổi thanh xuân.

Giá trị kinh tế

Cách đây 15 năm, nghề chạm khắc gỗ ở Yên Mỹ xuất hiện khi người dân chủ yếu sống bằng nghề nông. Diện tích ruộng trên mỗi đầu người rất thấp. Cuộc sống của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhờ có nghề chạm khắc gỗ, kinh tế xã Yên Mỹ đã dần phát triển. Người dân đã có của dành dụm để xây dựng, kiến thiết. Đời sống vật chất, tinh thần của người làm nghề cũng đầy đủ hơn. Theo người làm nghề cho biết, giá thành sản phẩm bán trên thị trường dù kinh tế hưng thịnh hay suy thoái vẫn không thay đổi. Người làm nghề nhẩm tính ra ngay thu nhập mỗi tháng. Với người lao động làm cả hai công đoạn vỡ và gọt, bình quân 3-4 ngày đục xong một vai với thu nhập 500 nghìn đồng; bình quân người lao động thu lại từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Với người lao động làm chuyên một công đoạn vỡ cứng mỗi tháng thu nhập 5 đến 6 triệu đồng; gọt cứng thu nhập 3 triệu đồng. Tiếp chuyện chúng tôi, chị Trần Thị Vương ở xóm Đông tay vẫn đục những nhát rất ngọt xuống bản gỗ cho biết: Vì nhà đông anh em nên học hết cấp 2 chị xin bố mẹ cho học nghề chạm khắc gỗ tại La Xuyên. Tính đến nay, chị đã làm nghề vỡ gọt được gần chục năm. Hiện tại, với thu nhập từ làm nghề, chị phụ cùng chồng nuôi đứa con trai ăn học và chuẩn bị mọi thứ cho đứa con thứ 2 sắp chào đời. Anh Bùi Văn Hiệp ở xóm Giữa tuy tuổi đời còn trẻ nhưng về tuổi nghề anh là người làm nghề lâu nhất xóm. Sau khi lập gia đình, hai vợ chồng anh cùng làm nghề. Chồng vỡ, vợ gọt, hai anh chị thu nhập 7 đến 8 triệu đồng/tháng. Nhờ số tiền ấy, anh chị tích cóp vay mượn thêm từ gia đình đôi bên xây dựng được căn nhà mái bằng rộng rãi, khang trang. Đến Yên Mỹ hôm nay, bạn sẽ cảm nhận được không gian làng quê ấm cúng và cũng khá đầy đủ, hiện đại.

Người làm nghề cho biết, làm nghề chạm khắc gỗ kinh phí đầu tư vào máy móc không quá tốn kém; lại chủ động được thời gian, ngồi đâu cũng làm được. Vì vậy, trước kia cứ 10 nhà thì có đến 7 nhà có người làm chạm khắc. Tuy nhiên, người làm nghề Yên Mỹ chủ yếu đi làm ở các tỉnh thành xa như Nghệ An, Bắc Ninh, Hà Nam, thậm chí vào tận miền Nam để “hành nghề”. Bởi, đi làm ăn xa, sản phẩm không đòi hỏi tỉ mẩn, yêu cầu kĩ thuật không quá khắt khe. Thu nhập bình quân trên đầu người lại cao. Do vậy có những giai đoạn, Yên Mỹ chỉ còn lại vài chục người làm nghề. Những năm gần đây, một số lao động đi làm ăn xa đã quay trở về quê hương tiếp tục làm nghề chạm khắc gỗ theo phương châm “ly nông bất ly hương” ngày một nhiều. Họ quyết tâm quay trở về làm giàu trên chính mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” của mình. Ước tính đến thời điểm hiện tại, Yên Mỹ có khoảng 100 đến 150 người làm nghề chạm khắc gỗ. Theo nhận định của những người làm nghề, thời gian tới, lượng người lao động xa quê sẽ tiếp tục trở về gắn bó với nghề chạm khắc gỗ của làng quê Yên Mỹ. Đây là một tín hiệu vui.

Hiện nay, Nhà nước đang khuyến khích đẩy mạnh phát triển đa dạng ngành nghề nông thôn nhằm tăng thu nhập cho lao động nông thôn, giảm hộ nghèo, tiến tới làm giàu bền vững. Cùng với kinh nghiệm sẵn có và tâm huyết của người làm nghề Yên Mỹ, hy vọng tương lai không xa, Yên Mỹ sẽ cố gắng đưa làng trở thành làng nghề và tạo được thương hiệu riêng của mình. Muốn làm được điều này, Yên Mỹ cần có sự hỗ trợ từ nhiều phía, từ Trung ương đến địa phương và các tổ chức hiệp hội ngành nghề cũng như ý thức xây dựng làng nghề phát triển bền vững của mỗi hộ làm nghề./.

Bài và ảnh: Hoàng Dung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com