Biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra nhiều hình thái thời tiết cực đoan như nước biển dâng, mặn lấn sâu vào các cửa sông, dông, lốc, động đất, sóng thần… đang ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp.
Theo thống kê của Sở NN và PTNT, lượng mưa trong nhiều năm gần đây tuy ở mức trung bình, nhưng xu hướng những trận mưa, đợt mưa với cường độ lớn diễn ra trong thời gian ngắn, thường xuất hiện vào thời điểm lúa mùa mới cấy (cuối tháng 7, đầu tháng 8) làm ngập úng, gây thiệt hại cho nông dân. Trong khi đó hạn hán kéo dài suốt 6 tháng mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau) với lượng mưa thấp nên sản xuất vụ đông và gieo cấy vụ xuân gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, do BĐKH, gần đây các trận bão diễn biến khá phức tạp. Nếu trước kia bão ảnh hưởng tới tỉnh ta thường vào tháng 6 đến tháng 10, trong đó hai tháng cuối thường ít bão, bão nhỏ nhưng cơn bão số 8 cuối tháng 10-2012, đã gây úng hàng nghìn ha lúa mùa chưa thu hoạch và làm ngập úng trên 12 nghìn ha cây vụ đông sớm của các địa phương. BĐKH diễn biến nhanh làm nước biển dâng cao hơn so với dự báo. Nếu dự báo của kịch bản BĐKH làm nước biển dâng cao 0,2m so với 10 năm trước thì đến nay nước biển đã dâng cao hơn 10 năm trước 0,4m, gấp 2 lần so với dự báo. Bão và nước biển dâng nên trong cơn bão số 2 ngày 23-6-2013 tuy sức gió mạnh nhất gần tâm bão chỉ cấp 8, giật cấp 9, cấp 10 nhưng lại đúng thời điểm triều cường làm nước biển dâng cao tới 1,5-2,5m, làm ngập sâu 2 khu du lịch Thịnh Long và Quất Lâm. Nước biển dâng cao, mặn lấn sâu vào các cửa sông, nhất là thời gian từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau do không có mưa. Vụ xuân 2010, mặn lấn sâu vào các cửa sông 25-35km, trên sông Hồng mặn lên đến Mom Rô, cách biển 35km (ngã 3 sông Hồng và sông Ninh Cơ); trên sông Ninh Cơ mặn lên đến cống Rộc, cách biển 32km, làm toàn bộ diện tích các huyện phía nam tỉnh: Xuân Trường, Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng và một phần diện tích của huyện Trực Ninh không lấy được nước để làm đất gieo cấy lúa xuân. Một số xã ven biển của các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thuỷ khi lấy nước từ các đợt xả nước chống hạn của các hồ thuỷ điện, nhưng chỉ ngâm vài giờ, độ mặn tiềm tàng trong lòng đất bốc lên đo được ngay tại ruộng từ 5-7 phần nghìn, thậm chí có nơi 8-9 phần nghìn, nên phải rửa mặn 2-3 lần mới gieo cấy lúa được. Từ năm 2010 đến nay, nhiều diện tích của xã Nam Điền, Thị trấn Rạng Đông… (Nghĩa Hưng) mặc dù đã rửa mặn nhưng gặp thời tiết nắng nóng, mặn bốc lên khiến lúa chết phải cấy lại vài lần, năng suất thấp vì lúa kém phát triển. Cũng do BĐKH nên mùa đông rét đậm, rét hại kéo dài; mùa hè nắng nóng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp.
Xây dựng kè cắt sóng tạo bãi đê biển Giao Thuỷ. |
Để ứng phó với tình trạng BĐKH, bảo vệ, phát triển sản xuất, từ năm 1996 đến nay được sự đầu tư của Trung ương, tỉnh ta đã tập trung nâng cấp tuyến đê biển theo hướng kiên cố hoá được 56,8/76,6km có khả năng chống bão cấp 10, tần suất 5%; xây mới 8 cống qua đê và 53 mỏ kè giữ bãi bảo vệ đê, đang xây dựng tiếp 21/33 mỏ kè mới, đồng thời tiếp tục thi công tu bổ nâng cấp 18,1km đê biển xung yếu ở 3 huyện ven biển. UBND tỉnh đã đề nghị Chính phủ cho xây dựng tuyến 2 đê biển trong đồng để bảo vệ, phát triển sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản và dân sinh. Theo đó, tuyến 2 đê biển phía trong đồng, cách đê chính vài trăm mét ngăn nước mặn khi gió, bão, nước biển dâng tràn qua đê chính. Với vùng cửa sông, bãi bồi được tạo bởi các mỏ kè, các địa phương đã triển khai trồng rừng chắn sóng, giữ bãi. Đến nay, diện tích rừng ngập mặn của tỉnh đã đạt 3.600ha, riêng năm 2013, 3 huyện ven biển tiếp tục trồng thêm 68ha rừng ngập mặn. Tỉnh đã tổ chức xây mới thay thế 30 cống qua đê bảo đảm chắc chắn, an toàn trong mùa mưa bão; nâng cấp trên 30km đê sông, hơn 20km chiều dài kè bảo vệ đê và bê tông hoá 102,6km mặt đê; đang thi công và tu bổ, nâng cấp 14 công trình kè đê sông với tổng chiều dài gần 6,7km. Đặc biệt, trong 5-6 năm gần đây, với hàng nghìn tỷ đồng từ các nguồn vốn ADB, trái phiếu…, tỉnh ta đã hoàn thành hàng chục dự án củng cố, nâng cấp hệ thống thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản như: củng cố, nâng cấp hệ thống tiêu Hải Hậu; nạo vét, củng cố hệ thống sông Sò; củng cố, nâng cấp hệ thống kênh tưới chính Cổ Đam; củng cố, nâng cấp kênh Múc; nạo vét, nâng cấp hệ thống tiêu Quần Vinh 2, Đại Tám; nạo vét, nâng cấp hệ thống thuỷ lợi đông Giao Thuỷ; xây dựng trạm bơm và hệ thống thuỷ lợi Nam Hà… Qua DĐĐT, nông dân đóng góp hàng trăm ha làm giao thông thuỷ lợi nội đồng, tạo ra những vùng sản xuất chuyên canh, tạo bước chuyển mới trong cơ giới hoá nông nghiệp, xây dựng mạng lưới giao thông, thuỷ lợi hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu chủ động tưới tiêu cho thâm canh, chuyên canh và an toàn bền vững trong sản xuất để ứng phó với BĐKH. Đồng chí Bùi Sỹ Sơn, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết, để chống xâm nhập mặn vào các cửa sông, đập ngăn mặn Nhất Đỗi 2 đã được xây dựng trên sông Sò bảo đảm ngăn mặn cho địa bàn huyện Xuân Trường và một phần diện tích của huyện Giao Thuỷ. Tới đây tỉnh và Bộ NN và PTNT tiếp tục khảo sát để xây dựng các đập ngăn mặn trên các tuyến sông chính của tỉnh chống mặn xâm nhập sâu ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh. Trên tuyến sông Hồng, đập sẽ được xây dựng tại khu vực xã Giao Thiện (Giao Thuỷ); trên tuyến sông Ninh Cơ, đập sẽ được xây dựng tại khu vực các xã Hải Minh, Hải Châu (Hải Hậu); trên tuyến sông Đáy, đập sẽ được xây dựng tại khu vực xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng). Trong chỉ đạo sản xuất, để đối phó với BĐKH, những năm gần đây, ngành NN và PTNT tỉnh đã đưa nhiều giống lúa lai, lúa thuần và các giống cây có khả năng chịu mặn vào gieo trồng tại các địa phương bị nhiễm mặn để tuyển chọn các giống chịu mặn tốt cho năng suất và chất lượng khá đưa vào cơ cấu gieo cấy tại các địa phương ven biển, cửa sông. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các huyện, thành phố sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, loại bỏ các giống lúa dài ngày để gieo cấy trong cả 2 vụ; hướng dẫn quy trình chăm sóc, bón phân cân đối cho lúa khoẻ, cứng cây nhằm tăng khả năng chống chịu, hạn chế thấp nhất các thiệt hại do thiên tai, thời tiết, sâu bệnh, bảo đảm an toàn năng suất và mở rộng diện tích trồng cây vụ đông trên đất 2 lúa trong năm. Sở NN và PTNT đã tham mưu với tỉnh quy hoạch các vùng sản xuất bị ảnh hưởng do mặn xâm nhập như chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản, hoặc luân canh cây màu thay cho cấy lúa kém hiệu quả vì năng suất thấp. Nhiều địa phương đã chuyển đổi thành công như các xã Nam Điền, Nghĩa Thắng, Nghĩa Hải, Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng), Thị trấn Thịnh Long, các xã Hải Châu, Hải Đông… (Hải Hậu), Thị trấn Quất Lâm, các xã Giao Phong, Bạch Long, Giao Xuân… (Giao Thuỷ).
BĐKH đang diễn ra với các hình thái thời tiết cực đoan đã gây khó khăn không nhỏ cho sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản. Để phát triển và bảo vệ sản xuất và đời sống, tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để thích ứng, nỗ lực hạn chế thấp nhất những thiệt hại do tác động của BĐKH./.
Bài và ảnh: Tất Thắc