Mỹ Hưng phát triển kinh tế VAC

07:08, 26/08/2013

Là vùng đồng trũng, những năm qua, cùng với các biện pháp chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ hợp lý, xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc) đã tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, tạo động lực phát triển kinh tế của xã. Đến nay, toàn xã đã chuyển đổi được hơn 43ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển kinh tế VAC, đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm mỗi mô hình. Hầu hết các hộ sản xuất theo mô hình này đều tập trung đầu tư cải tạo ao, đầm thả cá kết hợp với xây chuồng trại chăn nuôi lợn và trồng rau màu, cây cảnh. Ban Nông nghiệp xã đã chủ động phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn, giới thiệu các mô hình con nuôi thuỷ sản hiệu quả, mô hình chăn nuôi lợn sử dụng đệm lót chuồng sinh thái, nuôi lợn an toàn sử dụng chế phẩm sinh học. Chị Đặng Ngọc Tiến ở xóm 5 cho biết: "Gia đình tôi có 7 ao nuôi cá, trong đó có 4 ao ương cá giống, 3 ao nuôi cá thương phẩm các giống cá truyền thống như: trắm, trôi, mè, chép..., mỗi ao đều cho sản lượng từ 2,5-3 tấn cá/năm. Bình quân mỗi năm gia đình tôi thu hơn 60 triệu đồng từ nuôi cá. Ngoài ra, trên bờ, tôi đầu tư xây 2 dãy chuồng với 27 ô chuồng nuôi 8 con lợn nái và 50 con lợn thịt thương phẩm". Ngoài các loại cá truyền thống, trên địa bàn xã còn nhiều mô hình nuôi thuỷ đặc sản có hiệu quả kinh tế cao như mô hình của các anh: Trần Xuân Lộc ở xóm 1, có 3 mẫu ao nuôi cá lóc bông; Phạm Văn Quân ở xóm 5 nuôi cá rô đồng; Đặng Thế Ba ở xóm 2 với hơn 4 mẫu ao nuôi các loại cá giống và cá cảnh; Đặng Văn Nhân ở xóm 2 có 4 mẫu ao nuôi cá trắm đen; ông Đặng Đình Thong ở xóm 3 đầu tư 8ha nuôi cá trắm đen kết hợp với 2ha trồng sen. Anh Phạm Văn Quân cho biết, năm 2013 là năm đầu tiên gia đình anh nuôi cá rô đồng. Nhờ được tập huấn kỹ thuật và đi tham quan học tập kinh nghiệm từ các mô hình nuôi cá rô đồng ở Thái Bình, nên đến nay đàn cá giống của gia đình anh được thả từ cuối tháng 2-2013 đều phát triển nhanh. Theo anh Quân, nuôi cá rô đồng không đòi hỏi kỹ thuật cao vì là loài cá khoẻ, có khả năng thích nghi với các điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên và môi trường sống, ít bệnh. Trong quá trình nuôi chỉ cần chú ý cho ăn đầy đủ theo chu kỳ phát triển của cá, thức ăn đủ chất, đảm bảo độ đạm cần thiết... Bên cạnh đó, cần quản lý tốt chất lượng nguồn nước và rào chắn cẩn thận trong mùa mưa bão để tránh thất thoát... Môi trường ao nuôi và thức ăn đều được anh sử dụng chế phẩm sinh học xử lý nên đảm bảo an toàn dịch bệnh. Hiện tại, gia đình anh đang đánh tỉa 2 ngày/1 lần, bình quân mỗi lượt thu được từ 50-70kg; cá có trọng lượng trung bình từ 10-15 con/kg. Dự kiến mỗi ao nuôi, gia đình anh sẽ thu được từ 1,3-1,4 tấn cá rô đồng, trừ chi phí, gia đình anh có lãi hơn 60 triệu đồng. Ngoài ra, trên diện tích 7 sào vườn và bờ vùng, bờ thửa, anh Quân còn trồng hơn 500 gốc quất cảnh giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình anh mỗi năm khoảng hơn 20 triệu đồng. Năm 2012, giá trị nuôi thuỷ sản của xã Mỹ Hưng đạt hơn 70 triệu đồng/ha.

Kiểm tra trọng lượng cá rô đồng trước khi xuất bán ở gia đình anh Phạm Văn Quân, xóm 5, xã Mỹ Hưng.
Kiểm tra trọng lượng cá rô đồng trước khi xuất bán ở gia đình anh Phạm Văn Quân, xóm 5, xã Mỹ Hưng.

Để đảm bảo an toàn môi trường trong chăn nuôi, Hội Nông dân xã Mỹ Hưng đã phối hợp với các doanh nghiệp, Trạm khuyến nông huyện tổ chức giới thiệu các mô hình xử lý phân, chất thải chăn nuôi, khuyến khích các hộ sử dụng chế phẩm sinh học. Hầu hết các hộ chăn nuôi lớn có quy mô từ 50-100 con lợn trở lên đều được hướng dẫn xây dựng bể biogas bằng chất liệu composite. Đầu năm 2011, gia đình chị Đặng Ngọc Tiến ở xóm 5 đã đầu tư hơn 15 triệu đồng xây dựng bể biogas bằng composite do Cty TNHH Phát triển công nghệ khí sinh học môi trường xanh (Thái Bình) để xử lý các chất thải chăn nuôi nhằm đảm bảo môi trường chăn nuôi an toàn. Theo chị Tiến, bể biogas bằng chất liệu composite đã khắc phục được những nhược điểm của bể biogas xây bằng gạch như hay bị hở, dễ bị lún nứt, không tự phá được váng, không thể di chuyển sang vị trí khác khi có nhu cầu chuyển đổi... Bể biogas làm bằng chất liệu composite nên độ bền cao, tự động phá váng và đẩy bã ra ngoài mà không cần phải thau dọn bể, áp suất ga cũng cao hơn gấp 3 lần so với bể xây bằng gạch có cùng thể tích, đặc biệt hoàn toàn không có mùi do có hệ thống lọc khí, khử mùi riêng. Bể có dạng tròn đặt trong hố, có thể lắp đặt trong mọi địa hình, kể cả các vùng đất trũng, nền đất yếu nên tiện lợi cho việc di chuyển khi có nhu cầu. Ngoài ra, hơn 117 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong các khu dân cư đều được Hội Nông dân xã khuyến khích sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi nên môi trường chăn nuôi của xã đảm bảo an toàn, nhiều năm qua không phát sinh dịch bệnh. Hiện tại, tổng đàn gia súc, gia cầm của xã có hơn 14 nghìn con. Chủ động, tích cực chuyển đổi sản xuất, quan tâm đầu tư phát triển chăn nuôi hợp lý đã góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn, nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo. Năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã chỉ còn 3%./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com