Làng nghề xe đay, dệt chiếu Giáp Nam

07:08, 15/08/2013

Miền Giáp Nam, xã Hải Phương (Hải Hậu) gồm ba xóm 7, 8, 9 có tổng số 450 hộ với 1.800 khẩu. Ngoài sản xuất nông nghiệp, trong miền có trên 300 hộ với khoảng 500 lao động làm nghề xe (vê) đay, dệt chiếu, mang lại nguồn thu nhập đáng kể, góp phần cải thiện cuộc sống của người dân.

Xe đay để dệt chiếu tại gia đình bác Bùi Thị Tươi, xóm 8, xã Hải Phương.
Xe đay để dệt chiếu tại gia đình bác Bùi Thị Tươi, xóm 8, xã Hải Phương.

Bác Bùi Thị Tươi, xóm 8 cho biết, từ nhỏ đã chứng kiến việc mẹ thường tranh thủ thời gian nông nhàn hay những ngày “mưa dầm, gió bấc”, cùng cả nhà xe đay. Bó sợi đay đã phơi “nỏ” cất trên gác bếp được lấy xuống; guồng quay cất trong buồng kéo ra, mấy anh em tự giác mỗi người một việc giúp mẹ; người quay guồng, người tiếp đay cho mẹ xe thành sợi. Cuộn dây đay sau khi đã xe săn được mẹ bác cẩn thận cất trong buồng, cuộn thì để dệt chiếu, cuộn dành đan võng; nếu gặp mẻ đay già, đều thì dùng để bện dây thừng, dây chão. Đó cũng là công việc của hầu hết các hộ dân miền Giáp Nam, nhà nào cũng có khung dệt chiếu, guồng xe đay. Đay nguyên liệu được mua ở các xã “miền Trực” (thuộc huyện Trực Ninh) ven sông Ninh Cơ là đay trồng ở đất bãi, từ tháng 8 năm trước, trải qua hàng loạt công đoạn như: ngâm (từ 1-2 ngày), phơi khô, tuốt vỏ, bó gọn để vào chỗ khô ráo để làm nguyên liệu sản xuất quanh năm. Khác với khâu dệt chiếu đòi hỏi kỹ thuật cao, xe đay là khâu tương đối đơn giản, có thể tận dụng lao động các lứa tuổi; từ người già đến trẻ nhỏ có thể tranh thủ lúc nghỉ hè, ngoài giờ học bài… Thời điểm cực thịnh, cả miền Giáp Nam có gần 100 khung dệt chiếu, tận dụng thời gian nông nhàn, rảnh rỗi để sản xuất. Cứ thế, cùng với sự cần cù, tỉ mỉ của người dân miền Giáp Nam và những mùa đay của vùng bãi sông Ninh Cơ, mùa cói của Nông trường Rạng Đông, nghề xe đay, dệt chiếu đã góp phần gây dựng no ấm cho biết bao gia đình. Bước vào thời kỳ đổi mới, tập quán sinh hoạt của nhân dân đã có nhiều thay đổi. Từ lâu đã không thấy chiếc võng đay mắc ở hè; dây thừng, dây chão đay cũng đã được thay thế bằng các loại dây làm từ vật liệu khác như dây dù, dây nilon. Chiếu trúc, chiếu nhựa, chiếu mành tăm… “lấn” chỗ của chiếu cói. Hàng bán chậm nên giá trị ngày công của nghề xe đay thấp, không tạo sức hút với người lao động. Theo tính toán của ông Bùi Văn Sách, ở xóm 7, có thâm niên gần 40 năm trong nghề thì đay nguyên liệu hiện nay có giá 30-35 nghìn đồng/kg, sợi thành phẩm có giá từ 65-70 nghìn đồng/kg. Mỗi ngày, một lao động chỉ làm được tối đa 1,5kg sợi đay, tính ra ngày công chỉ được từ 30-40 nghìn đồng. Bên cạnh đó, nhiều ngành nghề sản xuất công nghiệp đã được đưa về tận quê, với mức thu nhập cao nên hơn 400 lao động chính của nghề dệt chiếu đã đi làm công nhân cho các Cty CP May Sông Hồng, Cty CP Gỗ mỹ nghệ Hợp Long ở CCN Hải Phương. Làng nghề truyền thống Giáp Nam bây giờ chủ yếu là xe đay với hơn 500 lao động làm nghề. Cả miền Giáp Nam còn gần chục khung dệt chiếu nhưng chỉ có hộ của hai chị em Trần Thị Thắm, Trần Thị Thiêng ở xóm 8 vẫn duy trì nghề dệt chiếu. Dừng tay luồn cói vào khung, chị Thắm cho biết, mỗi ngày hai chị em chỉ dệt được từ 7-8 lá chiếu hoàn chỉnh. Trước đây trong làng, trong xóm còn nhiều khung dệt thì cói nguyên liệu được mua cùng một “mối” nên ngày công cũng cao hơn. Vài năm trở lại đây làng không còn làm nghề, các chị chuyển sang dệt chiếu thuê cho các hộ ở làng Xuân Dục, xã Xuân Ninh (Xuân Trường). Mỗi lá chiếu thành phẩm được trả công 10-12 nghìn đồng; sợi đay xe chủ yếu được các thương lái về thu mua để cung ứng cho các làng nghề dệt chiếu ở Hải An, Hải Bắc (Hải Hậu), xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng).

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Văn Đề, Chủ tịch UBND xã Hải Phương cho biết: Với lịch sử hình thành và phát triển gần 100 năm, nghề xe đay, dệt chiếu đang tạo việc làm ổn định cho khoảng 500 lao động địa phương với thu nhập tối thiểu từ 1,2 triệu đồng/người/tháng trở lên. Tuy không tạo ra khối lượng hàng hóa lớn nhưng làng nghề đã khai thác được nguồn nguyên liệu sẵn có tại chỗ, giải quyết việc làm cho lao động lúc nông nhàn, nâng cao đời sống của nông dân. Làng nghề xe đay, dệt chiếu Giáp Nam đã góp phần nâng giá trị thu nhập bình quân đầu người của xã. Trong 6 tháng đầu năm 2013, giá trị sản xuất CN-TTCN của xã đạt trên 44 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 45% trong cơ cấu kinh tế xã. Thời gian tới, xã tạo điều kiện cho các hộ dân duy trì nghề truyền thống với quy mô hợp lý để đảm bảo việc làm phù hợp cho một bộ phận lao động nông nhàn, giúp người dân có thêm thu nhập, cải thiện đời sống./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com